Chính ông Putin làm NATO 'chết não', thành xác không hồn

Chính sách của ông Putin khiến NATO không thể có được tiền đề tồn tại và cơ sở thể hiện sức mạnh, biến NATO phải 'sống tầm gửi' vào Mỹ..

Tin từ Tạp chí Der Spiegel, ông Jurgen Trittin, Nghị sĩ thuộc Đảng Xanh và là Ủy viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại Quốc hội Đức, cho hay NATO ngày nay chỉ còn là cái bóng của chính mình, Sputnik ngày 16/11 dẫn nguồn.

Theo nhà chính trị Đức, vấn đề là do mâu thuẫn về lợi ích giữa các thành viên, nên liên minh không còn khả năng thực hiện chức năng của mình. Bên cạnh đó, theo ông Trittin, các tương tác với Nga cũng khiến NATO gần như không còn hiện hữu.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các chiến lược truyền thông, đối ngoại và quốc phòng của Nga dưới thời Putin đã biến NATO thành cái bóng của chính mình. Hay nói đúng hơn là Tổng thống Putin đã làm NATO "chết não và biến thành xác không hồn".

Thứ nhất, về truyền thông. Chiến lược truyền thông của chính quyền Nga dưới thời Putin, với trọng tâm là khai thác tối đa tiện ích của mạng xã hội để phơi bày sự thật về NATO, đưa đối phương rơi vào thế bị động trên "mặt trận không tiếng súng".

Ngày 5/5/2018, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ NATO Petr Pavel từng nhận định rằng Nga không muốn thích ứng với trật tự của thế giới hiện tại dựa trên mô hình dân chủ phương Tây, nên quyết thay đổi trật tự thế giới nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.

NATO chỉ còn là cái bóng của mình

NATO chỉ còn là cái bóng của mình

"Nga không có cùng giá trị với phương Tây, đó là lý do tại sao Moscow không hài lòng với trật tự của thế giới hiện tại và luôn quyết tâm xây dựng một chính sách đối đầu với NATO", Georgian Journal tường thuật.

Người đứng đầu Ủy ban Quân vụ NATO cho biết, nỗ lực của Moscow là xây dựng chiến lược truyền thông, trong đó, tập trung sử dụng mạng xã hội, tác động đến nhận thức của người dân các nước phương Tây về NATO theo hướng có lợi cho Nga.

Theo ông Pavel, sở dĩ Moscow làm được điều đó là nhờ đời sống chính trị ở phương Tây cởi mở với nền tảng vận hành hệ thống chính trị là nguyên tắc tự do - dân chủ, đảm bảo tự do thông tin, khiến người dân dễ bị cám dỗ.

Nhờ vậy, Kremin đã thực hiện các cuộc tấn công trên không gian mạng, gây nhiễu loạn cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội tại nhiều quốc gia phương Tây, khiến nhiều chính quyền bị bất ngờ, từ đó tạo ưu thế tuyệt đối cho Nga trước đối phương.

Để thua kém Nga trên mặt trận truyền thông là cực kỳ nguy hiểm với NATO. Bởi lẽ khi cuộc xung đột quân sự Nga-NATO gần như không thể xảy ra, thì cuộc chiến trên không gian mạng là nơi thể hiện ưu thế rõ nhất của các bên.

Trong thời đại của cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0, thất bại trong chiến tranh trên không gian mạng có hậu quả tệ hại gấp nhiều lấn thất bại trên chiến địa. Đặc biệt nguy hại là nước cờ của Putin khiến NATO không còn là thực thể đối trọng với Nga.

Thứ hai, về đối ngoại. Chiến lược đối ngoại 'chỉ ưu tiên xây đối tác, không chú trọng kết đồng minh' của nhà nước Nga dưới thời Putin đã ngăn tái lập đối đầu ý thức hệ, không cho NATO có được tiền đề tồn tại và cơ sở thể hiện sức mạnh.

Có thể thấy rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập năm 1949 là xuất phát từ đối đầu ý thức hệ. Hay nói chính xác hơn, đối đầu ý thức hệ chính là nền tảng tư tưởng cho sự ra đời và tồn tại của NATO.

Thế giới lưỡng cực Xô - Mỹ, Chiến tranh Lạnh Xô - Mỹ và khối Hiệp ước Quân sự Warszawa chính những tiền đề cho NATO tồn tại và thể hiện sức mạnh, và cũng là cơ sở cho việc thiết lập hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu.

Putin đã làm cho NATO chết não

Vì vậy, khi Liên Xô tan rã, khối Hiệp ước Quân sự Warszawa giải tán, Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ kết thúc, khiến NATO trở thành khối liên minh quân sự duy nhất trên thế giới, nhưng lại thiếu tiền đề để tồn tại và cơ sở để thể hiện sức mạnh.

Chiến dịch không kích Nam Tư cũ năm 1999, hay cuộc không kích ủng hộ quân nổi dây Libya lật đổ chế độ Gaddafi năm 2011, nhìn trực diện là NATO muốn thể hiện sức mạnh, nhưng phân tích kỹ thì đó chỉ là cách NATO tìm kiếm tiền đề để tồn tại.

