Chiêu mộ Lee Nguyễn, CLB TP.HCM không còn ăn 'bánh vẽ'?

CLB TP.HCM nỗ lực khuếch trương thương hiệu khi chi tiền mang về những ngôi sao tên tuổi, và Lee Nguyễn mới chỉ là bước đi đầu tiên.

1. Tháng 4/2017, CLB TP.HCM thi đấu bết bát ở V-League dưới thời HLV Alain Fiard - chiến lược gia từng dẫn dắt CLB Auxerre (Pháp). Đội bóng của Quyền Chủ tịch đội lúc ấy là Lê Công Vinh tung thông tin muốn chiêu mộ Dimitar Berbatov.

Làng báo xôn xao, khi Berbatov là cựu tiền đạo Manchester United, vẫn đẳng cấp ở tuổi xế chiều. Sau đó, không có chuyện gì xảy ra. Tin đồn CLB TP.HCM mua Berbatov tan biến như bọt nước.

Đầu mùa 2018, CLB TP.HCM lại "chơi lớn", mời Rodrigo Possebon đến thử chân và ký hợp đồng. Cũng giống Berbatov, Possebon từng đá cho Man Utd, là "thần đồng" được HLV Alex Ferguson kỳ vọng. Possebon đến, nhưng cũng không có điều đặc biệt gì xảy ra.

Berbatov từng được liên hệ đến CLB TP.HCM.

Berbatov từng được liên hệ đến CLB TP.HCM.

Possebon gặp chấn thương trước đó, về nước trong cuộc chia tay được nội bộ CLB khẳng định là "không êm thấm".

Đầu mùa 2020, CLB TP.HCM lại thử việc David N'Gog, chân sút từng khoác áo Liverpool và Paris Saint-Germain. Lần này thông tin uy tín hơn, bởi N'Gog sang Việt Nam thật. Anh kiểm tra y tế, tập thử với CLB, nhưng cũng sớm rời đi. Sau đó vài tuần, đến lượt Lee Nguyễn vào tầm ngắm CLB TP.HCM. Thông tin cũng rộ lên rồi chìm xuống.

2. Không nhiều đội gắn với tin đồn chiêu mộ ngôi sao như CLB TP.HCM. Dù không có được Berbatov, Possebon hay N'Gog, nhưng đội chủ sân Thống Nhất vẫn "lãi": tên tuổi xuất hiện thường xuyên, được biết đến nhiều hơn.

Nói nôm na, CLB TP.HCM chỉ lãi, chứ không lỗ khi tung tin đồn. Mua những ngôi sao như thế là chuyện giỏi, chứ không mua được là bình thường.

CLB TP.HCM cũng chịu khó đầu tư về hình ảnh từ khi thăng hạng năm 2017. Cựu Quyền Chủ tịch Lê Công Vinh khi ấy cho sang sửa phòng thay đồ theo "chuẩn quốc tế", lắp biển quảng cáo điện tử và trực tiếp ra quầy bán vé cho CĐV.

Sau mỗi trận đấu, dù thắng hay thua, Công Vinh cũng dắt CLB TP.HCM đi một vòng sân Thống Nhất cảm ơn CĐV. Khi đội thua, anh đứng ra xin lỗi. Hết hiệp 1 trận Cúp Quốc gia năm 2017, CLB TP.HCM đã thua tan nát 0-3 trước SLNA. Công Vinh phải đến tận hàng rào nơi CĐV CLB TP.HCM ngồi để giải thích tình hình.

Phòng thay đồ mùa 2017 của CLB TP.HCM.

Mục tiêu đánh bóng hình ảnh, làm thương hiệu được đội bóng duy trì đến nay, khi đưa về những thương hiệu "hút khách" như HLV Chung Hae Seong, hay cầu thủ Nguyễn Công Phượng, Bùi Tiến Dũng. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB băn khoăn khi CLB TP.HCM đá hay mà khán giả vẫn thưa thớt.

Mỗi trận đấu của đội có trên dưới vài nghìn khán giả đến xem. Ông Thắng khẳng định: phải có tên tuổi lớn, những cầu thủ đã bao hàm một lượng người hâm mộ sẵn có từ trước, CLB mới có sức hút.

