Chiều lòng Israel, ông Trump có thể phải trả giá đắt

Bằng việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là mạo hiểm với quan hệ đối ngoại ở bên ngoài, Tổng thống Donald Trump đang muốn nắm lấy cái lợi thiệt thực trong nước trước.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: WSJ.

Mấy ngày trước khi thời hạn phải đưa ra quyết định kết thúc, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động tổng thể chung (JCPOA). Văn kiện này là kết quả đàm phán suốt 10 năm trời giữa 6 nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức với Iran, được ký kết hồi tháng 6.2015, được HĐBA LHQ phê chuẩn, chính thức có hiệu lực và được thực hiện từ đó đến nay. Nó được coi là thành tựu cầm quyền nổi bật của tổng thống Mỹ Barack Obama về đối ngoại và là thành công ngoại giao lớn nhất của EU cho tới nay. Quyết sách này của ông Trump không gây bất ngờ vì ông Trump xưa nay vẫn phê phán JCPOA, coi nó là "thỏa thuận tồi tệ nhất mà nước Mỹ đã từng ký kết" và trong vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ đã cam kết là rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận. Israel là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới chống phá không chỉ quyết liệt mà còn bằng mọi giá JCPOA. Ông Trump đã chứng tỏ là một trong những tổng thống Mỹ hữu hảo nhất với Israel. Ngoài ra cũng còn phải kể đến một thực tế mà ông Trump gần như cuồng tín với việc hủy hoại mọi dấu ấn cầm quyền của người tiền nhiệm. Và khi những cộng sự đối ngoại và an ninh thân cận nhất của ông Trump lại đều là những người hận thù không đội trời chung với Iran và như thể khi nào cũng sẵn sàng chiến tranh với Iran thì việc ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA là chuyện không còn có thể tránh khỏi được nữa.

Quyết sách này của ông Trump vì thế không gây bất ngờ gì, nhưng rất mạo hiểm về nhiều phương diện. Ông Trump hủy hoại JCPOA mà không có trong tay cái thay thế, đưa ra một quyết định quan trọng động chạm đến cả ổn định và an ninh của khu vực và thế giới mà không đi cùng chiến lược hay định hướng biện pháp chính sách đối phó với những hậu quả và hệ lụy của nó. Ông Trump làm hài lòng Israel, Ả rập Xê út và một vài đồng minh khác nhưng lại bất chấp mọi quan ngại và lợi ích của EU, làm sâu sắc thêm sự rạn nứt trong nội bộ các nước Phương Tây với nhau. Trước sau không nhất quán như thế với những thỏa thuận đa phương quốc tế, nước Mỹ không còn đáng được tin cậy nữa trong đàm phán và ký kết thỏa thuận.

Đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ leo thang căng thẳng và xung đột quân sự ở Trung Đông và vùng Vịnh giữa nhiều bên với nhau nói chung, giữa Israel và Ả rập Xê út với Iran nói riêng. Ông Trump đã quyết như thế thì Iran có lý do để khôi phục chương trình hạt nhân của mình, vấn đề hạt nhân của Iran không chỉ lại đặt ra mà còn khó có thể được giải quyết hơn trước. Tất cả những điều này làm cho khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh không thể có được hòa bình và yên ổn, an ninh và ổn định. Iran sẽ gặp khó khăn hơn nhưng cả Mỹ và đồng minh cũng không thể có được yên hàn.

Ông Trump dùng quyết sách này để chứng tỏ là kiên định thực hiện cam kết tranh cử và cũng có thể chơi đòn tâm lý với Triều Tiên. Bộ phận cử tri ở Mỹ ủng hộ ông Trump tâm đắc những quyết sách và hành động như vậy bất chấp mọi hậu quả và hệ lụy tai hại về đối ngoại của chúng. Ông Trump hiện lại rất cần tranh thủ bộ phận cử tri này để đảm bảo là Đảng Cộng hòa duy trì được quyền kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Hiện tại, ông Trump chỉ biết dọa chứ chưa có đối sách cho kịch bản Iran nối lại chương trình hạt nhân mà khả năng đó tuy không nhất thiết sẽ xảy ra nhưng không thể bị loại trừ. Người này đánh đổi cái mạo hiểm ở bên ngoài đối với nước Mỹ lấy cái thiết thực cho mình ở trong nước.

Lư Phổ Ân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/chieu-long-israel-ong-trump-co-the-phai-tra-gia-dat-874611.html