'Chim sẻ' Việt mở lối bay thẳng qua Mỹ

Mỹ là thị trường quan trọng của hàng xuất khẩu Việt Nam. Nếu các tập đoàn quốc tế chọn Việt Nam chỉ để gia công rồi xuất đi thì nhiều DN nhỏ - được mệnh danh 'chim sẻ' Việt - tự tin xuất hàng Made in Vietnam qua Mỹ.

Tìm lối đi đánh hàng sang Mỹ

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Mỹ và một số quốc gia ASEAN... kéo theo đó là các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch như cách ly xã hội ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế và giao thương.

Tuy nhiên, hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều có tăng trưởng tốt. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu sang Mỹ vẫn đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3%.

Việc xuất khẩu sang Mỹ duy trì mức tăng trưởng khá cao cho thấy thị trường này vẫn là mảnh đất giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Chế biến và xuất khẩu thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết, từ tháng 7, xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Công ty được kỳ vọng hồi phục hoàn toàn khi các bang đã cho phép các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại. Bỏ giãn cách xã hội, nối lại các hoạt động giao thương kinh tế, đồng nghĩa với sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường này hồi phục nhanh trở lại.

CTCP May Sông Hồng là DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ cho biết đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này vẫn ổn định. Các khách hàng của Công ty như Wal-mart, Cosco vẫn duy trì đơn hàng và các cam kết như trước đại dịch Covid-19.

Nhà máy gạch nhựa SPC đạt tiêu chuẩn GreenGuard Gold để xuất hàng vào Mỹ.

Nhà máy gạch nhựa SPC đạt tiêu chuẩn GreenGuard Gold để xuất hàng vào Mỹ.

Từ tháng 9/2019, Tập đoàn Hoàng Gia đã hợp tác với Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê thành lập liên doanh sản xuất Gạch nhựa hèm khóa SPC với mục tiêu xuất khẩu tập trung vào Mỹ. Đến tháng 6/2020, nhà máy gạch SPC đi vào hoạt động với công suất 8,7 triệu m2/năm đạt tiêu chuẩn GreenGuard Gold - sạch, thân thiện với môi trường đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ. Những lô hàng đầu tiên đã sang Mỹ và đến tháng 8sẽ có mặt trên các kệ hàng.

Gạch nhựa SPC (Stone Plastics Composite) là xu hướng vật liệu xây dựng mới trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm gần đây với lớp lõi gồm bột đá CaCO3 và nhựa PVC. Với những đặc tính như khả năng chống nước, không co ngót khi thay đổi nhiệt độ, mối mọt, duy trì độ ổn định của bề mặt sàn... Tại thị trường Mỹ, mới xuất hiện trong 2 năm, loại vật liệu này đã chiếm tới 50% thị phần ván sàn… vượt ngoài dự kiến của các nhà phân phối vật liệu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cũng tiết lộ, vừa qua, Sunhouse đã đón nhận hai dự án liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để xuất khẩu đèn LED đi Mỹ. Đây là lĩnh vực khá mới mẻ với DN nhưng chỉ trong 3 tháng đội ngũ cán bộ đã đưa nhà máy vào vận hành.

“Ngon” nhưng không dễ

Mỹ là thị trường “màu mỡ” nhiều doanh nghiệp hướng đến, nhưng đây cũng là một trong những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thế giới. Do đó, để xuất khẩu hàng vào Mỹ, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng không ít các điều kiện.

Ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Gia chia sẻ: Thị trường Mỹ với 300 triệu dân và có mức độ chịu chi cao nhất thế giới. Người dân có thói quen thay đổi nội thất nhà mỗi khi thay đổi khách thuê cũng như văn hóa tự tay làm mới ngôi nhà mình ở sau vài ba năm. Bởi vậy, sức tiêu dùng vật liệu tại thị trường Mỹ thường đứng đầu thế giới. Đây là tiềm năng cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam.

Công nghệ hèm khóa cho phép gạch SPC thi công bằng tay, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng

Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Asean chia sẻ với báo chí, thị trường Mỹ không hề dễ vào với nhiều yêu cầu, điều kiện về phẩm cấp hàng hóa khắt khe, nhưng nếu đã bước qua được cánh cửa ban đầu này, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với thị trường rộng lớn, liên tục tăng trưởng. Có một điểm mà doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý là hiện nay các tập đoàn lớn của Mỹ chủ yếu tập trung cho phát triển các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, năng lượng, nên các ngành sản xuất, chế biến của nước ngoài có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường này.

Ông Đinh Việt Anh cho biết: Xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp Việt phải đảm bảo khả năng cung ứng hàng ổn định, ở quy mô lớn. Ngay trong giai đoạn thăm dò thị trường hiện nay, một nhà phân phối đã yêu cầu Hoàng Gia - Pha Lê phải đạt 50 container/tháng”. Do đó, ngay từ khi vận hành nhà máy số 1, DN đã có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy số 2 tại Hải Phòng.

Bên cạnh đó, các DN cần có bước đi thông minh để tiếp cận thị trường 1 cách nhanh nhất. Kinh nghiệm của Hoàng Gia và Pha Lê là đã thực hiện M&A 2 doanh nghiệp phân phối vật liệu tại Mỹ để sẵn sàng cho việc thành lập các cứ điểm bán hàng tại đây. Lãnh đạo Công ty này tiết lộ sẽ M&A thêm 2 công ty phân phối nữa của Mỹ để không chỉ xuất hàng sang Mỹ mà còn trở thành một phần của thị trường Mỹ.

Nói về việc xuất khẩu hàng sang Mỹ, lãnh đạo Sunhouse cho rằng DN cần quan tâm hệ thống quản lý toàn diện: Từ chăm sóc con người, tuân thủ luật pháp… để đảm bảo đơn vị cung ứng không vi phạm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuối cùng, cần tập trung đào tạo, hướng dẫn người lao động về kỷ luật lao động, năng lực vận hành.

"Các yếu tố mình có phải đồng bộ. Chuẩn bị mặt bằng, con người, hệ thống sản xuất để có thể đạt được 7-8 điểm theo mong ước của họ. Nếu họ cần 10 mình chỉ có 1-2 thì họ sẽ lắc đầu", ông Phú cho biết.

“Việt Nam có điểm cực kì yếu là kỉ luật trong sản xuất. Ngoài ra, hiếm doanh nghiệp nào đạt được khả năng đáp ứng các quy trình quản lý chất lượng của những tập đoàn lớn. Đó là các điều kiện liên quan như hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảo vệ con người, tiền lương, thưởng, tránh đình công, an toàn lao động hay môi trường”, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh doanh nghiệp phải lưu ý các điểm này vì “xin chứng chỉ xuất khẩu vào Mỹ đòi hỏi rất nhiều thứ”.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang Mỹ tại hội thảo về chủ đề này vào năm 2019, ông Erik Frankel, Giám đốc Công ty Vietsway cho hay, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch xuất khẩu hàng hóa một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu cẩn thận thị trường cũng như các phương thức, thủ tục xuất khẩu.

Ngoài ra theo các chuyên gia, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hiện nay, doanh nghiệp cần làm việc nghiêm túc để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam, tránh tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này.

H.Duy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/chim-se-viet-mo-loi-bay-qua-my-658036.html