Chile - vùng đất hình trái ớt kỳ dị và tuyệt mỹ

Đi từ bất ngờ này đến ngất ngây khác, thiên nhiên biến hóa đầy ngoạn mục của dải đất hình trái ớt Nam Mỹ khiến bất cứ ai cũng phải cảm thán.

Tôi ngồi xuống một tảng đá bên hồ, mệt lả. Những giọt mưa lạnh buốt thấm vào từng tế bào trong cơ thể, thỉnh thoảng tạt ngang theo cơn gió tốc mấy hạt mưa đá. Run rẩy, sương mù đầy ma mị tràn xuống khung cảnh trước mặt, bao phủ lấy ba đỉnh núi đá granite đang sừng sững chọc thủng trời mây, trong khi hồ nước xanh ngọc đến không thực bên dưới sóng vỗ dạt dào.

Tôi chỉ có ít thời gian ngồi đây giữa những tạo tác 12 triệu năm tuổi, trước khi vội vã một mình xuống núi để hoàn thành nốt quãng đường 25 cây số cheo leo.

Torres del Paine, một hành tinh khác ở Chile

Sau hơn một tháng lang thang Chile và kinh ngạc đến nghẹt thở vì vẻ đẹp kỳ vĩ, ngoạn mục của thiên nhiên dải đất hình trái ớt, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến vùng đất huyền thoại Torres del Paine.

Từ những đỉnh núi phủ tuyết mùa hè với hình dáng kỳ dị bị xói mòn bởi thời tiết khắc nghiệt, đến các sông băng khổng lồ trải dài hàng kilomet, những mặt gương hồ màu lam ngọt ngào, vỗ sóng trong một ngày mùa hè gió thổi bay mọi thứ, rồi rừng rậm ẩn giấu các con sông và suối uốn lượn… Tất cả điều ấy biến công viên quốc gia này trở thành thiên đường cho dân leo núi và đi rừng đến từ khắp nơi trên thế giới.

Torres del Paine là một trong những công viên lớn nhất và có nhiều người ghé thăm nhất ở Chile, dù để đến được đây chẳng dễ dàng gì. Hoặc là phải bay (dù là từ nội địa Chile), hoặc phải đi xuyên biên giới Argentina bằng xe buýt. Diện tích của công viên này rộng mênh mông với 227.298 ha. Từ lâu, Torres del Paine được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO.

Cũng như bao người, tôi đến Torres del Paine vào mùa hè - mùa thời tiết dễ chịu nhất, nhưng cũng là mùa đông đúc nhất. Vì ai cũng đến công viên mùa này để tranh thủ một ngày dài với Mặt Trời chiếu sáng suốt 17 tiếng đồng hồ. (Bạn không đọc nhầm đâu. Những ngày này, Mặt Trời sẽ mọc lúc 5 giờ sáng và không đi ngủ trước 10 giờ đêm).

Khắp các ngả đường trong công viên khổng lồ, bạn dễ dàng bắt gặp hàng nghìn người mải miết leo núi và đi bộ đường trường hơn chục cây số mỗi ngày, ba lô ghìm chặt hai vai trên những cung đường W, O, Q nổi tiếng.

Nếu không hứng thú với việc đeo balô nặng trĩu ngày qua ngày, bạn vẫn có thể thưởng ngoạn Torres del Paine theo cách chọn những cung đường mình thích và đi leo núi trong ngày. Trong đó, hành trình đáng đổ mồ hôi nhất là vượt qua 25 cây số đường núi để leo lên chiêm ngưỡng Tháp Núi Xanh (Torres del Paine) - biểu tượng của công viên.

25 km này là đường đi của đủ mọi cung bậc cảm xúc, xuyên qua mọi loại địa hình núi đá, rừng cây với hoạt động trèo đèo, lội suối liên tục. Chỉ trong một ngày mà con đường gian nan ấy lúc nắng, lúc mưa, lúc sương mù dày đặc và có lúc gió bạt mạnh đến mức tôi có cảm giác chỉ một chút nữa thôi là mình sẽ bay luôn xuống vực sâu hun hút bên dưới. Quãng đường đi khi dốc đứng đến nhìn thôi đã chóng mặt, lúc toàn đá tảng chắn hết tầm nhìn, chỗ thì nước chảy trơn trượt không cẩn thận là ngã.

