'Chính các bạn biết rõ nhất mình uống rượu, bia hay không'

Hiện tại, toàn địa bàn thành phố Hà Nội chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng 'tôi uống siro' hay 'ăn hoa quả'. Chính các bạn là người biết rõ nhất mình có uống rượu bia hay không? Nếu bạn chấp hành nghiêm tất cả quy định của Luật thì lực lượng chức năng sẽ không bao giờ xử lý bạn.

Đây là khẳng định của Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội khi nói về vấn đề “uống siro” hay “ăn hoa quả” có bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Thiếu tá Đào Việt Long cho biết, khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) ra quân xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, trong 7 ngày đã xử lý 84 trường hợp, 18 trường hợp xử phạt kịch khung.

“Hiện tại, toàn địa bàn thành phố Hà Nội chưa có trường hợp nào phản ứng lại khi bị phát hiện có nồng độ cồn mà cho rằng "tôi uống siro" hay "ăn hoa quả". Chúng tôi có quan sát, theo dõi phản ứng của người dân, chúng tôi thấy các bạn mới đưa ra ví dụ như thế chứ trong thực tế không có”, Thiếu tá Đào Việt Long cho biết.

Thêm vào đó, Thiếu tá Long khẳng định, không riêng hành vi uống rượu bia mà với hành vi khác, khi bị xử lý, công dân có quyền khiếu nại, giải trình hành vi của mình với CSGT. Người tham gia giao thông hoàn toàn có quyền thổi lại nồng độ cồn lần thứ 2 nếu có yêu cầu và muốn chứng minh "tôi không uống rượu bia".

“Tôi phải khẳng định là chính các bạn là người biết rõ nhất mình có uống rượu bia hay không? Nếu bạn chấp hành nghiêm tất cả quy định của Luật thì lực lượng chức năng sẽ không bao giờ xử lý bạn”, Thiếu tá Đào Việt Long nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với tình trạng lạm dụng rượu bia như ở Việt Nam, với văn hóa uống hiện nay rất cần một “liệu pháp shock”, cần quy định đủ sức răn đe.

“10 năm thực hiện với ô tô, chúng ta đã đủ kinh nghiệm để thấy, chưa có thống kê nào về việc có người ăn hoa quả xong rồi bị phạt. Những chuyên gia về dinh dưỡng có trao đổi với tôi cho biết cồn tạo ra bởi trái cây sẽ đào thải rất nhanh, tồn tại trong vòm họng là chính, thì khi lấy khí ở đáy phổi hầu như không có và như vậy tỉ lệ ăn hoa quả, uống si rô xong bị phạt là hầu như không có.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định nồng độ cồn với lái ô tô bằng 0. Như ở Nga, từ năm 2013 là cấm tuyệt đối. Người ta cho rằng đây là quy định cứu sống hàng chục nghìn người Nga. Đây là cơ hội tuyệt vời để mọi công dân nhận thức rõ ràng: Đã lái, không uống”, ông Khuất Việt Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau gần 10 ngày triển khai, Nghị định 100 đã đạt được những hiệu quả rõ rệt.

“Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, nếu thời gian trước, trên cả nước có bình quân 21-23 người tử vong do TNGT mỗi ngày thì sau chưa đầy hai tuần thực hiện Nghị định 100 với sự đồng thuận cao của nhân dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, lực lượng chức năng, con số này đã được kéo giảm xuống còn 16-17 người/ngày”, ông Huyện cho hay.

Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2020.

Điểm đáng chú ý tại Nghị định 100/2019 là việc xử phạt với cả tài xế xe đạp, xe máy trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào.

Trong đó, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất với người lái ô tô là từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Đối với người lái xe máy, mức phạt là từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng. Mức phạt với người đi xe đạp và xe thô sơ là từ 400.000-600.000 đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 100 đã bổ sung, tăng nặng các mức phạt vi phạm trên đường cao tốc như: Hành vi chạy xe ở làn dừng khẩn cấp và lề đường của đường cao tốc sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng thay vì 1 triệu đồng như trước đây; hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc tăng từ 7,5 triệu lên 17 triệu, hành vi lùi xe tăng từ 1 triệu lên 17 triệu đồng; hành vi sử dụng xe kinh doanh đón trả khách, nhận trả hàng trên đường cao tốc sẽ xử phạt cả lái xe và doanh nghiệp vận tải.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/chinh-cac-ban-biet-ro-nhat-minh-uong-ruou-bia-hay-khong/384772.vgp