Chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan: Không có chỗ cho phe ôn hòa

Tương lai của Afghanistan dưới chính quyền Taliban 2.0 vẫn còn là ẩn số bởi các thay đổi vẫn đang diễn ra.

Taliban đã công bố thành phần nội các trong chính phủ Afghanistan. Đây là bước đầu tiên trong quá trình thành lập chính phủ ở Afghanistan trong bối cảnh Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi nước này. Trong nội các mới của Taliban, ông Hassan Akhund được bổ nhiệm là thủ tướng trong chính phủ mới, người đồng sáng lập Taliban là Abdul Ghani Baradar sẽ đảm nhiệm vị trí quyền lực thứ 2 trong chính phủ.

Điểm đáng lưu ý, Sarajuddin Haqqani được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Nội vụ. Người này là thủ lĩnh nhóm vũ trang Haqqani, tổ chức bị Mỹ xem là "khủng bố". Trước đó, Taliban tuyên bố lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Washington vì lợi ích của cả Afghanistan và Mỹ, đồng thời hoan nghênh khả năng Mỹ tham gia công cuộc tái thiết quốc gia Tây Nam Á này.

Rập khuôn mô hình tổ chức nhà nước của Iran

Sau 2 lần phải trì hoãn việc công bố mà không rõ lý do, lực lượng Taliban tại Afghanistan cuối cùng đã chính thức cho ra mắt thành phần Chính phủ lâm thời sẽ lãnh đạo đất nước này trong giai đoạn sắp tới, khi mà Taliban sẽ thay thế chính phủ thân phương Tây vừa sụp đổ để điều hành đất nước. Danh sách này gồm 33 cái tên, phần lớn đều là các nhân vật từng gắn bó với Taliban trong suốt nhiều năm qua, hoặc là thuộc các phe cánh lớn trong nội bộ tổ chức này.

Người phát ngôn Taliban - Zabihullah Mujahid (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn Taliban - Zabihullah Mujahid (Ảnh: Reuters).

Đây có thể coi là sự tưởng thưởng, ghi nhận công lao của các thành viên chủ chốt trong Taliban sau quá trình 20 năm từ chỗ bị lật đổ tới ngày trở lại Kabul nắm chính quyền. Nhận định ban đầu cho thấy, hầu hết các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới đều là các nhân vật có quan điểm Hồi giáo cứng rắn.

Những người có khuynh hướng cải cách hay ôn hòa không xuất hiện nhiều và không có được vị trí phù hợp. Điển hình là trường hợp của phó thủ lĩnh và là người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar, người chỉ được bổ nhiệm vào vị trí Phó Thủ tướng. Trong Nội các mới này, không có bất cứ gương mặt nữ nào. Ngoài ra, đại diện của các nhóm sắc tộc thiểu số như người Hazara, người Uzbek, người Tajik cũng có số lượng rất nhỏ. Chỉ có 3 nhân sự là người Uzbek và Tajik. Đa phần thành viên Chính phủ mới đều là người Pashtun.

Có thể thấy rằng, các cam kết trước đó của Taliban về việc xây dựng một Chính phủ bao trùm, mang tính đại diện với tất cả các thành phần trong đất nước Afghanistan đã không thành hiện thực. Đây là một tập thể phản ánh ý chí của Taliban khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan. Đó là một Tiểu vương quốc Hồi giáo lấy luật Hồi giáo Shariah làm khuôn khổ. Các quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số vì thế chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh và thu hẹp.

Nhìn về cấu trúc, mô hình nhà nước mà Taliban vừa ra mắt rập khuôn lại tổ chức nhà nước tại Iran. Theo đó, Chính phủ mới ở Kabul có một lãnh tụ tôn giáo tối cao, với Taliban đó là Mullah Haibatullah Akhundzada. Akhundzada sẽ là lãnh tụ tinh thần của nhà nước này cho dù ông không có bất cứ vai trò nào trong Chính phủ. Thủ tướng và toàn bộ Chính phủ có trách nhiệm báo cáo lên Lãnh tụ tối cao này. Trong một tuyên bố bằng văn bản sau khi Nội các mới được bổ nhiệm, Akhundzada chỉ thị cho Chính phủ mới phải duy trì các trật tự, quy định của đạo Hồi và luật Hồi giáo Shariah tại Afghanistan.

Bộ máy Chính phủ: Người nằm trong danh sách khủng bố, người bị Mỹ truy nã

Bộ máy Chính phủ mới của Taliban được xem là khá kỳ lạ. Không chỉ có quyền bộ trưởng Nội vụ Sarajuddin Haqqani bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố và bị truy nã, rất nhiều gương mặt khác trong bộ máy này cũng đang bị xem là khủng bố, từng vào tù vì các tội danh khủng bố và được cho là có dính lứu tới tội ác. Người đứng đầu Chính phủ lâm thời do Taliban thành lập Mullah Mohammad Hasan Akhund hiện đang có tên trong danh sách phần tử khủng bố của Liên hợp quốc.

