Chính phủ đề nghị chưa tăng lương cơ sở năm 2021

Chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2021 cân đối ngân sách nhà nước vẫn rất khó khăn nên Chính phủ đề nghị chưa thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2020 đạt 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ 2019, ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Ước cả năm, thu ngân sách nhà nước giảm 189,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương giảm 126,8 nghìn tỷ đồng. Về chi ngân sách nhà nước, đến hết tháng 9, ước đạt 63,7% dự toán.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thu - chi ngân sách nhà nước, sau khi sử dụng phần tăng thu tiết kiệm chi năm 2019 và tiết kiệm chi năm 2020, tổng số khoảng 31,7 nghìn tỷ đồng, ngân sách trung ương dự kiến bội chi tăng thêm khoảng 95-133,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Tổng hợp chung, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 319,5-358 nghìn tỷ đồng, bằng 49,9-59% GDP. Nợ công đến cuối năm 2020 khoảng 56,8 – 57,4% GDP.

Trên cơ sở đánh giá tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ trình dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.343 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ bội chi ngân sách khoảng 4%GDP đã điều chỉnh, số bội chi tăng thêm 108,87 nghìn tỷ đồng so với dự toán 2020; nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh; Dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán 2020.

Trong đó, dự toán chi cho đầu tư phát triển là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi ngân sách nhà nước; dự toán chi thường xuyên là 1.036 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi ngân sách nhà nước.

Riêng về dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện khung cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 giảm khoảng 169.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2020, sau khi ưu tiên bố trí chi đầu tư phát triển, tăng thêm tiền hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, chi trả nợ lãi thì chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng/ tháng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng/ người/ tháng và chưa điều chỉnh hộ nghèo trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn”.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, Chính phủ đề xuất vẫn tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Trong đó, cho phép tiếp tục loại trừ 8 khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để cải cách tiền lương như đã áp dụng đối với dự toán năm 2020; đồng thời loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; yêu cầu các địa phương sử dụng 50% số giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên do thực hiện các Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương để bổ sung nguồn cải cách tiền lương.

Đặc biệt, các địa phương được chủ động sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp năm 2020 chuyển sang, phấn đấu tăng thu năm 2021 để chia sẻ trách nhiệm trong đảm bảo các nghĩa vụ chi tiền lương và các chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành.

Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao.

Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý. Năm 2021 Chính phủ dự kiến bội chi NSNN khoảng 4% GDP điều chỉnh. Ông Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đề xuất bội chi khoảng 4% GDP là chấp nhận được.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-phu-de-nghi-chua-tang-luong-co-so-nam-2021-521045.html