Chính phủ khắc phục những bất cập mà Quốc hội nêu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ phải tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của các đại biểu Quốc hội.

Chiều nay (31/5), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5, sau khi Quốc hội kết thúc phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Vì thế, yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh tại phiên họp này, đó là các thành viên Chính phủ phải đề cao trách nhiệm hơn nữa trong giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, đồng thời phải hết sức quan tâm tới phát triển văn hóa và tỉnh táo trong điều hành để ứng phó kịp thời với những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong một ngày rưỡi vừa qua Quốc hội đã thảo luận thẳng thắn về những vấn đề của đất nước và của từng địa phương. Trong đó, các đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao Chính phủ trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ và hiểu rõ từng thành viên Chính phủ trong các lĩnh vực công tác, tiến bộ và bất cập như thế nào. Các đại biểu cũng đánh giá, góp ý kiến với một số thành viên Chính phủ về những vấn đề còn tồn tại của đất nước. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ phải tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP)

Một trong những vấn đề Thủ tướng yêu cầu các Bộ cần phải khắc phục ngay, đó là chậm ban hành các thủ tục, thông tư và chậm trình Chính phủ dự thảo các Nghị định. Việc này kéo theo nhiều hệ lụy đối với phát triển, nên cần phải chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng kể cả của lãnh đạo Chính phủ để phê bình nghiêm túc. Một vấn đề khác nữa là các tiến bộ về khoa học công nghệ và kỹ thuật, phát triển kinh tế số chậm được đưa vào cuộc sống. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tự xem xét, kiểm điểm lại mình về những tồn tại, bất cập, hoặc đã tạo nên những dư luận và ý kiến của nhân dân, để nhanh chóng khắc phục, nhằm đóng góp vào phát triển của đất nước. Song hành với những vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phải quan tâm hơn nữa tới phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 năm tốt hơn các tháng trước và trong 5 tháng đầu năm nay đạt tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong khi Chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm qua. Còn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục, gần 17 tỷ USD tăng 69% cùng kỳ. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết theo dự báo, tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm. Quý I vừa qua, chỉ số thương mại hàng hóa thế giới ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến khó lường và nếu Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu thì thương mại toàn cầu sẽ giảm 1% và GDP toàn cầu giảm 0,4%. Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với tỷ giá nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh so với USD, giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục lên lúc xuống thất thường. Tình hình này buộc các thành viên Chính phủ phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn, kịp thời hơn. Mặc dù các tổ chức đánh giá tín nhiệm đều dự báo tốt về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, theo Thủ tướng trước mắt phải tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Vì tình hình như hiện nay là gay go.

Thảo luận về vấn đề này, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong dự thảo Luật đầu tư công sửa đổi Quốc hội chỉ quyết định tổng mức đầu tư công và giám sát việc thực hiện, còn để Chính phủ quyết định danh mục đầu tư. Chứ Quốc hội khó thể xem xét kỹ từng dự án trong hàng nghìn dự án đầu tư công của cả 5 năm. Một số Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu không sửa đổi Luật đầu tư công theo hướng khắc phục được những hạn chế đã được chỉ ra, thì không thể thực hiện được các dự án đầu tư công.

Các thành viên Chính phủ cũng bày tỏ lo ngại về dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 60 nước, ở một số quốc gia, tình hình nghiêm trọng hơn so với công bố. Còn ở trong nước đã có 48 tỉnh, hơn 3.000 xã xuất hiện dịch tả lơn châu Phi. Trong đó, hơn 2 triệu con lợn bị tiêu hủy và tình hình sẽ còn phức tạp. Nếu 10% đàn lợn bị tiêu hủy sẽ làm tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm 1%, nếu tăng lên 30% thì tăng trưởng trong nông nghiệp là bằng 0, nếu ảnh hưởng đến 50% thì nông nghiệp sẽ tăng trưởng âm. Để hỗ trợ, Ngân hàng nhà nước sẵn sàng tái cơ cấu nợ cho các hộ chăn nuôi lợn bị dịch tả châu Phi và cho vay thêm để tái đàn sau khi hết dịch.

Theo vtv.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/chinh-phu-khac-phuc-nhung-bat-cap-ma-quoc-hoi-neu/20190531083452369