Chính phủ điện tử có giảm bớt phiền hà cho dân?

Một số ĐBQH cho rằng, việc xây dựng Chính phủ điện tử đang đặt ra nhiều bất cập về việc xây dựng và bảo mật dữ liệu, gây lo ngại về việc thông tin của người dân liệu có an toàn, hay các thủ tục liệu có bớt phiền hà, nhiêu khê hơn hiện nay hay không?

Có Chính phủ số nhưng vẫn bị vòi vĩnh, tham nhũng vặt

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 8/11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, Chính phủ điện tử thậm chí đang gây phiền hà cho người dân thay vì tinh gọn thủ tục do các bất cập như dữ liệu chưa hệ thống hóa, cục bộ, chậm chạp.

“Gần đây, báo chí phản ánh có trường hợp một thanh niên lấy vợ 10 năm nhưng vẫn phải đi xác nhận từng là người độc thân để bán mảnh đất mà mình sở hữu từ khi còn chưa lấy vợ. Hay trường hợp một cụ già góa chồng muốn bán một mảnh đất để chia cho con cháu, vẫn phải lên phường xin xác nhận tình trạng độc thân chưa tái giá. Việc này gây ra khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thậm chí, có nhiều trường hợp đã bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu và tạo ra tham nhũng vặt” – đại biểu Hoa nêu thực tế.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). Ảnh: quochoi.vn

Theo nữ đại biểu, Bộ TT&TT dù đã được Chính phủ giao nhiệm vụ kết nối, sẻ chia và quản lý dữ liệu song việc kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đang gặp nhiều vấn đề như phân tích ở trên. “Trách nhiệm của Bộ như thế nào, giải pháp nào để khắc phục, giảm bớt tối đa phiền hà cho người dân trong thời gian tới?” – đại biểu Hoa chất vấn.

Vấn đề này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình khi cho rằng một số vấn đề như chứng nhận độc thân còn bất cập, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại. Theo bà, hiện có nhiều thông tin phản ánh mỗi lần làm thủ tục chứng nhận độc thân gây ra rất nhiều phiền phức. “Không biết các thủ tục ở phường, xã đang diễn ra như thế nào?” – bà Ngân băn khoăn.

Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận vẫn còn hai dự án nền tảng của Chính phủ điện tử vẫn đang bị chậm. “Thế nhưng, giả sử chúng ta xây dựng hoàn thiện nền tảng dữ liệu rồi nhưng liệu có kết nối được hay không? Các quốc gia thì có hai lựa chọn, một lựa chọn là tập trung tất cả các cơ sở dữ liệu vào một nơi, một chỗ, hai là phân tán. Chúng ta chọn giải pháp phân tán, giải pháp phân tán hay tập trung đều có mặt mạnh và mặt yếu, nhưng phân tán thì vẫn phải kết nối được” – ông Hùng cho biết.

Theo ông, hiện nay Bộ TT&TT là cơ quan phải ra tiêu chuẩn để cho các cơ sở dữ liệu ấy có thể kết nối được với nhau, các tỉnh có thể truy cập vào để lấy dữ liệu về được, các bộ cũng có thể truy cập vào địa phương để lấy dữ liệu được và liên bộ với nhau cũng có thể kết nối.

Một hạn chế nữa theo ông Hùng là hiện hành lang pháp lý đang “nợ” một nghị định về kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Ông cho biết, Bộ TT&TT đã lấy ý kiến rộng rãi và đã có phiên bản cuối cùng, sẽ trình Chính phủ cố gắng ban hành trong năm nay, trong đó có một nội dung rất quan trọng là người dân đến một cơ quan công quyền đã khai báo một thông tin cá nhân thì một cơ quan công quyền khác không được yêu cầu khai báo lại.

Mạo hiểm về vấn đề bảo mật thông tin?

Cũng liên quan đến Chính phủ số, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) lo ngại đến vấn đề bảo mật thông tin, trước thực tế công nghệ của Việt Nam hiện gần như lệ thuộc hoàn toàn bên ngoài, thiết bị “dính” lỗ hổng bảo mật, hệ điều hành, phần mềm bẻ khóa tràn ngập, mất kiểm soát…

“Có phải vì vậy mà các chỉ số xếp hạng an ninh mạng của Việt Nam chỉ ở mức trung bình và đang có xu hướng giảm nghiêm trọng, luôn trụ hạng ở tốp cao của thế giới về bị tấn công website, bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma? Bao giờ thì có thể chia sẻ được dữ liệu trong hệ sinh thái của Chính phủ điện tử”– đại biểu Phạm Trọng Nhân hỏi.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương). Ảnh: quochoi.vn

Nói về an ninh mạng của Chính phủ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây chính là điều kiện tiên quyết để cho ra đời kinh tế số và Chính phủ điện tử.

“Chúng ta đưa tất cả của chúng ta, thông tin của chúng ta, dữ liệu của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, bí mật của chúng ta lên không gian mạng mà không an toàn thì nguy hại vô cùng! Cho nên Bộ TT&TT dưới chỉ đạo của Chính phủ để xác định điều kiện tiên quyết, nếu không có điều kiện này thì không làm những việc chưa xác định tiếp theo!” – ông Hùng khẳng định.

Tư lệnh ngành thông tin truyền thông cho rằng, thực tế cho thấy, người Việt Nam mình làm an ninh mạng rất tốt, đây chính là thuận lợi lớn. Ông dẫn chứng, 100 người được vinh danh toàn cầu năm 2018 về chuyên gia an ninh mạng thì 4 người mang tên Việt Nam, 2 người đang ở Việt Nam và 2 người ở nước ngoài.

Việt Nam có gần 100 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Có những sản phẩm chiếm 85% thị trường trong nước. Có những doanh nghiệp Việt Nam còn bán được sản phẩm an toàn thông tin ra nước ngoài, sang Nhật.

Ông thông tin, cuộc họp Tổ công tác Chính phủ điện tử cách đây 2 tuần đã thống nhất dự án Chính phủ điện tử phải là sản phẩm an toàn, và an ninh mạng phải là doanh nghiệp Việt Nam làm.

“Khi làm việc với 20 doanh nghiệp nòng cốt của chúng ta về an ninh mạng thì tất cả các hệ thống đó chúng ta làm hết. Bộ giao nhiệm vụ từng doanh nghiệp, mỗi một sản phẩm về an toàn, an ninh mạng có từ 2 - 3 doanh nghiệp Bộ trực tiếp chỉ đạo. Hiện nay, khoảng 65% chúng ta có rồi, còn 35% chúng ta phải đầu tư thêm, khoảng một năm nữa có thể cơ bản hoàn thành. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể an tâm trong tương lai” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chinh-phu-dien-tu-co-giam-bot-phien-ha-cho-dan-post66656.html