Chính nghĩa từ vụ kiện chất độc da cam của người phụ nữ Việt

Bà Trần Tố Nga, người một mình kiện các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh VN, khẳng định đi tới cùng cuộc đấu tranh vì công lý cho nạn nhân dioxin.

 Cover

Cover

Sau 6 năm với 19 phiên tòa thủ tục, phiên tòa tranh tụng cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với 26 công ty hóa chất Mỹ, từng sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam, cuối cùng đã được mở ra hôm 25/1 tại tòa đại hình Evry, vùng Essonne của Pháp.

Sự đối lập giữa chính nghĩa và phi nghĩa

Từ sáng sớm 25/1, dù giữa thời kỳ dịch, đông đảo những người yêu công lý, những người ủng hộ vụ kiện và quan tâm đến thảm họa da cam đã có mặt trước tòa, chờ đón người đi kiện và những luật sư bảo vệ bà Trần Tố Nga.

Trong số những người chờ bên ngoài tòa án có một số Việt kiều Pháp, một số người mang hai dòng máu Pháp - Việt, và cả những bạn trẻ người Pháp ủng hộ công lý.

Vụ kiện bắt đầu từ năm 2014, khi đơn kiện của bà Nga được gửi đi cho 26 công ty sản xuất hóa chất diệt cỏ trong chiến tranh Việt Nam.

Đến tháng 4/2016, 19 công ty Mỹ ra trình tòa đại hình Evry tại Pháp với 38 luật sư bảo vệ cho các công ty này. Trong danh sách bị đơn là hai "gã khổng lồ trong ngành hóa chất" ở Mỹ: Monsanto và Dow Chemical.

Bà Trần Tố Nga tại phiên tòa ngày 25/1, và trả lời truyền thông Pháp quan tâm về vụ kiện. Ảnh: Nguyễn Thụy Phương.

Bà Nga cho biết không khí ngay từ ngoài tòa ngày 25/1 rất sôi động, khi các luật sư của bà đến và được mọi người vây quanh chào đón. Một số nghị sĩ và thị trưởng cũng đến chúc may mắn cho người đi kiện.

Trong khi đó, luật sư bên bị đi thành một nhóm 14 người. Họ ăn mặc chỉnh tề, gương mặt khép kín, đi thẳng vào phòng xử án và ngồi ở phía bên trái trong im lặng.

Đối diện với họ là 3 luật sư của bà Nga vẫn đang được chào đón nồng nhiệt bởi báo chí và người tham dự phiên tòa.

Sau một số thủ tục, chánh án đề nghị người đến dự rời khỏi khán phòng để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Phiên tòa mở đầu bằng phần trình bày lập luận từ nhóm luật sư của bà Nga trong khoảng 90 phút vào buổi sáng. Sau đó, 14 luật sư của các doanh nghiệp hóa chất phản biện trong 4 giờ.

Chặng đường khởi kiện

"Vụ kiện này dạy tôi rất nhiều điều", bà Nga nói.

Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân của chất độc da cam yêu cầu trách nhiệm pháp lý với các công ty hóa chất và sản xuất thương mại hóa chất, chất độc da cam dioxin của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời Zing ngày 4/2.

"Bài học lớn nhất là tấm lòng của người dân Pháp đối với Việt nam, với nạn nhân da cam và đối với công lý. Tôi bắt đầu đơn độc, một mình đi kiện. Đến nay, đông đảo người Pháp và người ở nhiều nước khác đã hiểu nhiều về thảm họa da cam", bà Nga cho biết.

"Họ cùng tôi lên án tính tàn độc của chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ gây ra, không những trên đất Việt, cho nhân dân Việt Nam, mà còn cho cả chính người dân các nước khác, kể cả người Mỹ", bà Nga nhấn mạnh.

Valérie Cabanes, một luật sư Pháp chuyên về luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, nói với AFP rằng vụ kiện của bà Trần Tố Nga mang dấu ấn, vì "sự công nhận đối với những nạn nhân, thường dân Việt Nam sẽ tạo ra tiền án lệ".

Trong khi đó, đồng tình với quan điểm của bà Trần Tố Nga, Ủy ban Hòa bình TP.HCM và Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM hồi đầu tháng 2 khẳng định các nhà sản xuất chất độc dioxin không thể hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm đạo lý của họ, trước nỗi đau kéo dài của vô số quân nhân và thường dân, không thể đơn thuần phủ nhận thực tế cáo buộc nặng nề đó.

Báo Le Monde, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu nước Pháp, đưa tin về vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Ảnh chụp màn hình.

Hai tổ chức ở TP.HCM thừa nhận việc hợp tác quốc tế - kể cả giữa hai chính quyền Việt Nam và Mỹ - đã mang lại một phần tiến bộ trong việc giảm thiểu tác hại của chất độc dioxin đối với hệ sinh thái tại Việt Nam, cụ thể qua chương trình tẩy độc các điểm nóng tại một số căn cứ quân sự.

Tuy nhiên, hai tổ chức cho rằng còn sự thiếu sự công nhận đầy đủ đối với hậu quả nhiều mặt và xuyên thế hệ của chất độc dioxin/da cam đối với con người, nhất là thường dân, ở Việt Nam.

"Quá trình ứng xử và giảm thiểu hậu quả đó còn quá hạn hẹp và chậm chạp", thông cáo của hai đơn vị cho biết.

Cuộc chiến cuối cùng của đời tôi

Bảo vệ cho bà Nga là 3 luật sư, những người đã làm việc trong hơn 10 năm qua mà không nhận thù lao.

