Chiêu thức cũ - nạn nhân mới

Cơ quan CSĐT, CA huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên vừa điều tra, triệt phá ổ nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu thức thông báo trúng thưởng qua điện thoại. Đây là một trong những chiêu thức lừa đảo rất cũ và quen thuộc nhưng vẫn có nạn nhân mới sập bẫy. Nguyên do vì sao?

Nhóm đối tượng gây nên vụ lừa đảo mới xảy ra tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên gồm 3 gã thanh niên trẻ tuổi cùng quê tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gồm: Nguyễn Văn Đức, 24 tuổi; Trương Công Pháp, 21 tuổi và Nguyễn Văn Nhật, 19 tuổi.

Là những kẻ nghiện game nên khi không có tiền chơi game và tiêu xài, cả 3 tên rủ nhau lập kế hoạch để lừa đảo với chiêu thức gọi điện thông báo trúng thưởng. Theo chúng, “bình” này tuy cũ nhưng nếu biết cách rót “rượu” mới vào thì “người uống vẫn say”; nghĩa là chiêu thức có thể rất cũ nhưng chúng sẽ khiến nạn nhân ăn quả lừa bằng những lời lẽ “đi vào lòng người nhất, thuyết phục nhất”.

Để diễn bài lừa, 3 đối tượng rủ nhau đi vào khu vực rừng sâu, vắng người qua lại và dùng những chiếc điện thoại “cùi bắp” đời cũ của mình phân công nhau gọi điện. Các đối tượng cho hay, chúng bấm số ngẫu nhiên và chỉ cần qua câu chào hỏi ban đầu là đã biết ai có thể lừa được.

Những chiếc điện thoại “cùi bắp”- phương tiện các đối tượng gọi cho nạn nhân T để lừa đảo. Ảnh: T.H

Mới đây, chúng gọi vào số của chị Nguyễn Thị T, 33 tuổi, trú tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chúng nói, chị đã may mắn trúng giải nhì trong chương trình bốc thăm may mắn trúng thưởng nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Ngân hàng Vietcombank. Phần thưởng chị sẽ nhận là một sổ tiết kiệm trị giá 250 triệu đồng và một xe máy Honda trị giá 42 triệu đồng.

Mới nghe thế, giọng chị T đã run lên vì bất ngờ và vui sướng. Đoán được tình thế “cá đang cắn câu”, chúng chuyển máy cho nhau, người giới thiệu là nhân viên; người xưng Tổng GĐ Ngân hàng Vietcombank đồng thời đưa một số lý do như chuyển tiền để kích hoạt hồ sơ trúng thưởng, chọn biển số và đăng ký xe… để chị T gửi tiền cho chúng. Chị T tin và đồng ý làm theo hướng dẫn và nhiều lần chuyển tiền bằng hình thức nạp thẻ cào điện thoại cho các đối tượng với số tiền 96 triệu đồng.

Bước lừa đảo chị T sẽ trót lọt và hoàn hảo nếu các đối tượng không “thấy bở đào tiếp”. Đó là chúng nói chị T lại chuyển thêm 30 triệu tiền mặt vào tài khoản của anh Đào Văn Đạt (ở Hà Nội) - là người cùng chơi game với Đức. Khốn nỗi, nhận tin nhắn báo tiền đến, anh Đạt nghĩ có người chuyển nhầm tiền nên đã chuyển trả lại. Từ việc này, chị T mới tỉnh ngộ, giật mình phát hiện mình bị các đối tượng lừa đảo và báo CA.

Theo nhận định của cơ quan CSĐT, CA huyện Tiên Lữ thì chị T không phải là trường hợp duy nhất bị nhóm đối tượng này lừa đảo nên đề nghị ai là nạn nhân của nhóm đối tượng lừa đảo trên, liên hệ ngay với CA huyện Tiên Lữ để phối hợp giải quyết.

Liên quan đến các hành vi lừa đảo phổ biến dạng này, có thể kể đến chiêu thức bày đặt yêu đương trên mạng, lừa tình rồi lừa tiền; giả danh cán bộ CA, cán bộ tòa án, viện kiểm sát, nhân viên sân bay, nhân viên ngân hàng… gọi điện cho các nạn nhân để lừa tiền.

Thông qua các phương tiện truyền thông, lực lượng CA đã đưa ra nhiều lời cảnh báo đối với người dân trong việc nâng cao cảnh giác của mình trước những cuộc gọi, tin nhắn đáng ngờ nhưng vẫn có nạn nhân mới sập bẫy. Một trong những nguyên nhân là do nạn nhân thường âm thầm một mình làm theo hướng dẫn của đối tượng mà không kể hay chia sẻ việc mình đang làm với người thứ 2; do đó họ cứ thực hiện các thao tác chuyển tiền, chuyển khoản mà không có người ngoài cuộc phân tích để ngộ ra vấn đề.

Đa số sau khi đã thực hiện một hoặc một số thao tác chuyển khoản, chính nạn nhân lại là người đầu tiên nhận ra việc mình bị lừa. Vậy nên, điều các nạn nhân cần làm đầu tiên là chia sẻ với người thân, bạn bè sau khi nhận được những cuộc điện, tin nhắn có dấu hiệu lạ; tránh việc trở thành nạn nhân một cách bẽ bàng trước thủ đoạn… quá xoàng của kẻ lừa đảo.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chieu-thuc-cu-nan-nhan-moi-132674.html