Chín tháng đầu năm, nhiều ngân hàng lãi lớn nhờ hoạt động dịch vụ

Áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý nợ xấu giảm, thu từ dịch vụ tăng mạnh... đã giúp báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng mang màu sắc tươi sáng.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3-2018 với những con số ấn tượng. Theo đó, thu nhập lãi thuần của Vietcombank bứt tốc so với 2 quý đầu năm, đạt 7.432 tỷ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động dịch vụ đã có sự tăng trưởng khá cao, đạt lãi 895 tỷ đồng, tăng 37,5%; lãi từ hoạt động khác tăng 11% đạt 651 tỷ đồng. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 570 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ; hoạt động mua bán chứng khoán lỗ 170 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 135 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế trong quý 3 của Vietcombank đạt 3.666 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank lãi trước thuế 11.683 tỷ đồng, lãi ròng 9.378 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ đạt 2.628 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi đạt 3.034 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù vẫn là nguồn thu nhập chính của Vietcombank nhưng đóng góp từ mảng tín dụng lại có phần giảm so với cùng kỳ, từ mức 74% xuống 71%.

Tương tự Vietcombank, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng khác cũng cho thấy mảng dịch vụ đang ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ của các ngân hàng.

Thu nhập của các ngân hàng đang ngày càng đa dạng hóa

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đạt tổng lợi nhuận trước thuế vượt 6.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Trong đó lãi từ dịch vụ của MBBank đạt tới 1.688 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng 70%, đạt 281 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác tăng 68% đạt hơn 1.000 tỷ đồng

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của MBBank là nợ xấu ngân hàng cũng có xu hướng tăng lên. Cụ thể, dư nợ cho vay của MBBank tính đến 30/9 là 204,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là hơn 781 tỷ đồng, tăng 6%. Nợ nghi ngờ là 1.118,3 tỷ đồng, tăng 67%. Nợ có khả năng mất vốn là 1.318 tỷ đồng, tăng tới 62%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,2% hồi đầu năm lên mức 1,57%.

Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), dù mục tiêu lợi nhuận được điều chỉnh giảm do room tín dụng sắp bị “khóa” và tăng chi phí vào việc mở rộng hệ thống, đầu tư công nghệ nhưng mảng dịch vụ của ngân hàng này vẫn tăng trưởng khá tốt.

Trong quý 3, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt 1.014 tỉ đồng, bằng 84,5% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (sau khi điều chỉnh). Trong đó, thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm là 205 tỉ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ.

Theo quan sát, sở dĩ lợi nhuận của nhiều ngân hàng tiếp tục bứt phá trong 9 tháng đầu năm nay là nhờ áp lực trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu giảm.

Cùng với đó, mảng dịch vụ ngày càng khởi sắc chủ yếu dựa vào hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm; cùng với đó là các dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, tư vấn tài chính tiếp tục tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia đánh giá, sự tăng nhanh các khoản thu hoạt động dịch vụ cho thấy thu nhập của các ngân hàng đang dịch chuyển theo hướng đa dạng và bền vững hơn. Bởi các khoản thu này ít bị biến động theo thay đổi nền kinh tế, rủi ro cũng thấp hơn nhiều so với mảng tín dụng.

Trước đó, khảo sát của NH Nhà nước cho thấy, dự kiến đến cuối năm phần lớn các ngân hàngđều kỳ vọng lợi trước thuế ở mức cao, tăng bình quân 18,63% so với năm trước.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/chin-thang-dau-nam-nhieu-ngan-hang-lai-lon-nho-hoat-dong-dich-vu/787354.antd