“Luật sư chính William Bourdon vừa mới trải qua ca mổ, đến phiên tòa (ngày 25/1) trên đôi nạng, nhưng lời lẽ của ông vẫn rất đanh thép và thuyết phục. Hai luật sư trẻ Amelie Lefevbre và Bertrand Repolt rõ ràng, rành mạch trong từng lập luận”, bà Nga kể.

Bà Nga cho biết quyết định khởi kiện "vì tôi hội đủ điều kiện để thực hiện một vụ kiện quốc tế trên đất Pháp, vì hơn bốn triệu nạn nhân da cam Việt Nam đang cần có một tiền án lệ, để tự họ có thể tìm ra con đường đấu tranh giành công lý cho chính mình".

Người phụ nữ 78 tuổi trải lòng với Zing rằng: "Trách nhiệm với dân, với nước thôi thúc tôi tiếp tục đi con đường đã chọn từ trẻ. Đây cũng là cuộc chiến cuối cùng cho công lý trong những năm tháng còn lại của tôi".

Luật sư William Bourdon. Ảnh: African Media Agency.

Lúng túng trước sự thật

Theo các tài liệu chính thức, quân đội Mỹ rải xuống hơn 80 triệu lít dioxin trong chiến trường ở Việt Nam. Hậu quả của nó đối với môi trường và trên con người được ghi nhận ngay từ thập niên 1960.

Tuy nhiên, 14 luật sư của các công ty hóa chất tại phiên tòa đưa ra nhiều lập luận sai sự thật.

Bà Nga cho biết lập luận của các luật sư bên nhóm công ty hóa chất tại phiên tòa hôm 25/1 là "chất độc da cam được chứng minh không độc".

"Họ nói chất khai quang được rải với một lượng rất ít và chỉ rơi chạm đến các lá trên ngọn cây, thì làm gì có rơi xuống đất mà làm hại môi trường, súc vật và con người", bà Nga thuật lại diễn biến phiên tòa.

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, bà từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong chiến tranh. Giám định y tế cho thấy sức khỏe của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng với nồng độ dioxin trong máu cao hơn tiêu chuẩn quy định. Ảnh: Privat.

Bà Nga cho biết nhóm luật sư bên bị tỏ ra hằn học và phi lý.

"Hằn học đến nỗi họ gọi một cách thiếu tôn trọng với những người dự phiên tòa là 'đám đông mà bà Nga huy động, để mở một phiên tòa trước phiên tòa chính thức này', nên họ yêu cầu ngừng phân xử", bà Nga nói thêm.

Vào cuối phiên tòa, khi chánh án định trao lời cho bà Nga phát biểu thêm thì một trong các luật sư đứng bật dậy phản đối. Lý lẽ của người này là bên nguyên đơn "đã nói quá đủ trong sáu năm rồi".

"Nếu họ mạnh, nếu những lời cáo buộc của họ mang tính chính nghĩa, thì sao lại sợ lời nói của một phụ nữ đơn thân trước một nhóm luật sư đầy kinh nghiệm chiến trường?", bà Nga nhấn mạnh.

Vào ngày 10/5, tòa án sẽ ra quyết định. Tùy theo quyết định của tòa mà cuộc chiến vì công lý, vì nạn nhân da cam, sẽ tiếp tục

Với những người đã ủng hộ và đồng hành cùng bà Trần Tố Nga trong 6 năm qua, vụ kiện đã đi một bước dài trong lịch sử chống chiến tranh hóa học hủy diệt nhân loại. Tội ác được phơi bày qua một vụ kiện dân sự của một người phụ nữ, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Bà Nga cho biết ngày càng nhiều người trẻ ở Pháp và người Pháp gốc Việt chung tay lan tỏa nỗ lực chống Monsato và các công ty hóa chất Mỹ, với khẩu hiệu "chất độc da cam vẫn tiếp tục giết hại con người".

Bà Nga cho biết đại dịch không làm chùn bước những người trẻ "vì chính nghĩa".

Khi không thể thực hiện những sự kiện quy tụ đông người, các bạn trẻ với thế mạnh kỹ thuật đã tổ chức những hội nghị trực tuyến với hàng nghìn theo dõi, mở những hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam trong 36 tiếng, quy tụ sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ thế giới và Việt Nam.

Gần đây nhất, cuộc mít tinh ngày 30/1 ở Paris quy tụ gần 300 người, bao gồm quần chúng và chính giới Pháp, với khẩu hiệu "Công lý cho bà Trần Tố Nga" và "không ai có thể phủ nhận được tính chính nghĩa của một tập hợp quần chúng, bởi không ai đòi hỏi gì cho bản thân, mà là cho những nạn nhân da cam cùng khổ".

Bà Nga tại một buổi mít tinh ở Paris hồi cuối tháng 1. Khoảng 300 người tham gia để ủng hộ vụ kiện của bà. Ảnh: Collectif Vietnam Dioxine.

Chia tay Zing, bà Nga chuyển lời cảm ơn tới những độc giả quan tâm đến cuộc chiến của mình.

Bà hy vọng tiếp tục nhận sự đồng hành của công luận cho đến cùng, "vì niềm tin vào sức mạnh của công lý, vì ánh sáng của sự thật, và vì những nạn nhân da cam đang hy vọng ở cuộc đấu tranh này".

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-nghia-tu-vu-kien-chat-doc-da-cam-cua-nguoi-phu-nu-viet-post1181301.html