Chỉnh đốn phong cách cán bộ - việc hệ trọng trong chỉnh đốn Đảng

Để xây dựng Đảng ta thành đảng cầm quyền thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, trong suốt hơn 90 năm qua, nhất là trong thời gian gần đây, Đảng đã quyết liệt lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn Đảng; đồng thời hết sức coi trọng việc đẩy mạnh rèn luyện, đổi mới phong cách công tác, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV) theo hướng quần chúng, sát dân, gần dân, vì dân phục vụ theo di huấn và những lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn đặt ra yêu cầu khắt khe về việc phải chỉnh đốn lề lối, tác phong công tác (TPCT) của CBĐV, gắn liền với yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Người, chỉnh đốn lề lối, TPCT, nhất là rèn luyện tác phong quần chúng cho CBĐV là việc làm có tính cấp bách đối với hoạt động lãnh đạo của một đảng cầm quyền ra đời ở một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa, nửa phong kiến.

Trong bài nói tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Người nhấn mạnh: “Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”. Người yêu cầu cán bộ phụ trách ở Trung ương cần phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc ở cơ sở, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, mà ít đi kiểm tra, giúp đỡ cơ sở... Đặc biệt, sự ra đời của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), càng cho thấy quyết tâm rất lớn của Bác trong đấu tranh, phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, cửa quyền, mệnh lệnh... của CBĐV.

Nêu gương trước toàn Đảng và đội ngũ cán bộ, Người luôn là tấm gương sáng về tác phong quần chúng, hướng về dân, gắn bó với cơ sở. Chỉ tính từ ngày 15-10-1954 (sau khi Người về Thủ đô Hà Nội) đến ngày 12-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cơ sở 923 lần; bình quân trong 15 năm này, mỗi tháng Người đến với cơ sở 5 ngày. Địa điểm mà Người chọn đến thường không phải trụ sở chính quyền, mà là các công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội, từ miền núi đến hải đảo xa xôi... để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ.

 Ảnh minh họa/tuyengiao.vn.

Ảnh minh họa/tuyengiao.vn.

Theo nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân, sở dĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc chỉnh đốn, rèn luyện tác phong quần chúng cho CBĐV bởi phong cách cán bộ chính là “bộ mặt” của từng CBĐV nói riêng, của Đảng ta nói chung. Suy cho cùng, việc xây dựng, rèn luyện tất cả các thành tố: Tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng... đều nhằm vào việc hoàn thiện nhân cách cán bộ để thể hiện bằng được ra bên ngoài một phong cách, lề lối làm việc khoa học, cách mạng, quần chúng... của mỗi người. Hơn thế, phong cách cán bộ cũng chính là cái hiển hiện bên ngoài thực tế và thực tiễn cách mạng, giúp quần chúng phản ánh, nhìn nhận đúng cán bộ tốt hay kém, qua đó mà soi chiếu vào đội ngũ và đánh giá đúng năng lực, uy tín của Đảng. Do vậy, việc xây dựng tác phong quần chúng cho CBĐV là yêu cầu hết sức quan trọng của một đảng cầm quyền.

2. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và làm theo sự nêu gương của Người, hơn 90 năm qua, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, rèn luyện các thế hệ CBĐV có phong cách công tác sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, vì dân. Đặc biệt, những năm gần đây, với việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, toàn Đảng đã có nhiều chuyển biến tích cực về lề lối, phong cách lãnh đạo và công tác. Dư luận và quần chúng hoan nghênh, ghi nhận vì tình trạng nhũng nhiễu dân vốn trước đây là vấn đề nhức nhối ở một số nơi thì nay được hạn chế, dần đi đến khắc phục dứt điểm; việc giữ lời hứa với dân của cán bộ lãnh đạo được thực hiện nghiêm túc, triệt để; việc tiếp xúc, đối thoại với dân được duy trì nền nếp, thực chất, hiệu quả ở các cấp... Chính nhờ đó mà niềm tin của dân dành cho Đảng ngày càng sâu đậm, vững chắc thêm.