CLB TP.HCM không thiếu tiền. Công Phượng, Tiến Dũng nhận lương cao so với mặt bằng. Đãi ngộ cho Chung Hae Seong và 2 trợ lý không thấp.

Khi đội hơi lênh đênh về thành tích, CLB TP.HCM sẵn sàng thay cả dàn ngoại binh. 8 cầu thủ ngoại đã được thay phiên sử dụng, trong đó hai cầu thủ từ Costa Rica ngốn 1 triệu USD, mà một người phải ra đi chỉ sau 8 trận.

CLB TP.HCM cũng thay luôn cả ban huấn luyện Hàn Quốc để dọn đường cho HLV Ailton dos Santos Silva (ChiangRai United).

CLB TP.HCM dùng 4 lượt HLV ngoại từ khi thăng hạng.

Nhưng cũng vì quá... nhiều tiền, có thể tiêu pha ở mức cao hơn nhiều so với các đội khác, CLB TP.HCM như chiến hạm mất lái. Một chuyên gia bóng đá từng khẳng định: đổi đội hình như "chong chóng", CLB TP.HCM không thể thành công.

Đội bóng vội vã thay đổi, mà mỗi lần mua cầu thủ hay thay HLV, không ai nhìn thấy định hướng hay ý đồ thực sự của CLB là gì. Hậu quả là càng thay, càng hỏng. CLB TP.HCM xếp hạng năm chung cuộc, dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua người.

3. Nói với VTC News, một lãnh đạo CLB khẳng định mua Lee Nguyễn cũng là một bước đi để nâng tầm giá trị CLB. Đúng, với các đội chuyên nghiệp, giá trị thương hiệu là yếu tố sống còn, nhưng thương hiệu mà không đi đôi với thành tích, chẳng khác nào "thùng rỗng kêu to".

Nếu Lee Nguyễn không đá tốt, thì giống như Chung Hae Seong, một thương hiệu lớn ra đi chỉ để lại ồn ào, chứ không đọng lại điều gì giữa dòng chảy ngồn ngộn, tàn nhẫn của thông tin. Sau những vụ đổ bể của Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn United hay Navibank Sài Gòn, chân đế niềm tin từ khán giả TP.HCM đang lung lay dữ dội.

Điều cơ bản nhất của bóng đá vẫn là phải chơi cống hiến và hiệu quả, thể hiện bằng thứ hạng, thành tích. Ở tuổi 34, Lee Nguyễn vẫn đẳng cấp, từng chơi bóng ở V-League và năng lực không phải bàn. 57 bàn thắng trong 8 mùa giải tại MLS (giải Nhà nghề Mỹ) là bảo chứng cho đẳng cấp của Lee Nguyễn. Nên nhớ, anh là tiền vệ trung tâm.

Lee Nguyễn tỏa sáng ở New England Revolution.

Đây cũng là lần hiếm hoi (cùng thương vụ mua Công Phượng), CLB TP.HCM đã có một hợp đồng với hàm lượng chuyên môn - thương hiệu ngang bằng nhau.

Những tân binh còn lại như Lê Sỹ Minh, Thân Thành Tín, Hồ Tuấn Tài, Phạm Văn Cường,... đều không ồn ào. Tuy nhiên, đấy có khi lại là thứ CLB TP.HCM cần. Những cầu thủ có thể phù hợp, ghép vào thành đội hình phù hợp,...

Họ cần những ngôi sao lớn, kiểu Lee Nguyễn, nhưng là để cống hiến, chứ không phải góp mặt để đánh bóng cho CLB rồi thôi. Một vài cầu thủ bình thường mà hiệu quả, hơn nhiều so với những "ông sao" tầm cỡ mà chỉ để lại số 0 về chuyên môn.

Bản hợp đồng với Lee Nguyễn sẽ giúp CLB TP.HCM được biết đến rộng rãi, nhưng thứ CLB thực sự cần là những bàn thắng của anh.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chieu-mo-lee-nguyen-clb-tphcm-khong-con-an-banh-ve-ar586135.html