Chim quý phải ở lồng son

Tôi nhớ mãi có câu: 'Chim khôn nghe tiếng rảnh rang. Người khôn cất tiếng dịu dàng dễ thương'... Đó là những ký ức chợt hiện về, khi tôi trở lại làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội cùng với tiếng chim hót ríu ran vào một buổi sáng mùa xuân...

Hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn nhớ ông nội đã từng làm một chiếc lồng chim nhỏ cho tôi chơi. Đó chỉ là con chào mào mà tôi cùng bạn bẫy được bên rặng tre. Chiếc lồng tựa như căn nhà xinh xắn, đung đưa, mỗi khi chim nhảy nhót, vỗ cánh. Ông còn dậy tôi đánh đàn bầu và ngâm nga những lời thơ về chim muông.

Tôi nhớ mãi có câu: “Chim khôn nghe tiếng rảnh rang. Người khôn cất tiếng dịu dàng dễ thương”... Đó là những ký ức chợt hiện về, khi tôi trở lại làng Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội cùng với tiếng chim hót ríu ran vào một buổi sáng mùa xuân.

Hỡi cô thắt dải bao xanh

Hình ảnh hiện lên trước mắt tôi là những cây tre phơi, rải khắp các bờ tường nhà đá ong, dọc trên đường đi. Đây đó tiếng đục đẽo cưa xẻ rè rè vang lên. Tôi như lạc vào một đại công xưởng, ồn ào, lấp lánh những lồng chim treo trên chùm dây thép, chờ phun dầu bóng. Nghe nói trong làng có đến 90% hộ theo nghề làm lồng chim. Nhà nào nhà nấy đều ngổn ngang tre trúc, gỗ mây.

Khi được giới thiệu đến gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ (60 tuổi), không khí còn tấp nập hơn, vì cuối năm vào đợt trả hàng tết. Tôi hơi e ngại vì sợ làm phiền, nhưng ông Nghệ lại hồ hởi kéo tay tôi vào nhà, rồi đọc sang sảng mấy câu đối: “Môn đa khách đáo thiên tài đáo. Gia hữu nhân lai vạn vật lai”.

Nghĩa là “Cửa nhiều khách đến nhiều tiền đến. Nhà có người vào lắm vật vào”. Tôi ớ người một lát rồi mới nhận ra sự khéo léo của người nghệ nhân qua câu nói. Chả trách xưa cổ nhân làng có câu: “Hỡi cô thắt dải bao xanh. Có về Canh Hoạch với anh thì về. Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề. Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua?...”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ.

Thấy tôi tò mò hỏi chuyện về làng, ông Nghệ nói thực ra nghề làm lồng chim có từ lâu đời, cùng với nghề làm quạt. Cách đây vài trăm năm, đã có người làng Canh Hoạch vào tận Huế để đan lồng chim cho các công tử, con quan lại triều Nguyễn. Ngày ấy lồng chim làng Vác (tên nôm của Canh Hoạch) đã có tiếng bền đẹp và đục chạm đế lồng theo tích cổ. Sau này, ông nội của nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ là cụ Tý đã vào thành làm lồng chim, bán cho khách Tây chơi.

Sau thời cuộc chiến tranh loạn lạc, cụ Tý trở về làng kêu gọi con cháu và bà con cùng đan lồng chim vào những ngày nông nhàn. Nhưng có lẽ cụ vui nhất khi có người con trai cả là Nguyễn Đức Nghi (bố của ông Nghệ) nối dõi, khéo tay hơn người. Sau khi cố Tý mất thì tiếng tăm của nghệ nhân Nguyễn Đức Nghi càng nổi bật. Riêng về loại lồng chim nuôi họa mi của cụ Nghi thì nức tiếng khắp vùng. Họ còn đặt biệt danh cho nghệ nhân Nguyễn Đức Nghi là Ba Mi vì thán phục bàn tay tài hoa này.

Kể đến đây ông Nghệ chợt nhớ, khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ đã về làng đặt bố ông làm một số lồng chim để treo ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Đó là một niềm vinh dự cho cả nhà. Nghệ nhân Ba Mi suy tính suốt đêm và đã mạnh dạn nhận lời. Sau mấy tháng trời, theo lời hẹn, ông Vũ Kỳ đã cùng các cán bộ về tận nơi lấy hàng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ nói, đó chính là những chiếc lồng chim đẹp nhất trong cuộc đời của cha ông. Cho đến nay, ông Nghệ vẫn nhớ lời cha dặn khi còn nhỏ, ngôi nhà của chim đẹp, chim cũng khôn và hót hay hơn. Chính vì thế trong dân gian mới có câu: “Chim hay cất tiếng ra ràng. Nhảy trong lầu ngọc cả làng cùng nghe”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ là người con trai duy nhất trong gia đình theo nghề của bố truyền lại. Mọi kỹ năng, nghệ thuật chạm khắc ông đều nhanh chóng học hỏi từ khi còn nhỏ, nên thường được bố sai làm khi vắng nhà.

