'Chính phủ không phải kinh doanh lấy tiền'

“Mục đích của Chính phủ không phải để kinh doanh lấy tiền” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

“Để phát triển bền vững cần phải hành động, hành động và hành động”. Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững Việt Nam 2016 diễn ra ngày 8-11 tại Hà Nội.

“Tôi có tới 20 chức nhưng không yên lòng”

Phó Thủ tướng nói như tâm sự: “Tôi có rất nhiều chức. Riêng các ủy ban liên ngành có tới 20 chức, mặc dù tôi từ chối nhiều. Có nhiều chức rất khó nhưng chức làm tôi không yên lòng nhất là chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói tiếp: “Khi đọc khái niệm phát triển bền vững tôi không yên lòng được nữa. Phát triển bền vững phải đáp ứng nhu cầu hôm nay nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu của tương lai. Chúng tôi không yên lòng vì những việc làm ngày hôm nay của mình liệu có ảnh hưởng đến mai sau hay không. Trong bối cảnh hôm nay, tôi mong những gì DN, xã hội làm được thì Chính phủ không cần làm. Chính phủ không ôm đồm nhiều. Chính phủ làm những việc thực sự cần thiết là tạo ra môi trường tốt”.

Một trong những dấu hiệu rõ nhất là việc Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các cấp phải thuê dịch vụ công nghệ thông tin để làm dịch vụ công. “Chẳng hạn Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo với Chính phủ và với tôi rằng chỉ riêng việc thuê Công ty Bưu điện đi phát ý kiến trả lời là đã tiết kiệm được 70% chi phí” - Phó Thủ tướng dẫn chứng .

Không chỉ dịch vụ công, theo Phó Thủ tướng, DN nhà nước cũng không cần làm những việc không thực sự tối cần thiết. Vì vậy Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DN nhà nước. Tuy nhiên, nhiều DN nhà nước gọi là cổ phần hóa nhưng chỉ được vài phần trăm chứ không thể thay đổi bản chất quản trị và phát triển bền vững.

“Nhiều ý kiến nói rằng nhiều DN nhà nước đang làm ăn có lãi, sao phải cổ phần hóa, sao phải bán. Nhưng mục đích của Chính phủ không phải để kinh doanh lấy tiền. Việt Nam khi bắt đầu đổi mới sắp xếp DN nhà nước thì số DN này có khoảng 11.000. Hiện nay chỉ còn dưới 1.000 DN nhà nước và số này sẽ còn giảm nữa” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết .

Kết thúc bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng nói thị trường dịch vụ công đã mở cho DN và Chính phủ rất muốn DN tham gia vào lĩnh vực này. “Làm sao để các DN có năng lực, có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này được tạo điều kiện thuận lợi nhất” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Những gì DN, xã hội làm được thì Chính phủ không cần làm”. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Độc đạo” phát triển bền vững

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Phát triển bền vững là con đường duy nhất, là độc đạo của DN Việt Nam. Ba trụ cột là con người, trái đất và lợi nhuận. DN dứt khoát phải tạo ra lợi nhuận kinh tế nhưng phải quan tâm đến con người, đến hành tinh này”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trong phần trình bày của mình cũng khẳng định: “Nếu tiếp tục đi theo mô hình phát triển không bền vững thì cha ông sẽ để lại cho thế hệ tương lai một đất nước nghèo nàn, thiếu hụt tài nguyên và nhiều vấn đề”.

Theo Bộ trưởng Hà, Chính phủ và DN cần thống nhất thay đổi tư duy phát triển, chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh. Ông nói: “Chúng ta chú trọng vào đầu tư tự nhiên, giảm rác thải, sử dụng nguồn năng lượng mới và dựa vào kinh tế tri thức”.

Sinh lợi nhưng dựa trên lợi ích cả cộng đồng

Phát biểu tại diễn đàn, bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, nói: “Chúng tôi mong muốn là đơn vị tiên phong thúc đẩy mô hình phi lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Qua đó để người Việt Nam được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục như các nước tiên tiến trên thế giới ngay tại đất nước mình”.

Minh chứng rõ nhất, theo bà Hoa, là tập đoàn đã quyết định chuyển đổi hệ thống Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận, tạo bước phát triển quan trọng để xã hội hóa hoạt động y tế và giáo dục. Trong tương lai, Vingroup sẽ tiếp tục dành khoảng 5.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hai trường đại học là Trường ĐH Quốc tế VinUniversity và ĐH Y Vinmec theo mô hình phi lợi nhuận.

Trong khi đó, ông Trần Hồng Việt, Tổng Giám đốc Saigon Tourist, cho rằng đôi khi việc theo đuổi lợi nhuận không phải là mục tiêu đúng đắn bởi điều đó có thể tàn phá môi trường. Vì thế phải sinh lợi nhưng dựa trên lợi ích cả cộng đồng. “Hệ thống khách sạn của chúng tôi đã dùng bóng đèn tiết kiệm điện và để điều hòa ở mức 25 độ C thay vì 19 độ C để tiết kiệm hơn” - ông Việt dẫn chứng.

Vô trách nhiệm, sớm muộn sẽ bị tẩy chay

Phát biểu tại cuộc vận động “Xây dựng văn hóa DN Việt Nam” diễn ra tối 7-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng văn hóa DN là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của DN. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của DN mà còn là tài sản của quốc gia.

“Một trong những điều cốt yếu làm nên trách nhiệm xã hội đó là cách quý vị kinh doanh, cách quý vị ứng xử với môi trường, với người lao động và tuân thủ pháp luật… Tất cả DN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động trẻ em, đối xử bất công với người lao động, trốn thuế, chuyển giá… là những DN “vô trách nhiệm xã hội”, sớm hay muộn gì cũng bị người tiêu dùng trong và ngoài nước tẩy chay” - Thủ tướng nói.

Khi nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ nhận thấy không một cường quốc kinh tế nào mà không có một nền văn hóa DN đặc sắc. Tại sao những quán ăn của Nhật Bản, Hàn Quốc lại có thể chinh phục khách hàng trên khắp thế giới? Tại sao những tập đoàn như Toyota, Sony, Samsung, Apple, Ford… có thể tồn tại và phát triển nhiều thập niên, thậm chí cả trăm năm và khi gặp khủng hoảng, họ vẫn có thể đứng dậy, vượt lên…

“Một trong những lý giải rất quan trọng là họ có một nền tảng văn hóa DN rất mạnh, thậm chí có những thương hiệu đã trở thành biểu tượng của một quốc gia. Những thương hiệu đó đại diện cho những giá trị về sức sáng tạo, tính kỷ luật, sự tiên phong, trách nhiệm xã hội…” - Thủ tướng phát biểu.

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/chinh-phu-khong-phai-kinh-doanh-lay-tien-663965.html