Chính phủ Hồ Chí Minh

Đó là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một chính phủ mà các thành viên vào đó là làm đầy tớ của dân chứ không phải làm quan cai trị dân.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy. Và ông tự hào về chính phủ đó của mình, cho rằng nó đáng được phong anh hùng. Ta hãy đọc lại đoạn sau đây Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chính phủ tại đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước ngày 30-12-1966: “Tôi có một ý kiến bây giờ mới nói ra. Đây là đại hội anh hùng, có những anh hùng, chiến sĩ, có những đơn vị anh hùng, những tập thể anh hùng rất xứng đáng. Song có một tập thể cũng rất xứng đáng anh hùng mà Ban thi đua không đề nghị. Tập thể ấy là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ ta là một chính phủ lâu bền, vững vàng. Trên thế giới không có chính phủ nào mà đã hơn 20 năm lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi như Chính phủ ta. Chính phủ ta lại có một cái đặc biệt mà trong thế giới không ai có là lương chính phủ, từ Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng lại ít nhất so với các chính phủ trên thế giới. Các đại biểu thấy Chính phủ ta có anh hùng không? Các cô, các chú, các cháu có hoa đỏ rồi thì ngày mai, ngày kia sẽ được tặng danh hiệu anh hùng nhưng mà Chính phủ thì không được tặng danh hiệu anh hùng. Bác nói là Ban thi đua thiếu sót chứ Bác không kiện. Bởi vì Chính phủ ta là một chính phủ làm đầy tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta. Bác nói như thế là chẳng những trong Chính phủ trung ương mà cả chính phủ địa phương cho đến các ủy ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta”. (Băng ghi âm lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Văn bản dẫn theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), trang 190, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000). Những lời này Chủ tịch Hồ Chí Minh nói miệng chứ không phải đọc bằng giấy càng chứng tỏ ông luôn tìm mọi dịp để truyền đạt đến toàn dân, toàn đảng tư tưởng về một chính phủ trong sạch, vững mạnh và hiệu quả vì dân vì nước.

Tư tưởng này của ông đã có ngay khi ông là người đứng đầu chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày 2-9-1946. Chưa đầy nửa năm sau đó ông đã viết bài Tự phê bình để báo cáo với đồng bào rằng: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng, những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 270). Nhân dân hồi ấy chưa nhiều người biết Hồ Chí Minh là ai, chưa nhiều người tin vào chính phủ mới nhưng dõi theo lời nói và hành động của người đứng đầu Chính phủ thì người ta theo. Người ta càng vững tâm hơn và bắt đầu đặt tin tưởng vào Chính phủ Hồ Chí Minh khi ông nói ra thẳng thắn và rõ ràng mối quan hệ giữa người dân và chính phủ: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 283). Khi nói như vậy, Hồ Chí Minh, người sáng lập đảng Lao động Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đặt nặng trách nhiệm của cá nhân và tổ chức đảng trước dân, đề cao quyền của người dân được đòi hỏi thay đổi chính phủ làm hại dân. Sao cho được lòng dân? - câu hỏi này ông nêu ra ngày 12-10-1945, tức là chỉ mới sau hơn một tháng tuyên bố độc lập và nêu ra trước hết là cho những người trong bộ máy chính quyền. Câu trả lời của ông rất giản dị và cụ thể: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 56).

Chính phủ Hồ Chí Minh - đó là điều đã có. Học tập tư tưởng của ông trong đó là học cách phát huy và hoàn chỉnh kiểu Chính phủ Hồ Chí Minh: Biết và dám chịu sự kiểm soát của dân.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20121118013143413p0c1013/chinh-phu-ho-chi-minh.htm