Chiều thẳng đứng

Ca mổ thất bại, vị giáo sư già và cậu học trò cũng không còn trẻ nữa đứng lặng người bên cạnh bệnh nhân.

Tuy không tử vong, nhưng liệt nửa người. Cục máu đông quái ác nằm trong lòng động mạch cảnh đã bay lên làm tắc mạch não trước khi ống thông động mạch luồn vào đến nơi để lấy nó ra. Người nhà bệnh nhân vây xung quanh, họ nhìn vị giáo sư và Minh với cặp mắt thông cảm. Ca bệnh khó quá mà, may có thầy không thì người nhà chúng tôi đã mất.

Lâu lắm rồi, Minh mới thấy có những người thật sự thông cảm với anh, với những người thầy thuốc vì trong những trường hợp như thế này thường họ làm ầm ĩ lên, thóa mạ thầy thuốc, những người mà vài phút trước đó họ còn kính cẩn nói những lời cầu xin có cánh. Có những lần còn đòi kiện lên cả Giám đốc và lôi cánh báo đài vào cuộc nữa. Trăm thứ nhọc nhằn, nghiệt ngã của nghề.

 Minh họa: An Chi

Minh họa: An Chi

Buổi chiều, phòng mạch vắng khách, lại đọc báo, lại xem ti vi và dạy con học. Tiếng chuông vang lên, chị giúp việc báo mời bác sĩ xuống khám bệnh. Một chị trạc ngoài tứ tuần, bế đứa nhỏ mới ba tháng. Thu đúng là Thu rồi, tôi hỏi con em hả? Thu cười em bằng này tuổi mà còn sinh được sao? Cháu nội đấy, con ai vậy? Con thằng Hoàng.

Ồ thằng Hoàng đã có con rồi sao? Minh còn nhớ đã hơn 20 năm qua, Minh - một thầy thuốc vừa ra trường lần đầu tiên bất chấp dư luận, bất chấp bao lời khuyên can của những bậc tiền bối nào là: Em là người được nhà nước đào tạo bài bản, là hạt giống đỏ tương lai của đất nước sau này, em cần phải học thêm nữa để sau này còn lên làm giáo sư nối tiếp truyền thống gia đình nữa, vân vân và vân vân, còn bao nhiêu chuyện nữa điên cả cái đầu.

Một buổi chiều, trong căn nhà nhỏ đầu hẻm với ba bốn cái xuyệc, một phụ nữ trẻ bế đứa nhỏ cũng bằng thằng bé này đến khám. Cháu bị sốt đã ba ngày. Tại sao chị không đưa đến bệnh viện, không đi đến những người bác sỹ khác mà đưa đến tôi? Phụ nữ trẻ: Tôi cũng không biết nữa, nhà tôi ngay đầu ngõ, tôi định đưa cháu vào bệnh viện, nhưng có bà cạnh nhà nói: Trong hẻm có một bác sỹ mới mở phòng mạch con đem cháu vào thử coi. Biết đâu phước chủ may thầy? Thế là đã hơn 20 năm rồi ư? Nhanh quá.

Thời gian nhanh quá, thằng bé mà tôi săn sóc từ khi ba tháng tuổi đến giờ đã thành người bố và con của nó lại tin Minh, đến với Minh như một người thân trong gia đình. Bao nhiêu mệt nhọc, bao trăn trở khổ đau của một ngày làm việc thất bại đã trôi qua, chỉ còn lại một cảm giác êm đềm nhẹ nhõm và hạnh phúc trào dâng trong lòng Minh. Sao bác sỹ lại khóc? - Thu hỏi. Không tôi bị bụi rơi vào mắt lúc buổi chiều khi đi làm về - Minh nói dối. Anh chợt nhớ đến câu chuyện ly cà phê muối mà anh mới đọc được ngày hôm qua trên mạng.

Sáng hôm sau, Hùng rủ Minh đến thăm vị trưởng khoa đã về hưu từ 5 năm trước. Nghe nói anh cũng đã yếu lắm rồi, bệnh Parkingson làm tay chân anh run rẩy. Bàn tay lần mãi mới tìm ra chùm chìa khóa để mở cánh cửa sắt nặng nề bước vào một căn nhà u ám. Hình như lâu lắm rồi cánh cổng này không được mở. Hồi còn đang chức, chính anh là người phản đối Minh quyết liệt, thậm chí có lần còn đòi đuổi việc anh vì đã làm phòng mạch.

