Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Việt Nam đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. Theo đó, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế (Nguồn: VGP)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo. Theo đó, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế (Nguồn: VGP)

Đây là nội dung quan trọng trong báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5.

Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo cho biết,

Thời gian qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch COVID-19 và đã được đánh giá cao; quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước.

Theo báo cáo, quá trình chuyển đổi số sẽ được ưu tiên phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, giúp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi vào đời sống nhanh, mạnh và có hiệu quả nhất. Mô hình kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải là nền kinh tế có năng lực phản ứng nhanh, chống chọi được với các cú sốc và linh hoạt thích ứng.

Mô hình tăng trưởng trong tương lai phải bảo đảm tính bền vững hơn, cần sự thay đổi trong mô hình sản xuất và tiêu dùng, đây được xem là cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh tế; gia tăng nhu cầu mới về lao động, việc làm phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh và tình hình mới. Thị trường lao động trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi, nhu cầu về các công việc liên quan đến công nghệ sẽ tăng cao. Xu thế làm việc từ xa sẽ được tiếp tục và tăng cường với lực đẩy chuyển đổi số.

Dự kiến hai kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở đó dự báo tình hình với sự rà soát, tính toán các cân đối lớn, Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020:

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Trong quá trình phát triển, nước ta đã bị tác động và vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới. Để ứng phó, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Do đó, báo cáo cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan, theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Báo cáo của Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh dịch còn phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ, chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn khó khăn.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng, triển khai kịp thời các giải pháp ứng phó với mọi tình huống, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo tại các kết luận của các cấp có thẩm quyền. Đồng thời cần bảo đảm cung cấp đủ các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo dịch không trung thực; né tránh, trốn cách ly, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi; các trường hợp tuyên truyền sai sự thật về dịch COVID-19.

Cùng với việc phòng, chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch, cụ thể hóa và chủ động tổ chức thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bao gồm các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn...

Nguồn: Vov

Nếu có kịch bản 3 thì có thể chỉ 3%

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các kịch bản đưa ra phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ và sát với thực tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mới bước qua giữa tháng 5 thì cần đánh giá thật kỹ. Bây giờ phải cố gắng hết sức. Mấy tháng nay cả nước tập trung phòng, chống dịch, làm ăn đình trệ, nhân dân khó khăn mà cố gắng được như báo cáo là điều đáng trân trọng.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng gợi ý Chính phủ nên có báo cáo Quốc hội theo hướng cho chỉ tiêu thực tế cùng với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời ứng phó với tình huống xảy ra hoặc có thể xảy ra.

“Giờ điều chỉnh ngay chỉ tiêu thì sau này diễn biến mới thì có điều chỉnh nữa không? Cần cân nhắc, chúng ta vẫn điều hành rất thực tế, biết tăng trưởng sẽ giảm nhưng đồng thuận, quyết tâm để đạt kết quả cao nhất có thể” , bà Tòng Thị Phóng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá, dự báo năm 2020 sát nhất, có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với khả năng làn sóng thứ hai của dịch bệnh diễn ra vào Thu – Đông 2020, dịch bệnh chưa chấm dứt ngay, chưa có vaccine phòng bệnh.

“Theo đó tăng trưởng của Việt Nam nếu có kịch bản 3 thì có thể chỉ 3%, kéo theo cân đối lớn gặp khó, hụt thu ngân sách; bội chi, nợ công cao hơn so với kịch bản 1 và 2. Từ đó có giải pháp thích ứng”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế trong tình hình mới. Qua dịch bệnh cần tính toán theo hướng chú trọng thị trường trong nước, cân đối sản xuất các sản phẩm có tính chất thiết yếu như lương thực, thực phẩm, năng lượng, y tế, quốc phòng an ninh

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chinh-phu-du-kien-2-kich-ban-tang-truong-kinh-te-2020051514074912.htm