Như mọi cuộc leo núi, khúc đường gian nan nhất và thời điểm cực nhọc nhất chính là ngay trước khi leo lên đến đỉnh. Người có động lực đều có thể leo lên đến vị trí này, nhưng chỉ những ai thực sự quyết tâm mới tiếp tục cho đến cuối cuộc hành trình.

Vừa rời rừng xanh nắng ấm, tôi ngán ngẩm nhìn đỉnh núi lổn nhổn đá trước mặt. Trời bỗng rùng mình chuyển sang mưa đá và nhiệt độ đột nhiên tụt hẳn 10 độ C. Mệt nhoài vì đã leo liên tục suốt gần 4 tiếng đồng hồ, đầu gối mới phẫu thuật được vài năm của tôi bắt đầu biểu tình, lưng tôi bắt đầu đau và sự hăm hở trong tôi gần như biến mất.

Tôi hớp một ngụm nước suối lạnh buốt vừa hứng bên đường, rồi cắm cúi gan lì leo tiếp. Mới ngày hôm qua thôi, tôi còn không tin mình có thể leo được lên đến đây. Giống mọi cuộc leo núi khác, tôi biết khung cảnh mình có thể thấy được từ trên đỉnh núi luôn xứng đáng với công sức bỏ ra.

Và quả như vậy thật. Vào giây phút 3 tháp núi màu xám hiện ra sau điệp trùng đá tảng, tôi tưởng mình vừa lạc vào khung cảnh ở hành tinh khác. Ba đỉnh núi, với đỉnh cao nhất Cerro Paine Grande cao 3.500 m so với mực nước biển, đang vươn lên trên bầu trời trắng xóa bảng lảng mờ sương.

Bên dưới, lớp băng tuyết trắng bám chặt lấy sườn núi, trong khi những thác nước nhỏ liên tục chảy xuống mặt hồ màu lam ngọc kỳ ảo. Những vân đá hay sự xói mòn của thời gian in hằn lên dọc theo sống núi, khiến sự thô ráp của ba đỉnh tháp tương phản hoàn toàn với sự yêu kiều của mặt gương hồ dưới chân tôi. Đã 12 triệu năm trôi qua và những tạo tác thiên nhiên này vẫn đứng đây như thách thức thời gian.

Tôi ngồi đó, như mê đi trong lúc gió vẫn tốc cả cơn mưa vừa trút xuống, người ướt nhèm và sương mù cản hết tầm nhìn trên đỉnh tháp. Phía xa, một hai chú cáo, tôi không rõ là cáo xám hay cáo Andean vừa kịp lẩn khuất sau tảng đá to. Tự nhiên tôi thấy ghen tỵ với chúng, khi ngày ngày được chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ dị lộng lẫy này.

Uống cocktail ở sông băng màu xám khổng lồ

Torres del Paine có rất nhiều sông băng, nhưng nổi tiếng và hùng vĩ nhất phải nhắc đến Grey. Ở vùng đất Patagonia, mặc dù không lớn bằng Perito Moreno - sông băng có quy mô lớn hàng đầu thế giới, Grey đặc biệt theo cách rất riêng.

Ngoài sắc xanh vốn có thay đổi độ đậm nhạt theo ánh sáng Mặt Trời, sông băng Grey còn được điểm xuyết bởi rất nhiều dải băng màu xám. Các "mảnh vụn" màu nâu xám này được tạo thành từ quá trình sông vắt qua thung lũng, kéo theo sự tích tụ của đất và đá. Tôi để "mảnh vụn" vào trong ngoặc kép là vì các dải băng này chỉ "vụn" với quy mô của sông băng thôi, nhưng đối với con người chúng ta, chúng vẫn đồ sộ vô cùng.

Sông băng Grey đổ ra hồ cùng tên và do địa hình núi ngáng đường, dòng chảy chia làm 3 nhánh rõ rệt. Tôi thật kinh ngạc khi biết sông băng này dài tới 28 km, rộng 6 km, cao hơn 30 m, tổng diện tích đo vào năm 1996 là 270 km2. Grey "chảy" từ dãy núi Andes của Patagonia ở phía tây và đổ vào hồ, tạo nên cảnh tượng hết sức hùng vĩ.

So với Perito Moreno bên Argentina, sông băng Grey rất thú vị nhờ sự khác biệt trong các đường nứt đầy phức tạp, chủ yếu tạo thành do việc chia ba xẻ bảy trước khi đổ xuống hồ Grey. Đứng trên tàu, tôi mải mê ngắm, gần như bị mê hoặc với các đường nứt đẹp đẽ, khiến Grey trông như tấm thảm băng được dệt với các hoa văn nổi đầy ngẫu nhiên và độc đáo.

