Chiêu trò qua mặt thanh tra, kiểm soát của các cựu lãnh đạo DongA Bank

Với nhiều hợp đồng vay vốn khống, bị cáo Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) chỉ đạo thuộc cấp chi khống để mua cổ phần DAB. Tuy nhiên, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vẫn không thể phát hiện, do các bị cáo đã lên kế hoạch qua mặt thanh tra, kiểm soát từ trước.

Vụ án Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng cho DongA Bank đang được Tòa án Nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử. Khai báo tại tòa, bị cáo Bình cho biết, sở dĩ DongA Bank “qua mặt” được Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khi đã âm quỹ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (hơn 25.0000 tỷ đồng) là trước khi thanh tra, NHNN báo trước vài ngày để DongA Bank chuẩn bị nội dung cho việc thanh tra.

Nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ thì bị cáo Bình chỉ đạo nhân viên điều chuyển các khoản chi khống tới chi nhánh khác, nơi Ngân hàng Nhà nước không thanh tra.

Đồng thời, bị cáo Bình nói rằng, một khi tiến hành kiểm toán nội bộ DongA Bank thì chỉ tiến hành thực hiện tại một số đơn vị, tức trên nguyên tắc chọn mẫu. Kiểm toán theo mẫu, nhưng kết quả phải ghi nhận cho toàn bộ Ngân hàng. Bởi theo ông Bình, nếu kiểm toán hết 220 địa điểm DongA Bank chi phí sẽ rất lớn, công việc cũng không làm xuể.

Nhưng hậu quả theo đó dẫn đến việc bị cáo Bình đã thực hiện nhiều hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng tại DongA Bank.

Trả lời tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Cúc, nguyên Trưởng ban Kiểm soát DongA Bank cho biết, bản thân bị cáo không trực tiếp kiểm tra, mà nhận báo cáo từ Phòng Kiểm soát, Ban Kiểm soát nội bộ. Đầu năm 2012, thấy dấu hiệu nợ xấu của DongA Bank không thực, bị cáo làm văn bản gửi Hội đồng quản trị, Ban điều hành Ngân hàng đề nghị xử lý nợ xấu của toàn Ngân hàng, đề nghị sắp xếp lại toàn bộ các khoản nợ xấu thực.

Năm 2012, qua kiểm tra 7 - 10 chi nhánh, nợ xấu DongA Bank lên tới hơn 30%. Bị cáo có làm văn bản gửi ông Bình đề nghị kiểm tra toàn hồ sơ tín dụng, tài sản thế chấp và hướng xử lý.

Tuy nhiên, theo lời khai của bị cáo Cúc, với nhân sự 3 người, bị cáo không thể kiểm tra toàn diện Ngân hàng, hàng năm chỉ có thể kiểm tra 5, 7 đến 10 chi nhánh, kiểm tra tới đâu thì gửi báo cáo tới Ban lãnh đạo Ngân hàng để xử lý. Còn bị cáo làm Trưởng ban Kiểm soát không chuyên trách, không nhận lương.

Trong khi đó, cáo trạng xác định, bị cáo Cúc thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, chỉ đạo các thành viên Ban Kiểm soát DongA Bank kiểm tra các báo cáo tài chính, các hoạt động hạch toán, tài chính và kho quỹ của DongA Bank trong thời gian dài, đã tạo ra điều kiện để bị cáo Trần Phương Bình và bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các đối tượng liên quan thực hiện nhiều hành vi phạm tội từ năm 2007 đến năm 2015 để Trần Phương Bình chiếm đoạt 2.007 tỷ đồng, Nguyễn Thị Kim Xuyến chiếm đoạt 40 tỷ đồng và gây thiệt hại cho DongA Bank đến 1.561 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, trên vai trò Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 2.057 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.551 tỷ đồng, gây thiệt hại tổng cộng cho DongA Bank hơn 3.608 tỷ đồng.

Từ năm 2007 đến năm 2014, Trần Phương Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các nhân viên thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Bình và người thân để mua cổ phần của DongA Bank.

Để bù đắp số tiền thu khống, Trần Phương Bình chỉ đạo xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán số tiền mua cổ phần. Trần Phương Bình đã chiếm đoạt của DongA Bank 1.160 tỷ đồng trong việc mua hơn 74 triệu cổ phần DAB của chính DongA Bank.

Vi Nguyễn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/chieu-tro-qua-mat-thanh-tra-kiem-soat-cua-cac-cuu-lanh-dao-donga-bank-250675.html