Thật là xấu hổ, thật là đau lòng khi mà trong một tập thể mọi người đều quên mình vì công việc chung như thế này mà lại có một kẻ thay vì nghỉ ngơi, tập luyện thể thao sinh hoạt văn nghệ, thậm chí đi nhậu để hòa mình và đi sâu đi sát với quần chúng thì cứ 4 giờ chiều lại về ngồi “câu từng con cá” làm mất điểm thi đua của cả khoa.

Minh đã bao nhiêu lần thanh minh, thanh nga với bác sỹ trưởng khoa là: Cuộc sống của mình còn khó khăn, phải làm thêm để có điều kiện tài chính mà nuôi vợ con nữa chứ. Với vài đồng lương còm cõi, không bổng lộc, không phong bì không hiểu sống làm sao?

“Cậu lại ăn phải bả của bọn Tư sản rồi! Chúng đang tìm cách đánh vào tầng lớp trí thức và những hạt giống đỏ như cậu đấy. Thế thì hỏng to rồi còn gì là Y đức nữa”. Minh cắn răng ngồi nghe, thôi anh cứ nói và tôi vẫn cứ nghe dù gì đi chăng nữa đừng đuổi việc tôi là được rồi.

Nhiều bữa quá quẫn trí, Minh ước ao giá mình là trưởng khoa nhỉ, để làm gì? Để sáng nào cũng vậy, trước cửa phòng trưởng khoa trong cái bệnh viện to kềnh càng này, hơn một chục người ngồi đợi để vào tiếp kiến anh, một thầy thuốc tận tụy vì mọi người. Người thì phong bì, kẻ thì túi quà họ mang đến để đền ơn anh, trả ơn những việc anh đã giúp họ bằng chính phương tiện vật chất của nhà nước mà họ đã phải đổ xương máu và họ đã phải trả bằng thuế để xây dựng lên. Sau đó là màn đi duyệt mổ, bệnh nhân nào được anh chọn mổ đều sướng rơn lên như bắt được vàng, anh nói to cho mọi người kể cả thân nhân bệnh nhân nghe thấy ca này tôi mổ ngày mai nhé.

Buổi chiều, anh không về nhà ngay mà nán lại phòng trưởng khoa đến tận sáu giờ. Về làm gì, lúc này cơm vợ nấu chưa chín, loáng quáng đi ra ngoài đường gặp vài thằng bạn nó lại kéo đi nhậu thì mệt lắm. Lại ba, bốn người nữa xin gặp và lại phong bì, túi quà. Đã thành lệ, nếu không có phong bì hay túi quà, ca mổ ngày mai sẽ bị hoãn bằng mọi cách, đã trở thành luật không ai có thể thoát được và sau đó vào buổi giao ban sáng ngày hôm sau anh lại cao giọng nói với chúng tôi về y đức, về những ước mơ bay bổng của một con người thành đạt.

Thế rồi, năm tháng trôi qua anh đã đạt được tất cả những gì mà một người như Minh nằm mơ cũng không thấy nổi: Giàu sang, phú quý, danh vọng và sự nể trọng của nhiều người. Ngày anh về hưu, cũng trống dong cờ mở, nhưng chỉ nửa tháng sau anh lại đến khoa với vẻ mặt ủ rũ buồn rầu: Buồn quá Minh ơi, không có ai để nói chuyện, không có việc gì làm. Sao anh không xin làm ở bệnh viện tư. Mình có xin rồi nhưng họ không nhận. Đúng họ không nhận là phải, bây giờ người ta hơi bị tinh, những người luôn khoác trên mình bộ áo đạo đức giả như vậy thì khó làm việc trong môi trường này lắm. Ở đây người ta không cần khẩu hiệu, không cần những lời dạy dỗ suông sáo rỗng và nhất là họ cần những con người thật dám sống hết lòng.