Tuy nhiên, về mặt tìm tiền đề tồn tại thì NATO đã thất bại. Bởi dù phải lưu lại "Ký ức buồn" tại Kosovo dưới thời Boris Eltsin, nhưng khi được trao quyền, Tổng thống Putin lại không chủ trương "kết đồng minh" nhằm có thể xóa "Ký ức buồn Kosovo".

Nhà lãnh đạo thứ 2 của nước Nga thời hậu Xô Viết chủ trương chỉ "xây đối tác", để Nga "đơn thân độc mã" đối trọng với Mỹ-NATO, khiến cho Washington và Brussles không thể tái lập ý thức hệ với Moscow. NATO không tìm ra tiền đề để tồn tại.

Thứ ba, về quân sự. Chiến lược quân sự - nay là Học thuyết quân sự - của Nga dưới thời Putin tổ chức theo mô hình ma trận với phương châm linh hoạt trong cả tổ chức và ra quyết định, khiến NATO không thể là đối trọng thực sự với Nga.

Ngày 26/6/2018, NATO đã công bố một chiến lược không quân mang tên “Sức mạnh không quân chung” (JAP) nhằm đảm bảo cho lực lượng không quân NATO có khả năng phòng thủ chống lại các đối thủ ngang tầm trong mọi tình huống.

JAP cũng giúp đảm bảo cho không quân NATO linh hoạt hơn trong việc tự bảo vệ trước mọi sự cạnh tranh cũng như các tình huống bị đe dọa và dự đoán vai trò ngày càng tăng của các tài nguyên trong không gian và dữ liệu trên không gian mạng.

Dù sức mạnh không quân đóng vai trò trung tâm trong xử lý khủng hoảng và phối hợp sức mạnh tập thể của NATO trong nhiều thập niên, nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức này công bố chiến lược không quân, kể từ khi được thành lập vào năm 1949.

Tổng thống Putin đã nâng cấp quân đội Nga không chỉ hiện đại về khí tài, mà thay đổi hẳn về nền tảng tư tưởng và khả năng quẩn trị

Nhận định về tầm quan trọng của lực lượng không quân trong hoạt động của NATO khi công bố Chiến lược “Sức mạnh không quân chung”, phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu, cho biết :

“Gần 70 năm qua, không quân là phần cốt lõi trong khả năng của NATO. Từ ngăn chặn Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh đến các hoạt động ở Balkan.... không quân đã giúp bảo vệ người dân và đạt được các mục tiêu chính trị”, theo Reuters.

Bà Lungescu nói thêm: “Chúng tôi thực hiện các bước để tăng cường khả năng sẵn sàng của tất cả các lực lượng trên toàn liên minh, JAP sẽ giúp lực lượng không quân NATO giữ vị thế đẳng cấp thế giới, linh hoạt và sẵn sàng cho bất kỳ khả năng nào".

Ông Dmitry Gorenburg chuyên gia phân tích chiến lược quân sự ở Đại học Harvard của Mỹ từng cho rằng Nga đã cải tiến mạnh mẽ quân đội, trong đó đặc biệt là tốc độ ra quyết định để nâng cao khả năng tương tác giữa các quân binh chủng.

Ông Michael Kofman, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Kennan, thuộc Trung tâm Wilson, thì nhận định, Nga tổ chức lại lực lượng vũ trang từ quân đội nhân dân thời Liên Xô thành lực lượng thường trực với chất lượng quản trị được nâng cao.

Tuy nhiên, cựu Tư lệnh NATO Philip Breedlove thì lại cho rằng: "Chúng ta cần đàm phán rộng rãi hơn với các đối tác Nga, nhưng chúng ta lại không thể tiến hành được vì chiến lược hành động của họ", theo nato.int - kênh thông tin của NATO.

Rõ ràng, chiến lược quân sự của Nga dưới thời Putin đã thay đổi mạnh mẽ cả về nền tảng tư tưởng chiến lược lẫn tư duy chiến thuật và khả năng quản trị chuyên nghiệp, khiến NATO muốn hóa giải thì phải đối thoại với Nga thay vì đối trọng.

Song nếu NATO chọn đối thoại với Nga thay cho đối trọng thì cũng đồng nghĩa là tự đào huyệt để chôn mình. Do đó, NATO phải cố sống ngắc ngoải bằng cách là nguy hiểm hóa mối đe dọa từ Nga. Như vậy, thì khác gì xác không hồn!?

Đáng nói là, hiện nay đối trọng Nga-Mỹ đã vượt trên đối trọng Nga-NATO, Nga đã biến NATO chỉ còn vị thế "tầm gửi" của Mỹ, khiến tiếp xúc Moscow-Wasshington mới là kênh chính thức, còn Moscow-Brussels chỉ mang tính tham khảo.

Hiện nay, NATO chỉ là nơi Mỹ kiếm tiền mà thôi?

Thực tế đó khiến NATO hiện nay chỉ như là nơi để Washington móc túi đồng minh, ngoài phí niêm liễn là bán vũ khí. Chính điều đó khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải thốt lên rằng hiện tại NATO đã "chết não".

Làm cho NATO không thể có được tiền đề tồn tại và cơ sở thể hiện sức mạnh, biến NATO thành thực thể phải "sống tầm gửi" vào Mỹ, rõ ràng chính Tổng thống Putin đã làm NATO "chết não và biến thành xác không hồn".

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chinh-ong-putin-lam-nato-chet-nao-thanh-xac-khong-hon-3391649/