Hasan Akhund xuất thân từ tỉnh Kandahar và là một trong 30 thành viên sáng lập Taliban. Nhân vật này tham gia Taliban suốt 20 năm qua với tư cách là người đứng đầu Rehbari Shura - cơ quan ra quyết định của Taliban và rất thân cận với lãnh tụ tối cao của Taliban Hebatullah Akhundzada. Cấp phó của Akhund là Mullah Baradar cũng từng bị bắt giữ tại Karachi, Pakistan, bị giam trong nhà tù của nước láng giềng. Sau khi được thả năm 2018, nhân vật này mới khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ. Còn Sarajuddin Haqqani vẫn đang bị Chương trình Công lý của bộ Ngoại giao Mỹ trao thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được nhân vật này.

Sarajuddin được cho là có trách nhiệm trong các vụ đánh bom khủng bố trước đó tại Afghanistan làm nhiều dân thường thiệt mạng. Đó là chưa kể tới một vài thành viên khác trong Nội các 33 người của Taliban cũng từng là tù nhân tại nhà tù Guantanamo của Mỹ.

Điều này càng chứng minh cách sử dụng nhân sự của Taliban. Lực lượng này coi trọng các cống hiến, đóng góp của các thành viên trong quá trình trở lại quyền lực 20 năm qua, cho dù họ có gốc gác khủng bố, từng có các hành động tàn bạo, đẫm máu. Đây còn là một thông điệp tới nội bộ người Afghanistan và cả thế giới rằng, Taliban sẽ không thay đổi quan điểm và sẽ vẫn tuân theo đức tin, chiến lược hành động của mình bất kể sức ép từ bên ngoài.

Tương lai của Afghanistan dưới chính quyền Taliban 2.0 vẫn còn là ẩn số (Ảnh: AP).

Bộ máy này ra đời cũng hé lộ phần nào những cuộc đấu nội bộ trong lòng Taliban để giành được cán cân quyền lực. Trước tiên, cơ cấu Chính phủ vừa được công bố là chiến thắng của Mạng lưới Haqqani, một nhánh của Taliban có quan hệ rất chặt chẽ với Cơ quan Tình báo quốc phòng Pakistan (ISI).

Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc ISI Faiz Hameed có chuyến thăm bất ngờ tới Kabul 3 ngày trước khi Taliban công bố Chính phủ. Đây được coi là động thái giúp giàn hòa các bất đồng giữa các phe phái trong Taliban, thúc đẩy vai trò của Mạng lưới Haqqani trong Chính phủ mới, đồng thời gây ảnh hưởng với chính quyền sắp tới ở Afghanistan.

Người ta cho rằng, Pakistan muốn Haqqani lên nắm quyền lãnh đạo tại một số tỉnh chủ chốt có biên giới với Pakistan. Điều này sẽ giúp Pakistan ngăn chặn nhóm khủng bố Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) mở các cuộc tấn công qua biên giới nhằm vào Pakistan. Cơ cấu Nội các này là kết quả của các cuộc đàm phán, mặc cả thậm chí là cạnh tranh gay gắt giữa 2 phe nhóm chính trong Taliban.

Đó là Mạng lưới Haqqani có rất mạnh ở phía Đông và Tây Bắc Afghanistan và hiện đang kiểm soát thủ đô Kabul. Phía bên kia là phe của Mullah Yaqoob, con trai của người sáng lập Taliban Mullah Omar. Mullah Yaqoob muốn đưa thêm nhiều nhân vật của cánh quân sự vào trong chính quyền mới và đẩy các nhân vật chính trị vốn do phó thủ lĩnh Mullah Baradar hậu thuẫn ra khỏi Nội các. Hai nhóm này đang hình thành cục diện đối đầu trong Chính phủ giữa 1 bên là phe ủng hộ Pakistan của Mạng lưới Haqqani và 1 bên là phe ủng hộ Afghanistan độc lập của Mullah Yaqoob.

Tương lai của Afghanistan vẫn còn là ẩn số

Tương lai của Afghanistan dưới chính quyền Taliban 2.0 vẫn còn là ẩn số bởi các thay đổi vẫn đang diễn ra. Taliban sẽ đảo ngược nhiều chính sách dưới thời chính quyền thân phương Tây. Nhiều thay đổi có tính chất hà khắc hơn, thắt chặt hơn về các quyền tự do, các quyền của nhóm thiểu số, của phụ nữ.

Dự báo sẽ xuất hiện rất nhiều sự phản kháng của các tầng lớp nhân dân chống lại các thay đổi của Taliban. Không loại trừ khả năng các nhóm đối lập, các tàn dư của chính quyền cũ ví dụ như Mặt trận Kháng chiến Quốc gia tại tỉnh Panjshir sẽ tập hợp lực lượng trở lại và phát động phong trào chống Taliban. Kịch bản đó sẽ kéo Afghanistan trở lại vòng xoáy bạo lực. Đó là chưa kể các phe phái trong nội bộ Taliban phát sinh bất đồng, lục đục gây chiến lẫn nhau.

Hiện tại, chưa rõ năng lực cầm quyền của bộ máy mới tại Kabul như thế nào, khi mà họ đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế đang ngày một lớn dần. Việc quân đội nước ngoài rút đi, kéo theo các bất ổn an ninh kiến kinh tế Afghanistan teo tóp dần, các dịch vụ công cộng gần như đình trệ. Vấn đề là Taliban sẽ phải kêu gọi, thu hút người tài và các nhân viên có tay nghề trở lại làm việc như thế nào sau làn sóng rời bỏ đất nước như những tuần vừa qua./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chinh-phu-moi-cua-taliban-o-afghanistan-khong-co-cho-cho-phe-on-hoa-889243.vov