Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3

Ngày 1-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ trực tuyến thường kỳ tháng ba. Phiên họp được kết nối tới đầu cầu 21 bộ, cơ quan ngang bộ, bảy cơ quan thuộc Chính phủ và TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại Chỉ thị 16/CT-TTg ban hành ngày 31-3, có đặt vấn đề cách ly xã hội (CLXH). Giải thích thêm về vấn đề này, Thủ tướng nói rõ, CLXH là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. CLXH mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Văn phòng Chính phủ cần hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt. Trong thời điểm hiện nay cần quyết liệt nhưng phải hiểu đúng Chỉ thị 16, không nên áp dụng máy móc như một số địa phương vừa qua.

Trong bối cảnh này, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường; bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt. Trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch. Nếu quyết liệt, CLXH, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế tổn thất về tính mạng người dân. Thủ tướng mong từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài PCD; từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ PCD.

Sắp tới, để ngăn chặn dịch thành công, chúng ta phải tiếp tục khóa chặt bên ngoài, kiên quyết khoanh lại ổ dịch bên trong, phát hiện rốt ráo, tìm dấu vết, cách ly nghiêm túc, đủ thời gian; điều trị tốt, hạn chế tối đa các ca tử vong. Trong quý 2 này, chúng ta phải bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), bảo đảm tối thiểu cuộc sống của những người công nhân thất nghiệp, nông dân nghèo, một bộ phận gia đình chính sách; bảo đảm an ninh trật tự cho người dân. Thời gian qua, Chính phủ, các ngành, địa phương đã chuẩn bị điều kiện kích hoạt nền kinh tế khi kết thúc đại dịch, do đó Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh đang bế tắc hiện nay; đồng thời bàn biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đi liền đó là có chế tài mạnh mẽ để các cấp, ngành, chủ đầu tư chuyển biến tích cực.

Đánh giá về tình hình quý I, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đạt mức tăng trưởng GDP 3,82% là sự cố gắng, đây là mức tăng trưởng dẫn đầu khu vực trong bối cảnh nhiều nước âm và bằng không. Trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt khá. Trong tình hình hiện nay, chúng ta nỗ lực không để nền kinh tế đứt gãy, bảo đảm tăng trưởng cần thiết, bảo đảm các cân đối lớn, giải quyết việc làm. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh bằng các biện pháp phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa như nới lỏng tiền tệ thông qua giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ… Kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí và tăng chi tiêu công. Khoản hỗ trợ tài khóa này không thể là 30 nghìn tỷ đồng mà phải 150 nghìn tỷ đồng hoặc hơn. Hỗ trợ phù hợp cho người lao động (NLĐ) mất việc, người nghèo, người yếu thế để bảo đảm ASXH tinh thần như “chiếc lò xo bị nén”, sẵn sàng bung ra để đón bắt thời cơ, “biến nguy thành cơ” để phát triển thời gian tới. Chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng khẳng định, tinh thần nhất quán quan điểm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, ổn định thị trường ngoại hối; có sẵn kịch bản điều hành, bảo đảm thanh khoản, thị trường chứng khoán, kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết. Kiên quyết giảm giá thịt lợn; không tăng giá các mặt hàng thiết yếu; đề xuất giảm giá một số dịch vụ thiết yếu như điện, nước. Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất Chính phủ giảm giá điện.

Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí theo đúng thẩm quyền. Đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho việc không cần thiết, giảm đi nước ngoài; giám sát chặt chẽ sử dụng nguồn vốn vay. Cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ thực hiện đúng hỗ trợ bảo đảm ASXH. Sớm trình Chính phủ phương án tiết kiệm chi NSNN 2020. Bảo đảm đủ kinh phí trong PCD, phòng, chống thiên tai; tìm kiếm thêm nguồn vay từ các định chế tài chính quốc tế.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, hội nghị Chính phủ sắp tới sẽ bàn vấn đề này với tinh thần là thúc đẩy mạnh mẽ mọi cấp, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ dự án không giải ngân kịp thời sẽ bị xử lý hành chính, điều chuyển vốn sang đơn vị khác. Về nông nghiệp, trong thời gian dịch Covid-19 thì việc bảo đảm an ninh lương thực cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn càng phải chỉ đạo các địa phương bảo đảm diện tích trồng lúa, cân đối các vùng miền để dư dả lương thực; các kịch bản sản xuất càng phải đặt ra trong lúc này; việc xuất khẩu gạo có sự kiểm soát chặt chẽ, nhưng phải giải quyết vấn đề giá cho nông dân.

Bộ Công thương tập trung thúc đẩy tháo gỡ khó khăn các dự án quy mô lớn, 12 dự án đang bị ách tắc. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bảo đảm sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngành công thương phát triển mạnh thị trường thương mại trong nước, mở rộng hệ thống bán lẻ. Ngành xây dựng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, nhất là phân khúc nhà ở xã hội; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Bộ Giao thông vận tải phải đẩy mạnh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tích cực triển khai dự án thu phí tự động không dừng. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp tình hình học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh; có phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, thi đại học. Bộ Quốc phòng chú trọng bảo đảm chủ quyền quốc gia; Bộ Công an tập trung trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm…

Cho ý kiến về gói hỗ trợ bảo đảm ASXH, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ thống nhất cao dự thảo Nghị quyết về vấn đề này; giao các bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, tiếp thu ý kiến đóng góp, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Về nguyên tắc, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ hỗ trợ những đối tượng bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập, không bảo đảm mức sống tối thiểu; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng. Bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn của NLĐ, DN và Chính phủ. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng hỗ trợ, không để trục lợi chính sách. Ưu tiên bố trí nguồn lực, bố trí NSNN trên cơ sở cân đối giữa ngân sách T.Ư và địa phương.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025; Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%); cả nước có 29.711 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt khoảng 351.369 tỷ đồng, tăng 4,4% về số DN và giảm 6,4% về số vốn đăng ký.

Có 14.810 DN quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ này của quý I-2019 so quý I-2018 tăng đến 78,1%.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% (cùng kỳ tăng 4,7%); kim ngạch nhập khẩu ước 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% (cùng kỳ tăng 8,9%); xuất siêu đạt 2,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD).

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43882202-chinh-phu-hop-phien-thuong-ky-thang-3.html