'Chín cây' chứ không 'chín ép'

Một Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã nói, trường hợp cán bộ được đào tạo bài bản, được bổ nhiệm nhưng lại phát hiện sai phạm ngay sau đó thì rất hiếm gặp trong mấy nhiệm kỳ qua, cả ở Trung ương và địa phương.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Thế nên bổ nhiệm cán bộ như thế nào để dư luận "tâm phục, khẩu phục", đặc biệt tránh tình trạng "hiếm gặp" là điều cần thiết.

Về mặt thủ tục, gần như 100% cán bộ khi được bổ nhiệm đều đúng quy trình. Vậy nhưng quy trình đó có thật sự "kín kẽ", nhận được sự đồng tình của dư luận hay không lại là chuyện khác. Bởi vậy mà có ĐBQH từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về cụm từ "đúng quy trình" trong công tác cán bộ đã bị lợi dụng, là bàn đỡ, "rèm che", bảo hộ cho một số cán bộ, lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà chứ không chọn người tài.

Trả lời về việc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình theo quy định. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện thì phải đưa ra và rút lại những quyết định đã bổ nhiệm.

Có thể quy định là vậy, nhưng thực tế vẫn có những chuyện đáng buồn xảy ra ở một số địa phương thời gian qua: Không ít cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, được kỳ vọng là những "hạt giống đỏ" của đất nước nhưng khi được cất nhắc, bổ nhiệm giữ những trọng trách quan trọng đã sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng, bị kỷ luật.

Hoặc có trường hợp được bổ nhiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn, không đúng quy trình, có dấu hiệu "nâng đỡ không trong sáng". Mới đây nhất là trường hợp bổ nhiệm cán bộ ở Bắc Ninh khiến dư luận không khỏi băn khoăn, và theo thông tin (chưa chính thức) thì cơ quan chức năng đã yêu cầu xem xét lại.

Từ thực tế này phải thẳng thắn đặt câu hỏi vì sao nhiều cán bộ vừa được bổ nhiệm đã bị kỷ luật? Vì sao dư luận còn hoài nghi về không ít trường hợp được bổ nhiệm? Trả lời trên báo chí, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) Đào Duy Quát nêu thực tế: Khi cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhiều người hay đặt câu hỏi "đồng chí này là con của đồng chí nào?".

Trước đây, có nhiều đồng chí lãnh đạo cho con em mình đi bộ đội, xuống cơ sở để rèn luyện, phấn đấu và nhiều người đã trưởng thành. Hiện nay, chắc chắn chúng ta cũng không thiếu con em các đồng chí lãnh đạo được đào tạo bài bản, tự khẳng định bằng những nỗ lực tự thân mà không có "bóng mát", trải thảm của cha, ông, thì tội gì tổ chức không cất nhắc.

Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp lợi dụng "con ông cháu cha" và những người lãnh đạo đó không chú ý giữ vững phẩm chất, đạo đức, nghĩ đến lợi ích gia đình, sử dụng quyền lực của mình để đưa con cháu vào bộ máy... Những trường hợp này dứt khoát cần lên án. Cán bộ lãnh đạo trẻ, dù là "con ông cháu cha" hay là con nông dân cũng phải trải qua quá trình rèn luyện từ thực tế, đi lên từ cơ sở chứ không có chuyện tạt ngang, được bổ nhiệm, cất nhắc theo kiểu "thần tốc"- ông Quát nhấn mạnh.

Công tác cán bộ là then chốt dù đây là việc rất khó và đôi khi còn nhạy cảm. Vậy nên những người làm công tác tổ chức phải công tâm, trong sáng, đặt lợi ích chung lên trên hết để lựa chọn cán bộ "chín" về mọi mặt. Và phải là "chín cây" chứ không phải "chín ép".

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chin-cay-chu-khong-chin-ep-1596682589713.html