Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Cơ quan báo chí vi phạm có thể bị tước giấy phép, đình chỉ hoạt động đến 12 tháng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (gọi tắt là Nghị định số 119). Nghị định này được thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2020.

So với các quy định trước đây, quy định mới về xử phạt hành chính đối với hoạt động báo chí, cơ quan báo chí và người được cấp thẻ nhà báo có một số thay đổi quan trọng. Về mức xử phạt hành chính, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản lên tới 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân.

Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo, Điều 6 Nghị định quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với các hành vi như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; Người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan công tác của người thuộc diện phải nộp lại thẻ nhà báo không thu lại thẻ nhà báo hoặc thu lại thẻ nhà báo nhưng không nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc không thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp: Người được cấp thẻ nhà báo nhưng chuyển sang làm nhiệm vụ khác không còn là đối tượng được cấp thẻ; Người được cấp thẻ nhà báo đã nghỉ hưu; Người đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng không được ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí; Người đứng đầu cơ quan báo chí cử hoặc giao quyền cho cấp dưới cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí...

Tương tự, những nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác cũng sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt nêu trên.

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính bằng tiền, Nghị định mới nêu rõ: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Trong đó có mức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 1-12 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-12 tháng...

Phạt tiền đến 60 triệu đồng đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên

Liên quan đến hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, theo Điều 7 của Nghị định quy định chi tiết về mức tiền xử phạt, cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên; Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Ngoài ra, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 8 của Nghị định quy định phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng; Đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực.

Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tài liệu hoặc nội dung thông tin trong tác phẩm, tài liệu đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy.

Phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi: Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; Đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Đăng, phát thông tin có nội dung gây ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc...

Ngoài các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản còn có thể bị áp dụng 1 hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính, xin lỗi; Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính...

TS-CT

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-phu-ban-hanh-nghi-dinh-ve-xu-phat-hanh-chinh-trong-hoat-dong-bao-chi-xuat-ban-n181174.html