'Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt trong vài năm tới'

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục dù tốt thì vẫn luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm. Ông khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt ít nhất trong vài năm tới…

Sáng ngày 12/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt ít nhất trong giai đoạn một số năm tới. (Nguồn: Zing.vn)

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Về bố cục của dự thảo Luật, đa số Thường trực Ủy ban tán thành với bố cục này, cho rằng bố cục đã đảm bảo được yêu cầu vừa sửa đổi toàn diện, vừa kế thừa cấu trúc của Luật Giáo dục hiện hành. Tuy nhiên đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; quy định về khung trình độ quốc gia vào nội dung quản lý nhà nước; thiết kế một số điều quy định về giáo dục hòa nhập cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong giáo dục mầm non…Về hai chính sách mới, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với hai chính sách này, tuy nhiên đề nghị quy định rõ về lộ trình thực hiện những chính sách này.

Cũng trong sáng nay, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về vấn đề đang được dư luận quan tâm là chương trình giáo dục thực nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một số thí điểm trong giáo dục, nhất là thí điểm trong cải cách tiếng Việt và vị đại biểu này muốn biết quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ về vấn đề này.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, khi có một sự kiện thì cả cộng đồng góp ý và "đó là điều rất tốt và rất may".

Phó Thủ tướng dẫn chứng, gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1. Năm trước là câu chuyện về công trình nghiên cứu của nhà khoa học Bùi Hiền.

"Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Việc tranh luận vừa qua về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục đã có ý kiến. Đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, giáo dục dù tốt thì vẫn luôn cần đổi mới và đổi mới hơn nữa. Nhưng khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm.

"Nhưng tôi khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt ít nhất trong giai đoạn một số năm tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Dự luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối một số nội dung khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Nguồn: quochoi.vn)

Về cấu trúc của dự thảo Luật, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều, tăng 34 điều so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết thêm, Dự luật lần này có bổ sung thêm hai chính sách mới và hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về một số nội dung như giáo dục mầm non; về hệ thống giáo dục quốc dân; về chính sách đối với người học; chính sách đối với nhà giáo…

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tác động của các chính sách mới đối với ngân sách nhà nước, trong khi Luật Giáo dục sửa đổi vẫn xác định dành tối đa là 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục nhưng lại mở ra nhiều chính sách mới có liên quan về ngân sách, điều này có đảm bảo tính khả thi hay không? Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra vấn đề, việc Luật sửa đổi lần này bổ sung thêm chính sách mới là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, vậy thì liệu các trường trung cấp sư phạm có tồn tại được hay không, cách giải quyết đối với những người đang đào tạo trung cấp sư phạm hiện nay như thế nào?

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật này đảm bảo vừa mang tính quy phạm vừa mang tính khả thi khi đi vào cuộc sống./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/chinh-phu-chua-co-chu-truong-cai-cach-tieng-viet-trong-vai-nam-toi-363238.html