Chiêu hồn thị giác

Ngoài tác phẩm Truyện Kiều, trong kho tàng thơ ca của thi hào Nguyễn Du còn có kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh (hay còn gọi là Văn chiêu hồn) mà theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có thể Nguyễn Du đã sáng tác bài này trước cả Truyện Kiều, khoảng những năm 1802-1812.

Hơn hai thế kỷ sau, Phạm Trần Việt Nam – một nghệ sĩ trẻ đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm cách “thị giác hóa” 184 câu thơ viết bằng chữ Nôm của bài Văn chiêu hồn. Tác phẩm của anh, cũng lấy tên Văn tế thập loại chúng sinh đang được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, P. Thảo Điền, Q.2, TP. Hồ Chí Minh, từ 20.5 đến 13.7.2018).

Thật khó để định danh chính xác công trình tim óc của Phạm Trần Việt Nam; đó là một tổ hợp gồm loạt tranh sơn dầu khổ lớn và những dải tranh – sắp đặt hoành tráng dài hàng chục mét, có dải rộng đến 4 – 5m, được treo rủ từ trên cao rồi trải ra trên nền phòng triển lãm, đòi hỏi người xem muốn thưởng ngoạn thấu đáo phải có một quan sát tổng thể cho đến từng tác phẩm và cuối cùng là khám phá những chi tiết được thực hiện thật công phu, tỉ mỉ trong nhiều năm.

Phạm Trần Việt Nam (trái) trong ngày khai mạc triển lãm

Thật vậy, nếu loạt tranh sơn dầu được tác giả vẽ trong những năm 2011-2013 thì nhóm các dải tranh không thể gọi đơn giản là “vẽ”: Phạm Trần Việt Nam đã mất năm năm, 2013-2017, để “thử nghiệm cách tiếp cận “hội họa” một cách hoàn toàn khác, sử dụng các ngón tay hoặc tăm bông để bôi vẽ thay vì cọ hoặc bảng pha màu, đục thủng thay cho bôi xóa, chùi quệt đi thay vì vẽ màu trắng, cắt toàn bộ tranh cũ được vẽ từ năm 2005 trở đi để dán và thêu chúng trên nền một tấm toan mới” (thông tin của The Factory).

Chi tiết ở các dải tranh

Những tranh sơn dầu của tác giả là nỗi ám ảnh khôn nguôi về kiếp phù sinh, về cõi tạm và giấc nghìn thu, với những hình ảnh ma quái, tử thi, chết chóc, thê lương… những là “đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc/ quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa” và “thương thay thập loại chúng sinh/ hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”(*).

Còn những dải tranh phải chăng là cách anh lập một đàn cầu siêu cho những nỗi đau đớn, u buồn mà xã hội, nhân thế hôm nay đang phải gánh chịu trước những bạo ngược, bất công, áp bức cùng với những tai ương, thảm họa khủng khiếp của tự nhiên.

Các tranh sơn dầu tại triển lãm

Theo nhận định của nhà thơ Xuân Diệu thì trong nền thơ Việt Nam từ trước đến nay Văn chiêu hồn là “tác phẩm rất độc đáo về đề tài, hầu như là duy nhất, nói đến những người chết, nói đến cái chết dưới trăm tình thế, chưa có bài thơ nào mà tập trung nói đến những hồn người chết như vậy – và thực chất lại là sự ôm trùm rộng rãi những người sống”. Bài văn tế đề cập đến xã hội hồn ma như là “hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế”, song khác biệt ở chỗ không có giàu nghèo, sang hèn, chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn.

Dù tại Festival Huế 2012, nghệ sĩ tạo hình Tô Bích Hải đã lấy tên bài văn tế của thi hào Nguyễn Du đặt cho triển lãm các tác phẩm của bà, song công trình nghệ thuật đương đại của Phạm Trần Việt Nam có thể coi là tác phẩm mỹ thuật bao quát nhất về chủ đề cái chết – sự hồi sinh – sự sống: “Có thể nhận thấy ở toàn bộ triển lãm một sự vận chuyển âm ỉ từ cái chết, sự hủy diệt đến kỳ vọng to lớn về sự trở lại, sự hồi sinh. Phần nào đó, tác phẩm của Phạm Trần Việt Nam chia sẻ chung tâm thế với bài văn tế của Nguyễn Du, khi ông sử dụng văn chiêu hồn nhằm hướng con người đi vào con đường từ bi lương thiện, để thoát khỏi cảnh tai ương khổ ải của kiếp nhân quả luân hồi” (thông tin của The Factory).

Những góc nhìn khác nhau tại triển lãm “Văn tế thập loại chúng sinh”

Phạm Trần Việt Nam sinh năm 1985 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2010. Đã tham gia các triển lãm “Chị tôi” (Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh – 2010), “Miền Méo Miệng” (Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bildmuseet, Umea, Thụy Điển – 2015), “Vietnam Eye” (Trung tâm Văn hóa Ý, Hà Nội – 2016), Giải thưởng tranh chân dung Dogma (Heritage Space, Hà Nội – 2017). Là con trai nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, anh đã có triển lãm chung với thân phụ – “Ảo vọng và ước vọng” tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội, 2009) và triển lãm tranh cá nhân “Phía sau tri thức” (gallery Tự Do, TP. Hồ Chí Minh – 2010). Dù tốt nghiệp khoa điêu khắc nhưng Phạm Trần Việt Nam chủ yếu thực hành hội họa.

Thập loại chúng sinh bao gồm 12 loại cô hồn:

1. Lụy triều đế chúa (các vua chết vì phản loạn, tai nạn đổi đời), 2. Quan tướng vương triều và oai tướng phản thần, 3. Bá quận danh thần, 4. Bạch ốc thư sinh, 5. Xuất trần thượng sĩ (tức hàng tu sĩ chỉ nói suông lời Phật dạy, không thực hành pháp và còn bị vướng bận trần tục), 6. Huyền môn đạo sĩ, 7. Thương gia lữ khách và kẻ buôn tảo bán tần, 8. Chiến sĩ trận vong, 9. Sản phụ bất hạnh (lúc thai sản mất cả mẹ lẫn con), 10. Khuyết tật thiếu tu, 11. Cung phi mỹ nữ và hạng buôn hương bán phấn, 12. Tù nhân tử tội

Ngã Văn

(*) Trích Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chieu-hon-thi-giac-13892.html