Chính phủ Anh lần đầu cấp phép mẫu máy thở

Ngày 16/4, Chính phủ Anh thông báo cấp giấy phép cho mẫu máy thở do liên minh VentilatorChallengeUK, trong đó có các tập đoàn Airbus và Rolls-Royce, sản xuất nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhân viên Tập đoàn Smiths Group Plc, thành viên liên minh VentilatorChallengeUK kiểm tra máy thở ESO2 hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19, tại London, Anh ngày 16/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên Tập đoàn Smiths Group Plc, thành viên liên minh VentilatorChallengeUK kiểm tra máy thở ESO2 hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19, tại London, Anh ngày 16/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là mẫu máy thở đầu tiên được chính phủ nước này cấp phép.

Mẫu máy thở ESO2 là bản chỉnh sửa của một thiết bị hiện có của công ty Penlon, cũng thuộc liên minh VentilatorChallengeUK. Giám đốc điều hành VentilatorChallengeUK, ông Dick Elsy cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi cung ứng của liên minh để nhanh chóng tăng quy mô sản xuất và đạt mục tiêu chế tạo ít nhất 1.500 chiếc máy thở/tuần. Ông cho biết thêm các nhà máy sản xuất cánh máy bay Airbus tại khu vực Broughton, nhà máy chế tạo động cơ Ford ở khu vực Dagenham và nhà máy của McLaren tại Woking cũng sẽ được tận dụng để sản xuất các máy thở.

Đến nay, nước Anh đã ghi nhận 98.476 ca mắc COVID-19, trong đó có 12.868 ca tử vong. Hiện chính phủ các nước trên thế giới đang nỗ lực chế tạo các máy thở cũng như những trang thiết bị y tế cần thiết khác cho các cơ sở y tế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

* Cùng ngày 16/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này đang hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để sản xuất chung thiết bị y tế giúp ngăn chặn đại dịch. Kế hoạch sản xuất chung được Indonesia thực hiện cũng nhằm khắc phục tình trạng thiếu thiết bị y tế như đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và các sản phẩm khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại cuộc họp báo trực tuyến, bà Retno cũng cho biết ngoài hai nước trên, Indonesia đang đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Chính phủ Indonesia nhập khẩu những nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất các thiết bị y tế. Bà cũng đang tiếp tục liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao của các nước khác để cùng hợp tác tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tính đến ngày 16/4, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 5.516 ca mắc COVID-19, trong đó có 496 ca tử vong và 549 người được chữa khỏi.

Liên quan đến công tác điều chế vaccine, theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây thông báo ngày 4/5 tới, EC sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ thế giới cho công tác nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 và phổ biến vaccine này ra toàn thế giới một khi được thử nghiệm thành công.

Theo Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, bên cạnh việc đẩy mạnh tiến hành xét nghiệm diện rộng và điều trị là trọng tâm của hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống đại dịch COVID-19, việc tìm ra vaccine phòng COVID-19 là cơ may tốt nhất của thế giới để chế ngự virus SARS-CoV-2. Bà von der Leyen nhấn mạnh hội nghị này có mục đích giải quyết các thiếu hụt về tài chính nhằm giúp tìm ra các giải pháp sáng tạo trong nghiên cứu vaccine phòng COVID-19, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia và các tổ chức trên thế giới tham dự hội nghị.

Trước đó, công tác tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ thế giới cho công tác nghiên cứu vaccine chống COVID-19 cũng đã được Chủ tịch EC thông báo tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về ứng phó với COVID-19, diễn ra vào ngày 26/3 vừa qua.

Đình Ánh - Đức Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-phu-anh-lan-dau-cap-phep-mau-may-tho-20200416183838139.htm