Chính danh và văn hóa từ chức

Sai, không dám nhận sai. Sai đổ lỗi cho cấp dưới. Sai chạy chọt lấp liếm… để rồi sai tiếp tục sai. Nó xảy ra như một cái sự đúng - đúng quy trình - thì đừng bao giờ mong đến ngày quan chức dũng cảm từ chức.

Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Cái thời quan chức tham quyền cố vị, cái thời “ghế thì ít mà… thì nhiều” đang diễn ra phổ biến ở xứ mình nên chuyện xin từ chức gần như ít xảy ra.

Có chăng, cũng thuộc về số ít những người luôn đặt nhân cách và quyền lợi số đông lên đầu. Họ thấy mình không xứng, không đủ tầm ngồi vào ghế nóng, hoặc đã ngồi vào ghế nóng mà không hoàn thành trách nhiệm thì tình nguyện rút lui, nhường ghế cho những người đủ tầm đủ tâm. Và, vẫn phải nói lại, điều này hiếm hoi vô cùng ở xứ mình nhưng lại quá bình thường, thậm chí phổ biến ở xứ người.

Lạ và rất lạ là Nho giáo có cội rễ khá vững chắc trong lòng xã hội phương Đông. Bỏ qua những điều lỗi thời thì Nho giáo chứa rất nhiều giá trị cốt lõi tiến bộ, nhưng có những điểm tiến bộ lại ít có ảnh hưởng trong xã hội đương thời. Một trong số đó là thuyết Chính danh của Khổng Tử. Nhằm giáo hóa đạo đức, Khổng Tử đưa ra chủ trương “chính danh - định phận”. Ông chỉ ra rằng, danh và phận của mỗi người do xã hội quy định. Danh nào thì đi với phận ấy. Danh không đi với phận thì xã hội loạn trị.

Thời nay, xã hội nước ta, một bộ phận không nhỏ đang rơi vào trạng thái hỗn danh, danh không đi với phận nên làm cho xã hội thêm rối ren. Hiểu nôm na như phường thất học lại đi làm thầy, phường trộm cắp, phường đánh bạc lại có kẻ đi làm công an nên mới dẫn đến những vụ án tày đình mà công lý đang phân xử. Có những kẻ chạy chức, chạy quyền trong khi mình bất tài vô dụng, nên leo lên cái chức to đùng nhưng không đủ sức để quản lý, điều hành nên gây ra loạn cho chính cơ quan mình rộng ra là loạn cho xã hội.

Sai, không dám nhận sai. Sai đổ lỗi cho cấp dưới. Sai chạy chọt lấp liếm… để rồi sai tiếp tục sai. Nó xảy ra như một cái sự đúng - đúng quy trình - thì đừng bao giờ mong đến ngày quan chức dũng cảm từ chức.

Một ví dụ mà báo chí gần đây đã đề cập: Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang ngồi nhầm chỗ. Khi mình chưa đủ điều kiện ngồi vào chiếc ghế này, dù bị tố cáo nhưng vẫn đang bình chân như vại, đợi… kết quả thanh tra, kiểm tra. Lẽ ra thấy mình ngồi nhầm chỗ thì nên xin lỗi, rút lui, hoàn thiện và nâng tầm mình lên thì một ngày biết đâu danh chính ngôn thuận lại được ngồi vào cái ghế mà mình muốn ngồi…

Sâu xa mà nói văn hóa từ chức là một dạng biểu hiện của văn hóa chính trị. Nói trắng ra văn hóa từ chức còn thấp thì chưa thể nói đến một nền văn hóa chính trị cao được.

Lịch sử nước ta hiếm hoi những nhân cách như danh sư Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Thời nay thì người ta vẫn nhớ đến chuyện từ chức của ông Bộ trưởng “nông dân” Lê Huy Ngọ, hay việc nghỉ trước 2 năm của ông Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự. Họ là những người có chí khí từ quan, dù hoàn toàn danh của họ có thể gánh nổi cái phận mà họ đang làm.

Tiếc thay, những ai hiểu rõ chính danh thì quá ít, tuân thủ chính danh càng không nhiều mới dẫn đến văn hóa danh không đi đôi với phận đang tràn lan làm cho xã hội ngày một thêm rối bời.

Văn hóa từ chức là một nhu cầu tự thân của văn hóa chính trị, nếu không ý thức rõ làm quan là để gánh việc đời, làm lợi cho đời mà trái lại, làm quan cốt lợi cho mình thì như một bộ phận không nhỏ quan chức hiện nay thì văn hóa từ quan sẽ còn là một món xa xỉ xa vời…

Trần Ngọc Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chinh-danh-va-van-hoa-tu-chuc_t114c68n141169