Chiều biên giới trong 'dáng hình' Tổ quốc

Tôi đến Mường Khương (Lào Cai) trong một chiều đầu Hạ. Với tư cách chủ nhà, nhà thơ Pờ Sảo Mìn ngỏ ý muốn được đưa tôi đến thăm cột mốc biên giới 144. Chỉ ít phút sau, tôi đã thấy ông ngồi trên chiếc xe tắc xi và ra hiệu cho tôi lên xe. Qua khung cửa ô tô, cái nắng vàng ngọt của miền rẻo cao phả vào mặt ran rát. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo của thị trấn vắng người qua lại. Quãng đường từ thị trấn Mường Khương lên cột mốc biên giới 144 chừng 10km.

Tác giả (bên trái), nhà thơ Pờ Sảo Mìn và chiến sĩ Biên phòng tại cột mốc số 144. Ảnh: CTV

Tác giả (bên trái), nhà thơ Pờ Sảo Mìn và chiến sĩ Biên phòng tại cột mốc số 144. Ảnh: CTV

Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước mà con đường đất gồ ghề sỏi đá xưa kia đã được đầu tư trải nhựa khang trang. Nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở nên xe thường xuyên gặp phải những khúc đường cua quặt liên tục khiến chúng tôi cũng nghiêng ngả theo. Hai bên đường là đồi núi và nương rẫy mướt cây xanh, nào ngô, quýt, keo, thông... Nhìn những cây ngô non nớt cố bám trụ vào vách đá núi cằn cỗi, mới thấy chúng thật kiên cường. Với đồng bào dân tộc nơi đây, ngô là loài cây quan trọng, bởi nó không chỉ cung cấp lương thực cho người và vật nuôi, mà còn là nguyên liệu để cho ra đời những mẻ rượu thơm ngon mang đặc trưng văn hóa của người dân tộc miền núi Tây Bắc. Đáng mừng là gần đây tuy mới được đưa vào canh tác, nhưng cây quýt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên rẻo đất biên cương này.

Khi tôi đang mải suy nghĩ vẩn vơ thì chiếc radio trong xe cất lên tiếng hát trong trẻo, da diết: “Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta/ Chiều biên giới em ơi!/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương...”. Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, trập trùng, dường như tiếng hát ấy có một sức mạnh vô hình, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều im lặng. Đúng là biên cương của chúng ta rồi! Biên cương của chúng ta thật đẹp! Thế rồi tôi lại bị cuốn theo câu chuyện của nhà thơ Pờ Sảo Mìn về những kỷ niệm với người bạn quá cố của ông - nhà thơ dân tộc Dáy Lò Ngân Sủn, tác giả của những vần thơ trên, đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc. Chưa hết, nhà thơ Pờ Sảo Mìn còn kể cho tôi nghe về chiến thắng vang dội 11-11-1950 - ngày mà vùng đất Mường Khương đã hoàn toàn được giải phóng, trong đó có đóng góp không nhỏ của người dân tộc Pa Dí.

Xe lên đến cửa khẩu Sín Tẻn, một chiến sĩ Biên phòng bước ra thấy người đàn ông tuổi thất thập dáng mảnh khảnh, gầy gò, ăn mặc giản dị bèn chặn lại hỏi với giọng nghi ngờ: “Bác đi đâu? Hình như bác không là người dân địa phương?” Nhà thơ Pờ Sảo Mìn vội đáp: “Không, tôi là người ở đây mà!”. Nói rồi ông rút trong ví ra cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Người chiến sĩ ấy tỏ vẻ nghiêm trọng, liếc nhìn thẻ, lại liếc nhìn nhà thơ và... cười như nắc nẻ. Anh lấy hơi rồi đọc bằng giọng truyền cảm: “Dân tộc tôi có hai ngàn người/ Như cái cây có hai ngàn chiếc lá”. Thì ra anh ấy đã nhận ra nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhưng cố tình trêu chứ người dân và chiến sĩ nơi đây không ai là không biết nhà thơ “Hai ngàn lá” Pờ Sảo Mìn. Lúc này, anh lính nói với giọng đầy xúc động: “Anh em chúng tôi ở đây được người dưới xuôi lên thăm là quý hóa lắm!”.

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi lên thăm cột mốc biên giới. Nhưng đó cũng là lúc ánh mặt trời chiếu vào gay gắt khiến cột mốc nóng ran. Người lính ấy cho biết cột mốc bằng đá hoa cương nguyên khối nặng khoảng 500kg, được cắm vào ngày 26-12-2007. Từ đây đưa mắt nhìn xuống Mường Khương, tôi mới thực sự choáng ngợp trước sự hùng vĩ của phong cảnh nơi này. Cái nắng vàng ngọt của vùng đất biên giới cũng thật lạ thường. Mặc dù vậy cũng không thể nào xóa tan được cảm giác lành lạnh, mát mẻ, trong lành trong từng ngọn gió mang hơi thở của đại ngàn Tây Bắc. Phía xa xa, những dải sương trắng vắt ngang sườn đồi hòa quyện cùng khói bếp lam chiều bay lên từ bản làng nào đó càng khiến khung cảnh thiên nhiên chiều biên giới thêm mờ ảo, nên thơ. Nhưng, xúc động nhất là hình ảnh lá cờ đỏ năm cánh sao vàng tượng trưng cho “dáng hình” Tổ quốc tung bay phấp phới đầy kiêu hãnh. Và tự trong trái tim mình, tôi mới thấy thấm thía hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!”. Nhưng Tổ quốc ta đâu chỉ đẹp ở những tòa nhà cao tầng nguy nga, lộng lẫy, đẹp ở những con đường rộng rãi, khang trang, đẹp ở những công trình mang tầm vóc thế kỷ, mà Tổ quốc ta còn đẹp ở những điều giản dị, đời thường và gần gũi nhất. Đó chính là khung cảnh biên giới lúc chiều tà. Biên giới hôm nay đã bình yên nhưng vẫn còn ở đó những mối lo lắng đòi hỏi mỗi người chiến sĩ Biên phòng phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình như lời khẳng định mối quan hệ khăng khít, máu thịt giữa những người chiến sĩ mang quân hàm xanh với cột mốc biên giới: “Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc/ Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời”. Đất nước ta có hàng ngàn cột mốc biên giới. Mỗi cột mốc đều được đánh đổi bằng biết bao máu xương của thế hệ cha anh. Chính vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người con đất Việt.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chieu-bien-gioi-trong-dang-hinh-to-quoc/