Chim phóng sinh bị cắt cánh: Phóng sinh hay phóng... tử?

Khi những chú chim đã lấy hơi rừng làm không khí nay phải hít khói ô tô, xe máy trong đô thị, những chú cá yếu đuối trong trang trại bị thả ra sông lớn hoặc ngược lại, thì chúng phải sống tiếp thế nào?

Những ngày tháng Giêng này, đâu đâu cũng thấy người ta bàn về dâng sao giải hạn với phóng sinh. Ngày diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, người ít thì 1-2 con, người nhiều cả chục con chim sẻ để trong lồng chờ để được phóng sinh. Vậy nhưng, nhiều con bị người bán cắt cánh để sau khi được phóng sinh không bay nổi. Sau đó chúng được mua đi bán lại hay vào nhà hàng thì không ai biết. Nhìn những chú chim ủ rũ, mệt mỏi không thèm bay thấy thực sự ám ảnh.

Tôi từng có dịp được tham gia một buổi phóng sinh với chị bạn ở Hồ Tây. Hôm ấy lúc góp tiền công đức tôi gửi thầy 20.000 đồng còn chị thì nhiều hơn. Thấy bảo để chuẩn bị cho buổi phóng sinh này chị đã mua đến 7 triệu tiền cá, ốc, lươn, trạch. Và mỗi tháng 4 lần đều đặn từng ấy tiền được chi cho buổi phóng sinh cuối tuần của chị.

Con số 7 triệu hẳn chưa là gì vì có những người thậm chí còn chi tới 2 chục, 3 chục triệu mua rùa từ Campuchia về Việt Nam phóng sinh.

Tôi tự hỏi tại sao người ta sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn đến như thế cho một lần phóng sinh? Tìm hiểu thì thấy sách nhà Phật lý giải, phóng sinh đơn giản là coi tính mạng các loài vật như tính mạng mình, là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống.

Thế nhưng ngẫm lại, những con cá, ốc, lươn, trạch và những chú chim phóng sinh nhưng bị cắt cánh ấy, chúng có thực sự được phóng sinh và cả những người đang mang danh phóng sinh ấy, họ có đang phóng sinh thực sự?

Những chú cá đang bơi lội dưới nước, những chú chim đang tự do bay lượn bỗng một ngày đẹp trời bị sa lưới. Vậy là, đang yên đang lành chúng bị bắt nhốt để phục vụ cho việc chờ ngày được… phóng sinh.

Nhưng

“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra”.

Và dù có ra được thì ở một môi trường mới, chúng có tiếp tục được ‘sinh’ hay lại bị ‘diệt’? Khi những chú chim đã lấy hơi rừng làm không khí phải hít khói ô tô, xe máy trong đô thị, những chú cá yếu đuối trong trang trại bị thả ra sông lớn hoặc ngược lại, thì chúng phải sống tiếp thế nào? Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp cá bị thả xuống ao, hồ ô nhiễm không được sống tiếp chỉ sau vài ngày phóng sinh.

Vấn đề này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả Đài Loan (Trung Quốc) cũng rất quan ngại. Theo cảnh báo của Hiệp hội Môi trường và Động vật Đài Loan, hằng năm có hàng chục triệu loài sinh vật bị chết, môi trường sống của sinh vật bị đảo lộn do hoạt động phóng sinh diễn ra rầm rộ. Tình trạng này ảnh hưởng nặng nề tới mức họ phải đề nghị Chính phủ ban hành đạo luật cấm phóng sinh.

Tết qua chưa lâu nên xin được gợi nhắc. Nếu để nói phóng sinh vào thời điểm nào là tốt nhất thì tôi cho rằng đó chính là Tết. Những ngày đầu xuân năm mới hẳn là thời điểm thích hợp cho những ai muốn hành thiện, phát tâm bồ đề. Thế mà nhiều người trong năm thì mải mê đi phóng sinh, mấy ngày Tết lại chẳng ngại ngần ‘hóa kiếp’ cho 2-4 con gà.

Thiết nghĩ nếu ai đó có tâm thiện lành, muốn cứu vớt chúng sinh thì thay vì mâm cao cỗ đầy dịp Tết, chúng ta cứ thành tâm làm mâm cơm chay cúng tổ tiên. Có lẽ tổ tiên cũng vui mừng.

Phóng sinh là một việc làm tốt tuy nhiên mang danh phóng sinh để bắt nhốt con vật vốn đang tự do rồi phục vụ cho nhu cầu của bản thân, hơn nữa lại không đảm bảo được môi trường sống cho chúng, thì đó chắc chắn là... phóng tử.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Sơn Ca

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chim-phong-sinh-bi-cat-canh-phong-sinh-hay-phong-tu-a423154.html