Chiều 30 Tết, lại nhớ thơ Xuân của Nguyễn Bính

Thơ Nguyễn Bính gắn liền với thôn quê ở Đồng bằng Bắc Bộ, nơi ấy có những người con gái áo the, quần lĩnh, có hình ảnh người phụ nữ tảo tần bên khung cửi...

Ai đã từng đọc, từng yêu thơ Nguyễn Bính đều nhận thấy chất buồn man mác: buồn cho gia cảnh, buồn cho thế sự, buồn cho tình duyên trắc trở của mình…

Và, ngay cả mảng thơ Xuân- một chủ đề tươi mới, được mọi người ngợi ca, hướng tới sự viên mãn, sum vầy, hạnh phúc nhưng với Nguyễn Bính vẫn đậm một nét buồn rất riêng.

Thơ Xuân của Nguyễn Bính có nhiều bài buồn man mác. Ảnh minh họa: Báo Công an Nhân dân)

Thơ Xuân của Nguyễn Bính có nhiều bài buồn man mác. Ảnh minh họa: Báo Công an Nhân dân)

Thơ Nguyễn Bính gắn liền với thôn quê nơi Đồng bằng Bắc Bộ, nơi ấy có những người con gái áo the, quần lĩnh, nơi có hình ảnh người phụ nữ tảo tần bên khung cửi…

Và, đặc biệt hơn những hình ảnh "chân quê" quen thuộc như hàng râm bụt, giàn đỗ ván, hoa xoan, hoa cam, hoa bưởi… tất cả đã đi vào thơ ca Nguyễn Bính như là duyên tiền định.

Nhắc đến thơ Xuân của Nguyễn Bính chúng ta không thể không nhắc đến bài Mưa xuân - một trong những sáng tác đầu tay của ông.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Chất thơ hay và đẹp quá, đầy chất tạo hình, những lớp mưa xuân bay bay trong trời xuân làng quê phương Bắc.

Ta tưởng tượng những làn mưa bay nhè nhẹ, vương vương, giăng mắc để rồi những lớp hoa xoan màu trắng tím vương đầy lối đi…những hạt mưa đầu xuân đã là cớ để những hẹn hò tình duyên buổi ban đầu đã theo cô gái đi vào trong không gian lễ hội.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng tay thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh

Hình như mưa xuân cũng chỉ là cái cớ để giăng mắc một mối tình, tác giả đã dùng từ “giăng tơ” để bắc cầu cho hẹn ước buổi ban đầu, bàn tay cô gái ngừng tay thoi và tâm trạng bâng khuâng, luyến nhớ.

Tác giả một lần nữa cho ta thấy được cách dùng từ cực đắt để miêu tả tâm trạng cô gái bằng hai tiếng “hình như” đúng là tâm trạng cô gái đang bối rối, mắc cỡ với chính mình bởi suy nghĩ: “có lẽ là em nghĩ đến anh”.

Hình ảnh người con gái bước ra khung cửa đi vào hội làng…trong tiết mưa xuân thật lãng mạn…những hạt mưa giăng kín đất trời, giăng kín không gian ngày xuân, và cả lòng em nữa đã biết hẹn hè với anh.

Hội làng hát thâu đêm, nhưng em nào để ý, em mãi tìm anh, bởi em nghĩ: “thế nào anh ấy chẳng sang xem”. Nhưng rồi cũng chính từ những hạt mưa xuân ấy đã phảng phất nỗi buồn tê tái khi không tìm được người cần tìm.

Chờ mãi anh sang anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao, bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng lỡ làng

Hình ảnh mưa xuân đã trở nên trớ trêu, phũ phàng, cuộc hẹn hò không thành, sự tổn thương đầu đời của cô gái đã hòa vào tâm trạng cô đơn nên cô gái nhìn mưa- vẫn là hình ảnh mưa xuân, vẫn là không gian và thời gian ấy mà cảnh vật đã khác xa nhau nhiều quá.

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay

Hoa xoan đã nát dưới chân giày

Để rồi, tác giả chuyển sang một kết cách kết thúc mùa xuân thật buồn: "Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày". Có phải "mùa xuân cạn ngày" hay mối tình của cô gái ấy đã kết thúc trong lỡ làng?

Đọc thi phẩm Mưa xuân khiến chúng ta chạnh lòng thương cảm cho cô gái, thương cho cả một mùa xuân đã lỡ làng. Và, phải chăng sự lỡ làng, tê tái còn đi vào nhiều bài thơ xuân khác của tác giả trong một số bài thơ viết về tình duyên lỡ dở ?

Mùa xuân để nghĩ đến hạnh phúc sum vầy, tới tình duyên trọn vẹn. Nhưng Nguyễn Bính, mùa xuân đã nhuộm màu chia ly, xa cách với cô đơn, tuyệt vọng.

Bỏ thuyền bỏ lái, bỏ dòng sông

Cô lái đò kia đi lấy chồng

Vắng bóng cô em từ dạo ấy

Để buồn cho những khách sang sông

(Cô lái đò)

Mảng thơ xuân của Nguyễn Bính ta còn bắt gặp những hình ảnh tha phương, đón mùa xuân trên xứ người với nỗi buồn u uẩn, chua cay.

Thiên hạ đua nhau mà sắm tết

Còn mình em vẫn cứ tay không

…Chén rượu tha phương trời đắng lắm

Trăm hờn, nghìn hận suốt mùa đông .

(Xuân tha phương)

Và, Nguyễn Bính cũng đã ra đi vào mùa xuân như ý thơ ông đã khai xuân năm 1940 trong bài thơ Nhạc xuân.

Năm mới tháng giêng...mồng một Tết

Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân

…Giờ đây chín vạn bông trời nở

Riêng có lòng ta khép lại thôi.

Mùa xuân với muôn hoa đua nở, những lộc biếc đâm chồi nảy lộc, vạn vật hồi sinh. Nhưng, nhà thơ tài hoa mà lận đận của chúng ta đã ra đi trước ngưỡng cửa mùa xuân, vào ngày 30 tháng Chạp năm 1966 trong sự tiếc nuối của nhiều thế hệ bạn đọc đã và đang yêu thơ Nguyễn Bính.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/chieu-30-tet-lai-nho-tho-xuan-cua-nguyen-binh-post206434.gd