Học tập phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt thời gian trên cương vị công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở Văn phòng Trung ương Đảng cần nghiêm túc sắp xếp kế hoạch sao cho thật phù hợp, để khi về công tác ở bất kỳ địa phương nào, lãnh đạo Đảng cũng có thể đến với tổ chức đảng nhỏ nhất, làm việc với chi bộ đảng và nói chuyện với nhân dân. Bởi thế, trong các chuyến công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thường dành thời gian về với cơ sở, trực tiếp tìm hiểu đời sống quần chúng, khảo sát nơi sản xuất, thăm đồng ruộng, mô hình kinh tế giỏi trong dân,… Chỉ khi nắm bắt được tình hình thực tế cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu vướng mắc trong quần chúng, sau đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mới tổng hợp lại rồi làm việc với đội ngũ chủ chốt của địa phương.

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông rất ấn tượng với những yêu cầu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngay sau khi nhận cương vị Tổng Bí thư khóa XI. Đó là những chỉ đạo rất quyết liệt nhằm dẹp bớt, đi đến khắc phục dứt điểm mọi biểu hiện hình thức với băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa chào đón cán bộ cấp trên về thăm, làm việc với cấp dưới và cơ sở. Cũng chỉ sau đó ít lâu, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lại yêu cầu các cơ quan văn phòng hạn chế việc tổ chức nhiều xe ô tô đi theo phục vụ các đoàn công tác của Trung ương khi về cơ sở, vì việc đó vừa là biểu hiện của bệnh hình thức, không gây thiện cảm cho dân, lại vừa tốn kém đối với tổ chức. Vì lẽ đó, mỗi chuyến công tác của Trung ương gần đây, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành và cán bộ địa phương thường ngồi chung xe để tiện cho việc trao đổi công việc, chia sẻ, nắm bắt thông tin cơ sở.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước và không ít lãnh đạo Trung ương nêu gương về tác phong quần chúng là vậy, nhưng thật không quá lời khi chỉ rõ: Ở nhiều nơi, cán bộ chủ chốt, chủ trì vẫn còn ít nhiều đề cao tính nghi thức khi về cơ sở. Một số cấp ủy, chính quyền bày tỏ sự trọng thị thái quá theo lối “trống dong cờ mở” khi đón lãnh đạo cấp trên về địa phương, đến với dân. Vẫn còn đó không ít chuyến đi địa bàn của chính cán bộ địa phương sử dụng những chiếc xe công sang trọng; về tới cơ sở, đến với cấp dưới thường bắt đầu buổi làm việc nặng tính hành chính giấy tờ..., sau đó mới thâm nhập địa bàn. Thậm chí, nhiều cán bộ còn không tiến hành khảo sát, nắm bắt thực tế, không dành thời gian tiếp xúc, lắng nghe ý kiến nhân dân. Ở không ít cơ quan, CBĐV vẫn quen dùng cụm từ “xuống cơ sở", "lên Trung ương”. Cách dùng từ ấy phần nào phản ánh biểu hiện của sự phân định trên-dưới, mở đường cho bệnh xa dân.

3. Một tồn tại nữa cũng cần được thay đổi hiện nay chính là cách đi cơ sở mặc định theo kế hoạch, kịch bản đã lên sẵn một cách rập khuôn, cứng nhắc. Nghĩa là cơ quan chức năng lập kế hoạch công tác từ trước, rồi thông báo lịch trình cho cấp dưới chuẩn bị từ sớm, sẵn sàng tiếp đón cấp trên về thăm, làm việc. Thành thử, việc về cơ sở, đến với dân của một số cán bộ trở thành hình thức, tạo điều kiện cho cấp dưới “phô diễn” mô hình, khoe mẽ thành tích, hoặc che giấu khuyết điểm, không dám báo cáo sự thật, vì sợ bị phê bình.

GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, công bằng mà nói, về với cơ sở, đến với dân mà chủ yếu vận hành theo kịch bản chính là biểu hiện của việc chưa thực hiện theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, trong hầu hết những chuyến về cơ sở của Bác Hồ, có một điểm đặc biệt là Người luôn tạo ra sự bất ngờ: Bố trí cho Bác đi công tác hôm nay, Bác lại chọn ngày khác; bố trí Bác đến chỗ này, Bác lại đi chỗ khác… Bác làm như thế là vì muốn kiểm tra một cách thực chất kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở các nơi chứ không nghe báo cáo một chiều.

Đáng mừng là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên dành nhiều thời gian về với dân; nhất là có những chuyến “vi hành”, kiểm tra đột xuất. Còn nhớ, sáng sớm 8-10-2016, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt rất sớm tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh), bất ngờ kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn cho hàng chục nghìn lao động trên địa bàn. Đích thân Thủ tướng đã vào bếp, kiểm tra cụ thể từng biên bản, hợp đồng, hỏi về nguồn gốc, giá cả thực phẩm, rồi trò chuyện với người lao động để nắm tâm tư, nguyện vọng... Lần khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bất ngờ đến thăm chợ đầu mối Long Biên (TP Hà Nội) để nắm bắt thực tế sau khi nghe về một vài dư luận xôn xao. Chuyến “vi hành” của những người đứng đầu Chính phủ lần ấy đã để lại thiện cảm và dư âm tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Cũng với cách làm đó, thời gian qua, một số đồng chí cán bộ lãnh đạo, nhất là các bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư thành ủy, bí thư tỉnh ủy... cũng thực hiện kiểm tra đột xuất cơ sở và hòa vào dân một cách tự nhiên, gần gũi. Thế nhưng, xem ra việc làm này chỉ mới diễn ra ở một bộ phận cán bộ, chưa trở thành việc làm thường xuyên ở các cấp. Vẫn còn đó phần đông cán bộ chưa coi trọng công việc tuy không khó thực hiện nhưng mang hiệu quả, hiệu ứng xã hội tích cực và có tác dụng thiết thực đối với công tác quản lý, điều hành, phục vụ người dân.

Để khắc phục thực trạng này, trước hết, đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt cần nhận rõ trách nhiệm bản thân; quyết liệt chỉ đạo đổi mới nền nếp, chế độ công tác; chủ động tự xây dựng kế hoạch công tác; hạn chế hội họp không cần thiết; quyết liệt chống bệnh “ngồi bàn giấy”, chỉ đạo qua văn bản, kiểm tra bằng tiếp nhận báo cáo... Người đứng đầu phải thực hành nêu gương khi tiếp xúc với dân, tăng cường đối thoại, chủ động tìm về cơ sở; đồng thời chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết trị “bệnh xa dân” ở ngay trong chính cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ thuộc quyền.

Các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉnh đốn lối làm việc và rèn luyện phong cách quần chúng cho CBĐV đến nay đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp triển khai tương đối đồng bộ, toàn diện và đạt kết quả đáng ghi nhận. Thế nhưng, lòng dân vẫn mong đợi những chuyển biến về chất trong rèn luyện, đổi mới phong cách công tác của từng CBĐV cụ thể, cho xứng đáng với nghĩa “công bộc của dân”.

Sắp tới đây, càng cần hơn nữa những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và hệ thống chính trị để tạo dựng quyết tâm chính trị cao nhất nhằm chỉnh đốn triệt để những mặt còn hạn chế trong lề lối, TPCT của đội ngũ CBĐV ở mọi cấp, mọi ngành. Cùng với đó, rất cần những cao trào thực hành đổi mới lề lối, TPCT được phát động, tổ chức rộng rãi, triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực chất từ Trung ương về cơ sở.

NGUYỄN TẤN TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dang-cam-quyen-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/chinh-don-phong-cach-can-bo-viec-he-trong-trong-chinh-don-dang-617871