Vì tác động biến đổi khí hậu, cũng như nhiều sông băng khác, trong nhiều năm qua, Grey bị mất khá nhiều khối băng, chúng đổ sụp xuống hồ tạo thành những khối băng trôi nổi tự do. Các khối băng sừng sững nổi trên mặt hồ màu xám, đến nỗi tôi có thể dễ dàng nhìn thấy từ trên thuyền hay lối mòn đi bộ. Mỗi ngày, khách lên tàu như tôi sẽ được uống cocktail Pisco kiểu Chile, bỏ thêm vài viên đá lạnh vớt lên từ băng dưới hồ. Cứ như là trên đời này chẳng còn gì sướng hơn thế!

Thánh đường cẩm thạch tuyệt mỹ giữa lòng hồ

Khi mới đặt chân đến hồ General Carrera của Chile, tôi gần như bị ngất ngây bởi dãy núi Andes phủ tuyết trắng xóa giữa mùa hè. Khác với kiểu thời tiết lạnh lẽo và ẩm ướt của khu vực xung quanh, dân sống ở hồ General Carrera được hưởng khí hậu nắng ấm đến lạ.

Hồ nước này không chỉ nổi tiếng bởi sắc xanh lam đặc biệt, mà còn là nơi ẩn giấu một trong những hệ thống hang động lạ lùng nhất thế giới.

General Carrera là nơi bạn có thể tham gia cuộc phiêu lưu vào những hang động vô cùng độc đáo có tên Marble Caves mà chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Người ta ví Marble Caves như kho báu tự nhiên bị cô lập nhất trên thế giới.

Ở đây, bán đảo với hằng hà sa số các hang động bằng đá cẩm thạch khổng lồ sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi lớp lớp những hình thù vừa kỳ dị, vừa tuyệt mỹ như một tác phẩm điêu khắc.

Trong làn nắng ấm mùa hạ, thuyền của tôi lướt đi trên làn nước xanh lơ mơ màng, vốn tạo thành từ dòng chảy của các sông băng trong khu vực Patagonia. Màu xanh lam đặc biệt này tạo thành chính từ các hạt vốn nằm trong sông băng. Khi băng tan, nhiều hạt nhỏ vẫn lơ lửng trong nước.

Phần nước băng tan hơi đục và chính điều đó tạo thành hiệu ứng khác thường ở hồ nước này: băng khúc xạ sắc xanh trong ánh sáng Mặt Trời và khiến nước hồ General Carrera có màu xanh lam khác hoàn toàn so với các hồ nước khác.

Trên nền của màu xanh kỳ ảo ấy, con thuyền trôi từ hang động này sang hang động khác, đưa tôi lạc vào mê cung đường cong yêu kiều của đá. Bạn chắc chắn sẽ như tôi, ngơ ngẩn ngắm nhìn vô số mê cung, cột đá và đường hầm đá.

Những "tác phẩm điêu khắc" này được đặt tên "Thánh đường cẩm thạch", "Nhà nguyện" và "Hang động". Thỉnh thoảng, khi tôi mải ngước nhìn, cả một mái vòm đá hiện ra trên đầu với những đường nét cầu kỳ đầy ngẫu nhiên. Hẳn không người nghệ sĩ nào ngoài thiên nhiên có thể làm được điều đó.

Trong suốt hơn 6.000 năm, sự xói mòn mạnh mẽ bởi nước hồ chạm trổ các hang đá cẩm thạch với những đường nét hoàn hảo như tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ thiên tài. Những cột đá vốn chỉ có hai màu đen trắng, bỗng khoác chiếc áo kỳ diệu màu ngọc lam của nước, lấp lánh ánh Mặt Trời. Hệt như một giấc mơ đích thực cho những người yêu thích nhiếp ảnh.

Ở vùng đất của những Moai khổng lồ

Năm rưỡi sáng, tôi cầm lái chiếc xe quad 4 bánh men theo con đường tối dọc bờ biển đến Ahu Tongariki. Biển Thái Bình Dương khi ấy không gì khác ngoài một màn đêm đen bao la kéo dài lên tận trời. Nếu duy trì tốc độ hiện tại, tôi có thể đón ánh Mặt Trời đầu tiên ghé đến đảo Phục Sinh (hay Rapa Nui theo ngôn ngữ bản địa), hòn đảo xa đất liền nhất có người sinh sống trên hành tinh.

