Chính phủ của Thủ tướng Australia: Thay đổi để vượt khó

Với một số thay đổi đáng chú ý, chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese gặt hái kết quả tích cực, song khó khăn vẫn còn đó.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Nguồn: The Sydney Morning Herald)

Thủ tướng Australia Anthony Albanese. (Nguồn: The Sydney Morning Herald)

Tháng 5/2022, vào thời điểm ông Anthony Albanese thay thế ông Scott Morrison trở thành Thủ tướng, Australia đang phải đối mặt với nhiều thách thức quốc tế chưa từng có trong năm thập kỷ qua. Canberra đã lập tức công bố một kế hoạch giảm phát thải năm 2030 tham vọng hơn, thiết lập cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng và đề cập tăng lương cho người lao động thu nhập thấp.

Vài tiếng sau khi trở thành Thủ tướng, ông Albanese đã tới Tokyo để gặp gỡ lãnh đạo Bộ tứ, trước khi thăm Indonesia. Tháp tùng ông là Ngoại trưởng Penny Wong, chính trị gia đã xây dựng một nghị trình bao quát, đưa đối ngoại trở thành cấu phần then chốt trong hoạch định chính sách quốc gia.

Tương tự nhiều chính phủ tiền nhiệm, Canberra dưới thời ông Albanese ưu tiên xây dựng quan hệ với Đông Nam Á và Nam Á. Tuy nhiên, thứ làm nên sự khác biệt là thái độ “lắng nghe một cách tôn trọng” quan điểm của các nước khu vực, khẳng định rằng lợi ích của họ sẽ ảnh hưởng và định hình lợi ích của Australia.

Canberra đã triển khai một số bước để tháo gỡ khúc mắc lớn nhất trong chính sách công của Australia thế kỷ XXI về xây dựng chính sách năng lượng bền vững, khôi phục uy tín quốc tế, đặc biệt là tại Nam Á.

Với Bắc Kinh, chính phủ mới đã có điều chỉnh về giọng điệu, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản trước đó. Tận dụng cơ hội sau phản ứng tích cực từ Trung Quốc, Australia đã triển khai hàng loạt cuộc gặp gỡ cấp bộ trưởng và thúc đẩy chuyến công du “phá băng” của bà Wong, góp phần khôi phục liên lạc thường xuyên ở cấp cao, dù bất đồng về thương mại và lãnh sự vẫn chưa được giải quyết.

Ngoại trưởng Australia Penny Wong phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh ngày 21/12/2022. (Nguồn: EPA/EPE)

Sự kế thừa về mặt chính sách được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực an ninh. Canberra đã tái khẳng định cam kết với Thỏa thuận an ninh Australia-Anh-Mỹ và khuôn khổ Bộ tứ. Thay đổi mới và đáng chú ý nữa đến từ quá trình mở rộng hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, bao gồm Tuyên bố chung về hợp tác an ninh.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh rõ nét nhất là quan điểm về bản sắc quốc gia của Australia. Phát biểu trước các sinh viên ở Indonesia, ông Albanese cho rằng, chủ nghĩa đa văn hóa của Australia và nhận thức về bản sắc quốc gia đang song hành với “cách mà chúng tôi nhìn nhận và thể hiện mình trên thế giới”.

Cách tiếp cận nêu trên đã góp phần nhân rộng và đa dạng hóa các liên kết giữa Australia đối với thế giới. Một mặt, Canberra không rời bỏ các mối quan hệ bạn bè truyền thống. Mặt khác, nước này nhấn mạnh rằng những cụm từ như “phương Tây” hay “khối tiếng Anh” đã không còn phù hợp để định hình bản sắc Australia.

Mặc dù vậy, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Sự đối đầu, cọ xát giữa các giá trị tự do, lợi ích quốc gia và cam kết khu vực vẫn còn đó và bộc lộ ngày một rõ nét. Bản đánh giá phòng thủ chiến lược của Australia, dự kiến công bố đầu năm 2023, sẽ buộc Canberra phải đưa ra quyết định chưa có tiền lệ về quy mô ngân sách quốc phòng, cũng như lựa chọn về chủ quyền phức tạp. Cạnh tranh Mỹ-Trung cùng quỹ đạo hành vi ngày một khó đoán định của Bắc Kinh sẽ đặt ra nhiều tình huống khó khăn mới. Đồng thời, Australia sớm phải đưa ra lựa chọn không dễ dàng về chính sách chống biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường.

Tuy nhiên, sự bình tĩnh, tập trung của chính quyền Thủ tướng Anthony Albanese chín tháng qua đã góp phần định hình cách tiếp cận về đối nội và đối ngoại của Canberra, thiết lập nền tảng vững chắc để Australia tiếp tục vượt khó và tiến bước.

(theo East Asia Forum)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-phu-cua-thu-tuong-australia-thay-doi-de-vuot-kho-215965.html