Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế 'câu giờ', doanh nghiệp kêu trời

Tại Nghị quyết 19/2018 ban hành hồi tháng 5, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế bãi bỏ quy định 'muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt' và 'bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm' vốn được nêu trong Nghị định 09/2016, có hiệu lực từ tháng 3-2017 và bị cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội phản ứng mạnh mẽ.

Đại diện Acecook phát biểu tại hội thảo chiều nay, 25-6. Ảnh: Minh Tâm

Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa sửa đổi khiến các doanh nghiệp chịu thiệt thòi.

Tại hội thảo với chủ đề “Trao đổi một số thông tin đánh giá tác động việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm” do bốn hiệp hội và hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP); Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) và Hội Nước mắm Phú Quốc đồng tổ chức hôm nay, 25-6 tại TPHCM, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA khẳng định, sau sự kiện này, bốn hiệp hội, hội doanh nghiệp sẽ cùng kiến nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19.

Theo đó, cần phải có ngay nghị định mới trong đó không có quy định bắt buộc doanh nghiệp sử dụng “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích nhà sản xuất bổ sung vi chất.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM nêu quan điểm, Bộ Y tế hiện đang dùng biện pháp kỹ thuật để “câu giờ” khi có những văn bản thông báo về việc tạm thời không kiểm tra việc tự công bố thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm của doanh nghiệp có liên quan đến muối i-ốt. Tuy nhiên, đó là phần hậu kiểm. Việc cần phải làm ngay là có nghị định chính thức để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý thực hiện.

“Vấn đề ở đây là trên bảo dưới không nghe. Anh chị doanh nghiệp khổ mà cơ quan thực thi quản lý chúng tôi cũng khổ, không biết hướng dẫn gì. Doanh nghiệp nào thượng tôn pháp luật, tuân thủ theo đúng nghị định thì chịu thiệt thòi”, bà Lan nói.

Điều bà Lan nói được hàng loạt doanh nghiệp chứng minh trước đó. Đại diện của Acecook Việt Nam, nhà sản xuất mỳ gói có 100% vốn Nhật Bản cho biết, việc sản xuất, kinh doanh của công ty đang gặp trở ngại, khó khăn vì công ty tuân thủ quy định của Nghị định 09.

Theo đó, sản phẩm của công ty hiện xuất khẩu đi 40 nước, vốn trước đây sản xuất trên cùng một dây chuyền thì nay phải tách riêng. Bởi lẽ, nhiều nước nhập khẩu mỳ của Acecook cấm bỏ sắt và kẽm vào sản phẩm. Công ty phải thuê thêm nhân công để phục vụ việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như vệ sinh dây chuyền máy móc, dụng cụ; vận chuyển các gói bột mỳ… Đó là chưa kể phải quản trị nguyên liệu nhiêu khê, tách riêng khu vực chứa bột mỳ có bổ sung sắt, kẽm dùng để sản xuất cho thị trường nội địa với khu vực chứa bột mỳ không bổ sung, trong khi có 2-3 loại bột mỳ khác nhau dùng để phối trộn cho một sản phẩm mỳ gói. Đây là những gánh nặng với nhà sản xuất, làm gia tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bà Bùi Phương Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) thì cho biết, ngoài câu chuyện với bột mỳ để sản xuất mỳ gói như Acecook thì công ty bà còn gặp vấn đề với sản phẩm bột canh. Để tuân thủ theo Nghị định 09, doanh nghiệp đã mua nguyên liệu có hàm lượng i-ốt để sản xuất.

Tuy nhiên, sau 2-3 tháng sản xuất, với đặc trưng là đựng trong bao bì trong, i-ốt bay hơi hết và trong sản phẩm không còn tồn dư vi chất này. Điều bà lo ngại là trong trường hợp như vậy, khi cơ quan quản lý kiểm tra không thấy thành phần i-ốt thì ai phải chịu trách nhiệm cho “tình ngay, lý gian” này!

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274287/chinh-phu-chi-dao-bo-y-te-cau-gio-doanh-nghiep-keu-troi.html