Ahu Tongariki không đơn giản là một công trình kiến trúc, mà còn là đỉnh cao của tất cả công trình Moai linh thiêng nhất được xây dựng trên đảo Rapa Nui. Với 15 bức tượng Moai đặt trên bậc đá dài gần 100 m, Ahu Tongariki là công trình có nhiều Moai nhất của đảo.

Thứ khiến Ahu Tongariki trở nên đặc biệt hơn cả là khung cảnh hùng vĩ xung quanh. Thái Bình Dương mênh mông xanh thẳm, núi lửa Poike có tuổi đời lớn nhất trên đảo và những vách núi đá dốc thẳng đổ xuống mặt biển tạo thành những vịnh nhỏ êm đềm. Mỗi ngày, Mặt Trời chầm chậm trồi lên khỏi mặt biển, nhuốm không gian trong sắc cam pha tím hồng ngọt ngào và bừng sáng các Moai.

Rapa Nui là nơi duy nhất trên hành tinh có thể tận mắt chiêm ngưỡng những bức tượng Moai khổng lồ. Gần một nghìn tượng Moai có khả năng gây ấn tượng mạnh với hình dạng kỳ dị: mũi to, cằm rộng, tai dài hình chữ nhật và đặc biệt là khe mắt to và sâu.

Phần lớn Moai được chạm khắc ở một "xưởng" và vận chuyển ra những vị trí nằm gần biển, nơi có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Một số Moai được đặt trên bệ đá trong tư thế ngồi xổm, có những Moai khác chôn sâu trong lòng đất và chỉ trồi lên phần thân trên. Tay được chạm khắc đặt ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Moai không có chân.

Tất cả Moai đều được người Rapa Nui chạm khắc từ đá nguyên khối, dù kích thước chỉ cao dưới 1,5 m hay đến cả 10 m. Moai cao nhất được dựng lên ở đảo là Paro nặng 74 tấn. Tuy nhiên, Paro vẫn chưa là gì so với El Gigante - Moai chưa bao giờ được hoàn thành và vẫn nằm tại sườn núi Rano Raraku tặng tới 136 tấn.

Rapa Nui có nhiều hơn là các Moai. Hòn đảo này còn làm tôi say đắm với những hang động dẫn thẳng ra mặt biển bao la, bãi biển cát mịn yên bình, con người bản địa hiền hòa và bầu không khí thư thái đến lạ lùng.

Tôi ở đảo suốt một tuần mà không hề biết chán. Có lẽ hòn đảo này là nơi mà tôi gặp những người Chile "ngầu" và dễ thương nhất. Từ 2 vị chủ nhà ngày nào cũng mời tôi rượu uống và không chịu lấy tiền trọ cho đến tận ngày cuối cùng; đến 2 ông chú câu cá ngoài biển sẵn lòng chỉ tôi thả câu với một chiếc dây cước, rồi mời đến nhà tối đó để ăn cá nướng; cả một ông chú khác đã dành cả thời tuổi trẻ để du lịch vòng quanh thế giới, ló đầu ra khỏi vườn nhà mời tôi vào uống một ly nước mát giữa trưa nóng…

Núi lửa nhả khói đằng sau sân nhà và sông băng treo vắt vẻo trên núi cao

Tôi cá rằng ai cũng sẽ cảm thấy vừa phấn khích vừa lạ lùng với ý tưởng mỗi sáng đẹp trời có thể ra sau vườn phơi nắng, trong lúc ngắm nhìn núi lửa phủ tuyết trắng xóa nhả khói lên trời. Điều ấy hoàn toàn có thể xảy ra ở Pucon hay Puerto Varas.

Bạn thậm chí còn có thể leo lên miệng núi lửa lạnh lẽo ấy nếu thích, quan trọng là đủ sức khỏe cho hành trình vắt kiệt sức nhưng đáng công. Villarrica, ngọn núi lửa trông thật yên bình từ thị trấn Pucon, thực ra lại là một trong những núi lửa phun trào thường xuyên nhất Mỹ Latin. Thỉnh thoảng, trong lúc đang nằm ngoài vườn, tôi rùng mình với ý nghĩ ngọn núi sau lưng chỉ mới vừa phun trào cách đây 5 năm.

