Chiết khấu 40-50% vào Big C: Thiếu quy định hay bị...chèn ép?

Giống như tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị, cho đến nay, không có quy định về mức chiết khấu của hàng hóa vào siêu thị.

Trong cuộc trao đổi với báo Tuổi trẻ vào cuối tuần vừa qua, đại diện Central Group Vietnam (sở hữu hệ thống siêu thị Big C) đã trả lời nhiều câu hỏi, trong đó có nội dung: Vì sao chiết khấu nhiều nhà cung cấp Việt Nam tới 40-50%?

Theo đại diện Central Group Vietnam, mức chiết khấu thuộc về các điều khoản được cụ thể hóa rõ trong hợp đồng, trên sự đồng ý của cả hai bên.

"Với Big C, chúng tôi đã thực hiện chính sách về chiết khấu như vậy từ trước đến nay, ngay từ trước khi chúng tôi nhận chuyển nhượng lại hệ thống này. Trong tương lai, việc tìm kiếm nguồn cung cấp địa phương sẽ được tiến hành hoàn toàn minh bạch và tỉ lệ chiết khấu sẽ phụ thuộc giá gốc mua vào", đại diện Central Group Vietnam nói.

Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều khẳng định trong Luật giá và các văn bản hướng dẫn Luật giá không quy định mức chiết khấu cụ thể của hàng hóa vào siêu thị là bao nhiêu, tỷ lệ cụ thể hoàn toàn do các bên thỏa thuận với nhau.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, đối với những mặt hàng mà Nhà nước còn định giá, còn tổ chức hiệp thương giá thì có thể tính toán, khống chế mức chiết khấu. Còn những mặt hàng để định giá theo cơ chế thị trường, chỉ dựa trên các quy tắc, nguyên tắc của Nhà nước thì mức chiết khấu do các bên thỏa thuận với nhau.

"Theo Luật giá, trong trường hợp xảy ra sự đột biến, chẳng hạn giá cao quá thì kể cả hàng hóa Nhà nước không còn định giá thì Hội Bảo vệ người tiêu dùng có quyền đề nghị Nhà nước kiểm soát nhất thời để đảm bảo mức giá/chiết khấu phù hợp. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng sự giúp đỡ này của hội", Chủ tịch Hội Thẩm định giá nói.

Hiện nay, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về vấn đề chiết khấu thương mại mà do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng. Ảnh minh họa

Hiện nay, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về vấn đề chiết khấu thương mại mà do các bên tự thỏa thuận trong hợp đồng. Ảnh minh họa

Trong khi đó, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, việc để mặc mức chiết khấu do siêu thị và nhà cung ứng tự thỏa thuận là một cách ép chết hàng Việt.

Ông nhắc lại câu chuyện bó miến vào siêu thị ngoại L. bị đòi 20 triệu đồng tiền "lót tay", chưa kể chiết khấu, chi phí kế toán, sinh nhật... Việc doanh nghiệp phải nộp cho siêu thị L. những chi phí vô lý đã đẩy giá miến lên, trong khi miến Thái Lan do được hưởng thuế suất bằng 0 theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết giữa Việt Nam với các nước khác trong khu vực nên giá rẻ, cạnh tranh hơn hẳn.

"Lúc ấy, siêu thị sẽ lấy cớ hàng Việt giá cao để đẩy hàng Việt ra, nhận hàng Thái Lan vào, trong khi nguyên nhân giá hàng Việt cao là do chính siêu thị gây ra vì những chi phí vô lý.

Đó là một cách gián tiếp để đẩy hàng Việt ra ngoài, giết dần doanh nghiệp Việt, còn người tiêu dùng Việt Nam phải ăn hàng nội địa đắt hơn hàng nhập khẩu.

Cho tới nay, tỷ lệ hàng Việt trong siêu thị vẫn chưa được như mong muốn, phần lớn là bán trôi nổi bên ngoài, không nâng được giá trị gia tăng. Sản xuất cũng vì thế mà không phát triển, người nông dân thì cứ nghèo với 4 cái "nhất": bị o ép nhất, thiệt thòi nhất, lợi nhuận thấp nhất và bị đối xử không công bằng nhất.

Trong khi đó doanh nghiệp ngoại được ưu ái về thuế, địa điểm, thậm chí nhận bằng khen này bằng khen nọ nhưng lại không "biết điều", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý cũng đã phải thừa nhận thực tế buồn này. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (Tổng cục thuế) từng thẳng thắn đề cập đến tình trạng doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm Việt vào các siêu thị Big C thì phải mất một khoản chiết khấu cứng là 20%; chiết khấu mềm là 12%. Như vậy, để một sản phẩm của Việt Nam vào được hệ thống siêu thị này phải mất đến hơn 30% chiết khấu….

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chúng ta chăm lo cho sản xuất rất lớn, nhưng khâu thương mại đang hưởng phần lớn giá trị, tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn chưa thoát được. Ông Hùng đề nghị phải tìm cách phân phối lại lợi ích giữa các công đoạn, từ sản xuất, thương mại, chế biến. Muốn vậy, phải để nông dân có quyền lợi đến sản phẩm cuối cùng của họ.

Còn bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) tại Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hồi thangs 3/2019 thừa nhận những khó khăn của doanh nghiệp khi thâm nhập vào chuỗi siêu thị như không những trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, mà còn phải trả hàng loạt phí như: phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số..., chiết khấu.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng ép cấp, ép giá trong thu mua hàng hóa nông sản và cung ứng cho thị trường bán lẻ.

Nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định, về nguyên tắc, Việt Nam phhát triển nền kinh tế vận hành theo kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Công thương, không thể để mặc kệ siêu thị và nhà cung ứng tự thỏa thuận mức chiết khấu.

"Khi câu chuyện Big C tạm ngưng nhận hàng may mặc Việt Nam xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước nói giải quyết việc này theo hợp đồng. Thế nhưng hợp đồng ấy là hợp đồng của kẻ mạnh, nếu nhà cung ứng không chấp nhận các điều khoản trong hợp đồng thì lập tức bị mời ra. Một khi hợp đồng đã không công bằng thì tranh cãi trên đó không có ý nghĩa gì", ông Vũ Vinh Phú nói.

Bởi hiện nay pháp luật chưa có những quy định cụ thể về vấn đề chiết khấu thương mại nên ông Vũ Vinh Phú đề nghị phải quy định trong luật.

"Trong ngành mía đường, Thái Lan quy định 1 kg bán ra người trồng mía hưởng 70%, còn khâu thương mại trung gian chỉ hưởng 30%. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như là ngược lại. Các nước đã làm, Việt Nam cũng nên học tập mà làm, không có luật thì chỉ nói lấy được", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chiet-khau-40-50-vao-big-c-thieu-quy-dinh-hay-bichen-ep-3383854/