Chính phủ dân túy mới tại Italy - Nguy cơ căng thẳng gia tăng với EU

Chính phủ dân túy, cực hữu lên nắm quyền ở Italy báo hiệu khả năng căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ 3 EU với các nước thành viên còn lại của khối.

Chính phủ liên minh dân túy và cực hữu của tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 6/6 đã vượt qua trở ngại cuối cùng tại Quốc hội, tháo gỡ thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này.

Đây là lần đầu tiên một chính phủ dân túy, cực hữu lên nắm quyền ở một nước thành viên sáng lập của EU, báo hiệu những những diễn biến bất ngờ và kịch tính trên chính trường Italy, cũng như khả năng căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ 3 EU và các nước thành viên còn lại trong thời gian tới.

Chính phủ dân túy, cực hữu lên nắm quyền ở Italy báo hiệu khả năng căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ 3 EU với các nước thành viên còn lại của khối. Ảnh Thủ tướng Giuseppe Conte: New York Times

Với 350 phiếu thuận, 236 phiếu chống và 35 phiếu trắng, chính phủ của tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện (630 ghế). Trước đó, Chính phủ của ông Conte cũng đã giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện. Chính phủ liên minh của đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn giờ đây đã có thể chính thức bắt đầu các nhiệm vụ của mình.

Phát biểu sau khi được Quốc hội thông qua, một thành viên của Đảng Phong trào 5 sao ông Stefano Buffagni bày tỏ lạc quan vào sự thay đổi của đất nước:“Chính phủ của chúng ta hướng đến sự thay đổi và có nhiều kì vọng đối với sự thay đổi cho tương lai đất nước. Chính phủ mới phải có nhiệm vụ thực hiện các nguyện vọng và mong muốn của phần lớn người dân. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm được nếu có sự đoàn kết”.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Thượng viện ngày 6/6, Thủ tướng Italy đã công bố một số chính sách ưu tiên về kinh tế, tài chính, nhập cư cũng như chính sách đối ngoại với Nga. Đây là những vấn đề khá nhạy cảm tại Liên minh châu Âu thời gian qua, báo hiệu những căng thẳng mới có thể gia tăng giữa Italy với các nước thành viên còn lại của EU.

Về vấn đề kinh tế, chính phủ mới của Italia cam kết giảm tỷ lệ nợ công, hiện đang ở mức khoảng 132% GDP, thông qua thúc đẩy tăng trưởng chứ không phải bằng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Ông đồng thời khẳng định chính phủ mới sẽ mang lại sự thay đổi quyết liệt nhằm phát triển đất nước. Thủ tướng Italy cũng yêu cầu các đối tác châu Âu chia sẻ gánh nặng vấn đề di cư công bằng hơn.

Ông Conte nói: “Cần có sự thay đổi trong việc kiểm soát dòng người di cư. Mức độ kiểm soát gần đây ở cấp độ châu Âu đã chứng minh sự không hiệu quả. Do đó chúng tôi muốn tăng cường sự đóng góp công bằng hơn ở mức châu Âu”.

Trong quan hệ giữa phương Tây với Nga, ông Conte kêu gọi xem xét lại các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, đồng thời cam kết hợp tác với chính phủ một số nước có quan điểm hoài nghi châu Âu như Hungary để “thay đổi các luật lệ” của Liên minh châu Âu.

Thực tế những ưu tiên trong chính sách mới của Thủ tướng Conte hoàn toàn có thể dự báo được, với danh sách Nội các mới bao gồm những nhân vật nổi tiếng với quan điểm hoài nghi châu Âu. Đây cũng là những vấn đề mà các đảng dân túy và cực hữu ở Italy đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua.

Theo giới quan sát, đây sẽ là những nhiệm vụ khó khăn của Tân Thủ tướng Conte trong cuộc chiến đàm phán với EU, tránh nguy cơ nước này phải nối gót theo Anh ra khỏi EU (Brexit). Trong khi đó, chính phủ mới của Italia cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc thực hiện các cam kết chính sách đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, vấn đề di cư… Đây được cho là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho một chính phủ dân túy, cực hữu lần đầu tiên lên nắm quyền ở một nước thành viên sáng lập của EU sau cuộc bầu cử vừa qua./.

Phạm Hà/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chinh-phu-dan-tuy-moi-tai-italy-nguy-co-cang-thang-gia-tang-voi-eu-771553.vov