Chile có con số đáng ngạc nhiên 2.000 núi lửa, hơn 500 trong số đó vẫn có khả năng thức giấc trở lại. Nằm trên "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương, quốc gia này quá quen với các vụ động đất và phun trào núi lửa. Khoảng 60 núi lửa phun trào trong vòng 450 năm trở lại đây ở Chile, một trong số đó vẫn đang nhả khói mỗi ngày đằng sau sân nhà trọ tôi ở.

Miền Nam Chile càng đi càng đẹp, nhưng khí hậu cũng khắc nghiệt vô cùng. Khái niệm "mùa hè" chắc không bao giờ tồn tại ở đây, vì buổi sáng tôi có thể thức dậy với nhiệt độ bên ngoài chỉ 3-4 độ C, trời mây mù giăng kín đường đi và gió thổi mạnh đến nỗi muốn bay luôn cả người. Tôi không dám tưởng tượng thời tiết sẽ như thế nào khi đông đến.

Một sáng nọ, tôi quyết định đi công viên Queulat. Hành trình đi và về trong mưa cùng gió rét cắt da mất khoảng 16 tiếng đồng hồ. Dù vậy, tôi quyết đi cho bằng được, chỉ để đứng trước sông băng treo Ventisquiero Colgante đang vắt vẻo trên núi cao.

Tôi đã ngắm nhìn nhiều sông băng trong đời, nhưng không có sông băng nào giống Ventisquiero Colgante. Ngay từ lúc ở trên đường cao tốc Austral, dòng sông băng đã hiện ra giữa ngút ngàn xanh mướt của núi và rừng mưa nhiệt đới.

Không giống những sông băng khổng lồ khác tràn xuống mặt hồ ở đoạn cuối cùng, Ventisquiero Colgante có cách "kết thúc" ấn tượng hơn nhiều. Cheo leo 1,4 km giữa hai ngọn núi, sông băng Ventisquiero Colgante khởi nguồn từ trên cao và đổ xuống mặt đất bằng hai thác nước cao 600 m.

Tôi ngồi trên thuyền, ngắm nhìn như thôi miên cảnh tượng từng tảng băng đổ sụp xuống như tiếng sấm rền vang giữa khung trời rộng, tạo thành dòng thác chảy trôi xuống lòng hồ Laguna Témpanos lạnh ngắt màu xanh lục.

Chile có quá nhiều cách để cho người ta phải mở mắt!

Một số kinh nghiệm du lịch Chile

Với những ai muốn lên kế hoạch khám phá đất nước hình trái ớt Chile vô vàn điều lý thú và mang đến các trải nghiệm thực sự đáng giá trong cuộc đời, sau đây là một số lưu ý dành cho bạn:

- Người Việt Nam du lịch Chile không cần Visa. Thời hạn lưu trú là 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

- Giống Brazil, việc di chuyển trong nội địa Chile khá dễ dàng bằng máy bay hoặc buýt. Mạng lưới xe buýt cũng rất chuyên nghiệp, rộng khắp và dễ di chuyển. Xe có nhiều hạng ghế khác nhau, tùy thuộc vào túi tiền và nhu cầu thoải mái của bạn.

- Chile là một trong các quốc gia có chiều dài lớn nhất thế giới. Do đó, thời tiết ở các vùng rất khác biệt. Hãy chuẩn bị tinh thần để sống bốn mùa trong một ngày hoặc khi di chuyển từ Bắc xuống Nam. Thời tiết khó lường nhất là ở công viên quốc gia Torres del Paine.

- Để tới Rapa Nui (đảo Phục Sinh) bạn sẽ phải bay từ sân bay Santiago. Trước khi lên máy bay, bạn buộc phải điền form online, khai các thông tin cơ bản về chuyến đi ra đảo, bao gồm tên, số hộ chiếu, tên khách sạn. Nếu không có form này, bạn không được bay. Tất cả cơ sở lưu trú ở Rapa Nui đều có dịch vụ đưa đón sân bay miễn phí. Khách du lịch đến đảo bắt buộc phải mua vé tham quan, vé giá 80 USD, bạn có thể trả bằng USD hoặc tiền Chile đều được. Phần lớn điểm tham quan bạn có thể đến nhiều lần, 2 điểm bạn chỉ có thể đến một lần duy nhất là Orongo và Rano Raraku.

Đinh Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chile-vung-dat-hinh-trai-ot-ky-di-va-tuyet-my-post1094903.html