Nào mẫu lồng nuôi chim sáo, chim cu gáy, chim họa mi, nào mẫu lồng nuôi chim yến, chích chòe lửa, chào mào, chim khướu… ông Nghệ đều thuộc nằm lòng và thường xách đồ theo bố đi đây đó đan lồng theo yêu cầu khách hàng. Các cụ nói, thú chơi chim, luyện chim hót hay hết sức công phu. Có những con chim quý giá đến hàng chục triệu. Chính vì thế chiếc lồng chim cũng được các nghệ nhân quan tâm. Họ muốn dựng nhà cho chim phải thật sang trọng, bởi: “Chim quý phải ở lồng son”. Chính vì thế trong nghề đan lồng chim cũng lắm chuyện không ngờ…

Làm lồng cho người không chơi chim

Có một chuyện mà nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ nhớ mãi, vào thời điểm cuối thập niên 70, sau khi đất nước mới thống nhất, còn nhiều khó khăn. Vậy mà có người vẫn về làng đặt làm lồng chim. Anh ta có những yêu cầu khá cầu kỳ, từ tay cầm đến vành đế, vành lưng, vành chóp. Ba ngày sau đến nhận hàng, anh ta đắc ý ra về. Nhưng chỉ hai hôm sau anh ta quay lại đặt ông làm tiếp chiếc lồng chim nữa, y như cái trước. Lần này anh ta còn đặt cọc một nửa tiền, nhưng lại đòi thời hạn nhận hàng sớm hơn một ngày.

Ông Nghệ cũng liều nhận lời, và thức đêm để làm mới kịp thời gian. Cứ thế anh ta còn quay đi trở lại nhà ông đến mấy lần nữa để đặt hàng. Cả nhà ông cứ thắc mắc không hiểu anh ta có mối khách nào lại mua may bán đắt đến thế. Dò hỏi mãi, sau đó mới có người mách, mỗi chiếc lồng chim anh ta đã gửi vào Sài Gòn, đổi lấy một chiếc xe cup (xe bãi) Nhật. Bởi thời điểm mới thống nhất đất nước, những chiếc xe Cup là ước mơ của nhiều người thành phố. Người nuôi chim trong Sài Gòn chịu chơi lắm, họ mua xe Cup tôm đổi liền lấy một chiếc lồng chim, do chính ông làm.

Mẫu lồng chim cu gáy.

Sau này, có những khách hàng không chơi chim cũng tìm đến làng đặt làm lồng chim theo yêu cầu. Họ có lý riêng của mình. Cái lồng với những mẫu độc đáo, được làm bằng những vật liệu khác với tre trúc, như gỗ quý, hay sừng ngà, hoặc khắc chạm ốc đỏ thì giá trị còn hơn một con chim hót hay. Chỉ ngắm chiếc lồng quý cũng trào dâng cảm xúc với vẻ đẹp của nó. Bởi đó chính là một tác phẩm nghệ thuật, với những bàn tay tài hoa, phối hợp các hình loại mỹ thuật khác nhau như điêu khắc, kiến trúc, khảm trai, sơn mài, với thiết kế hài hòa.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ khẳng định đây là những khách hàng đặc biệt, đòi hỏi cao và chỉ những nghệ nhân điêu luyện về tay nghề mới thể hiện được. Có người còn chụp ảnh những chiếc lồng đẹp ở nước ngoài về đặt làm. Ông kể có người chịu chơi như anh Phạm Thế Anh, một doanh nghiệp trẻ ở Bát Tràng, có hàng chục chiếc lồng để bày trong nhà chơi không như vậy. Có chiếc lồng được định giá hàng chục triệu.

Ông Nghệ cười nói, may trong làng cũng có nhiều nghệ nhân tài hoa mạnh dạn làm những chiếc lồng chim độc và lạ, theo đòi hỏi của khách hàng. Đó là những nghệ nhân giỏi như Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Thanh Sứ, Trần Văn Toản, Trần Văn Lập, Đào Văn Vững, Lương Văn Vỹ…

Riêng anh Vững còn làm một chiếc lồng kỳ quái, cao tới 3m, đường kính lồng 1,2m, theo yêu cầu của một tay chơi chim ở Sài Gòn. Riêng cánh chơi chim Việt kiều lại hay chọn mặt hàng có chạm khắc những tích cổ như Thập Bát La hán; Bát Tiên; Cửu long chân châu; 108 anh hùng Lương Sơn Bạc; Vinh quy bái tổ… Chính vì thế, người làng Canh Hoạch làm được đủ hình dạng lồng, thích hợp với từng loại chim, do khách yêu cầu.

Mai điểu đón xuân

Hiện nay, con cháu của nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ cũng được truyền ngọn lửa đam mê tạo dựng những tác phẩm nghệ thuật bằng song mây, tre, trúc cho người chơi chim ở khắp nơi. Đó là đời thứ tư trong gia đình ông. Nhất là con trai ông hiện rất say mê làm các mẫu lồng quả đào, với ý triết lý sâu xa của những người sành chơi chim cu gáy. Đó là biểu tượng của chữ Phúc, kèm với nét điêu khắc 5 con dơi cách điệu, mang ý nghĩa Phúc-Lộc-Thọ-Hỷ-Tài (Ngũ phúc lâm môn) đem lại sự bình an trong mỗi gia đình.

Đặc biệt nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ còn nhớ, mới đây ở làng còn có nghệ nhân dựng chiếc lồng điêu khắc hình tượng “Mai điểu đón xuân”. Vòng quanh chiếc lồng là những chi tiết về hoa mai và nhiều loại chim quý đang cất cánh ca múa chào đón nắng ấm. Đó là một vườn xuân đầy tiếng chim ca hội tụ trên chiếc lồng. Đây là tác phẩm nghệ thuật cao cấp do một khách hàng đến đặt hàng theo mẫu lồng Trung Hoa cổ đẹp lộng lẫy.

Từ thú chơi chim, hầu hết ai cũng đều có thêm sở thích chơi lồng đẹp, rất tự nhiên. Mỗi mẫu lồng thích hợp với từng loại chim, và tôn vinh giọng hót, giọng gù của chim. Tất nhiên, chiếc lồng này không hề nuôi chim thật, mà người chơi luôn tưởng tượng ra cả một vườn chim hoan ca mỗi khi ngắm lồng thưởng ngoạn trong tiết xuân về…

Vương Tâm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/chim-quy-phai-o-long-son-483857/