Một buổi chiều, anh đến phòng mạch của Minh, nhân lúc vắng bệnh anh nói: Minh tha lỗi cho anh nhé, những gì anh đã làm trong thời gian vừa qua. Bây giờ mình thèm được như bạn, có bệnh nhân có bạn bè để tâm sự, để khám bệnh, để câu cá nhặt vài đồng bạc lẻ, nhưng đó là niềm vui chân chính, niềm vui được sống bằng chính sức lao động của mình. Một niềm vui mà mình đã và không thể có được. Cậu tưởng mình vui lắm hay sao? Với nhà cao cửa rộng, xe pháo đề huề hay sao? Tiền ăn cắp đấy, tiền lừa đảo đấy, nhục nhã đấy. Anh gào vào mặt Minh.

Buổi chiều ngày thứ Bảy, kỷ niệm 10 năm ngày cưới, Minh dự tính nghỉ không làm phòng mạch để đưa vợ con đi chơi. Nhưng Hiền, vợ Minh không đồng ý. Em muốn chúng mình kỷ niệm ngày cưới ngay tại phòng mạch của anh cơ. Vui thú gì mà tổ chức ở dây. Thế anh không nhớ à đây là nơi mình gặp nhau lần đầu hay sao?

Đúng vậy, phòng mạch nhỏ nằm trong con hẻm với ba bốn cái xuyệc là nơi họ gặp nhau, khi ấy cô mới là sinh viên Y khoa năm thứ ba, con một vị giáo sư nổi tiếng. Hiền đến phòng mạch của Minh, làm anh rất đỗi ngạc nhiên: Cô nói với anh, em có mấy vỉ Analgin bố em mới mang từ Nga về, anh dùng hộ cho bệnh nhân dùm em nhé.

Sau này Minh mới biết, tuy bố Hiền là giáo sư nổi tiếng nhưng gia đình Hiền sống rất kham khổ, mỗi lần đi công tác nước ngoài bố Hiền chỉ khuân toàn sách là sách về. Mà sách có ăn được đâu? Vài lít xăng tiêu chuẩn cũng phải nhờ anh lái xe bán giùm để thêm chút thức ăn, thời buổi mà mọi người đều khổ cả. Có người nói, sao không mang bàn là hay thuốc tây về bán lời nhiều lắm.

Nhưng nói mãi cũng không được, ông nói sợ lắm, sợ người khác biết người ta cười cho và thế là cả nhà cứ đóng cửa lại ăn cơm với rau muống luộc. Có lần đánh bạo ông bố Hiền mua về được vài chục vỉ Analgin với ba cái bàn là, giấu giấu diếm diếm mãi, khi qua cửa hải quan là tim cứ đập loạn lên về đến nhà lại không dám đi bán nhờ hết người này người nọ. Sau phi vụ mua bán vài vỉ thuốc Analgin đó họ trở thành vợ chồng và cũng tại phòng mạch bé nhỏ ấy đó những đứa trẻ đã lớn lên khôn ngoan hơn cả cha mẹ chúng.

Sáng ngày thứ Hai, nghe tin một tờ báo đăng từ năm tới các bác sỹ làm bệnh viện công không được khám phòng mạch ngoài giờ nữa. Thật sửng sốt, thế là năm tới mình phải nghỉ làm phòng mạch, không được ngồi vào cái bàn khám bệnh nhỏ mỗi buổi chiều nữa hay sao? Không được vui với những niềm vui bé nhỏ của người bệnh và nói thật sợ, nhất là những buổi chiều trống vắng không biết làm gì, những bữa nhậu triền miên của lũ bạn vô công rồi nghề mà nếu không có lý do làm phòng mạch thì không thể tránh khỏi và còn nhiều nỗi sợ khác nữa, sợ phải làm bậy trong bệnh viện khi mà kinh tế quá quẫn bách hay vì những cám dỗ khác mà chắc gì mình đã vượt qua được?

Đêm từng đêm, những cơn mơ nặng nề về hình ảnh người trưởng khoa cũ ập về, nó như những oan hồn vật vờ nơi gốc cây bụi rậm chỉ chực chờ bóp cổ Minh, lôi anh vào một cuộc chơi tàn khốc mà anh biết mình khó dứt ra được.

Câu chuyện trên được Minh kể cho tôi nghe trong một buổi chiều rám nắng hoàng hôn trên đỉnh đồi có một ngôi đền thiêng trong quần thể di tích Ankor, lúc mặt trời đỏ ối đang rơi xuống đường chân trời từ hướng Tây theo chiều thẳng đứng.q

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truyen-ngan-chieu-thang-dung-345637.html