Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020

Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Giúp doanh nghiệp vượt khó

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.

Thực tế là tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển.

"Đồng thời, điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô vừa với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...)", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ nêu trên cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh hiện nay.

Về tạm nộp và quyết toán thuế, theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Do đó, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của mình, tự xác định có thuộc đối tượng được giảm thuế hay không để giảm 30% số thuế TNDN khi tạm nộp thuế theo quý và quyết toán thuế TNDN của năm 2020.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế TNDN cho các đối tượng này.

Tuy nhiên, một số kiến cho rằng, Nghị quyết quy định theo hướng chung cho tất cả đối tượng mà chưa phân loại rõ các tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực tế dẫn đến tình trạng cào bằng; một số đối tượng có doanh thu và lợi nhuận tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh lại được hưởng chính sách giảm thuế này là chưa hợp lý, trong khi mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết này là hướng tới nhóm đối tượng thực sự gặp khó khăn, cần hỗ trợ trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh.

“Do đó, đề nghị cần quy định phạm vi của Nghị quyết chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu năm 2020 giảm so với doanh thu năm 2019 hoặc có mức giảm doanh thu từ 30% năm 2020 so với năm 2019”, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nói.

Giảm thu ngân sách gần 16.000 tỷ đồng

Đánh giá tác động của đề xuất, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế.

Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.

Ngoài ra, “tư lệnh” ngành Tài chính cũng nêu rõ, Chính phủ đã có Báo cáo số 234/BC-CP ngày 19/5/2020 trình Quốc hội về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020; trong đó đã tính toán dự báo các yếu tố tác động tới giảm thu NSNN năm 2020 và đề xuất các giải pháp tổng thể báo cáo Quốc hội.

Chính phủ sẽ chỉ đạo theo dõi và đánh giá sát tình hình ngân sách năm 2020 để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp cuối năm.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chinh-phu-de-xuat-giam-30-so-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-phai-nop-nam-2020-128190.html