Chim Rặt rặt

Đất lành, chim đậu, không chỉ nghĩa bóng của thành ngữ mà đúng cả nghĩa đen. Ít nhất tôi nói thế. Vườn nhà tôi xưa, nhiều chim, nhất là Rặt rặt. Chúng làm tổ trên cây cau, trong các ống 'đòn đôông' đầu hồi. Xưa nhà nông dân sau lũy tre làng, mái lợp tranh, rui, mè chủ yếu đẵn tre vườn. Trong các đầu ống tre làm đòn đôông ấy là nơi làm tổ lý tưởng của Rặt rặt. Tránh mưa bão cho chim non và bố mẹ lý tưởng vô cùng. Mùa đông lại còn ấm nữa.

Rặt rặt tình tự. Nguồn: Internet.

Bọn Rặt rặt liên tục réo ngoài sân. Chúng nhảy xuống sân phơi thóc, nhấm nhẳng vài hạt rồi gọi nhau i ới. Rặt rặt là cách gọi xứ Nghệ với loài chim Sẻ nâu, vốn thân thiện với mỗi làng quê. Chúng nó cũng như trẻ con, không chỉ vì tiếng gọi ríu ran. Thời tôi còn bé, đói lắm ăn đủ thứ, nếu bỏ vào mồm yên cái bụng đang réo. Mây xanh, ổi xanh, dái mít, chua me đất....Không như đám trẻ bây giờ, bánh sữa đầy ra, ít đứa để ý.

Rặt rặt cũng thế. Thời người đói, chó đói, gà đói, trâu bò đói, chim trời cũng đói. Đến hạt thóc chim sà xuống nhặt, từng đàn nhé, bà tôi cũng giao nhiệm vụ phải đuổi. Thóc đầy ra, chim trời dẫu ít đi, nhưng mời Rặt rặt cũng điệu đà, nhấm nhẳn.

Đất lành, chim đậu, không chỉ nghĩa bóng của thành ngữ mà đúng cả nghĩa đen. Ít nhất tôi nói thế. Vườn nhà tôi xưa, nhiều chim, nhất là Rặt rặt. Chúng làm tổ trên cây cau, trong các ống “đòn đôông” đầu hồi. Xưa nhà nông dân sau lũy tre làng, mái lợp tranh, rui, mè chủ yếu đẵn tre vườn. Trong các đầu ống tre làm đòn đôông ấy là nơi làm tổ lý tưởng của Rặt rặt. Tránh mưa bão cho chim non và bố mẹ lý tưởng vô cùng. Mùa đông lại còn ấm nữa.

Rặt rặt, người bạn thân thiết

Rặt rặt, người bạn thân thiết

Thường đến mùa sinh sản, chim bố, chim mẹ bảo nhau thau rơm vào lót ổ, đẻ trứng và ấp nở. Tôi không phải nhà sinh học, chưa hỏi ông Google nhưng nhớ lại, mỗi tổ thường 4 – 5 con. Thời con ít, bọn trẻ hay bắt tổ chim, lấy chim con, ở tuổi sắp ra ràng cho vào chuồng để nuôi.

Chim làm tổ trên cây cau thì bắc thang trèo lên, dùng cây nứa để chọc. Chim làm tổ trong đòn đôông thì dùng “tay mây”luồn vào, kéo ra. Tay mây có gai, tổ dễ dính vào, rất dễ kéo ra.

Nghĩ lại thấy mình thật có tội. Chim non được thả vào chuồng, đan bằng nứa. Nuôi một thời gian, chim lăn ra chết. Làm gì có kinh nghiệm nuôi chim như bây giờ. Chim non được cho ăn bằng những hạt cơm, dính nơi đáy bát thì làm sao chim sống được. Hết lứa chim này lại chờ lứa chim khác. Bây giờ, những đôi Rặt rặt ngoài kia đang hót. Hình như biết tôi về chúng nó thay nhau “tố cáo” tội lỗi ngày xưa. Trong ký ức tôi, những đàn chim bố mẹ bay lên hoảng loạn, kêu cứu trong tuyệt vọng. Một thời mình đã làm những việc thật tệ với Rặt rặt. Rặt rặt ơi, mày có tha thứ lỗi lầm xưa được không?

...

Mình chẳng nghĩ nhưng về già mới biết

con người như Rặt rặt cả thôi

rặt rặt giống phận người...

nháo nhác!

(Chim Rặt rặt)

Sau này, trong bài thơ “Chim Rặt rặt” tôi đã có lời hối lỗi. Nhắc đến đồng quê, không ai không nhớ Rặt rặt. Tuổi “trẻ trâu”, không ai không nhớ những đôi chim Rặt rặt. Mùa này đang ở cữ hôn phối của loài chim đồng quê, bình dị này. Nó là một phần của cánh đồng, của quê hương. Thân thương quá đỗi. Tiếc rằng, bây giờ con người săn đuổi Rặt rặt đến tận diệt. Trên các trang báo đầy rẫy các bài báo hướng dẫn, giới thiệu món ăn “Chim sẻ chiên giòn”...Lòng bỗng nhói đau lần nữa./.

Tản văn Ngô Đức Hành

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chim-rat-rat-a3180.html