Chiến trường Trung Đông: Mỹ - Saudi không thể gạt bỏ Lebanon?

Lebanon vẫn là một điển hình hiếm hoi về đa nguyên và sự cởi mở về chính trị, và là một bệ đỡ trong một khu vực đang rơi vào hỗn loạn và chiến tranh.

Khi Hoàng tử Mohammad bin Salman (MbS) của Saudi Arabia hội đàm với Tổng thống Trump ở Washington hồi tháng 3, hai bên đã thảo luận về các vấn đề khu vực, từ thỏa thuận hạt nhân Iran cho đến các cuộc chiến đang diễn ra tại Yemen và Syria.

Theo National Interest (NI), một điều đáng chú ý là trong các cuộc đối thoại của họ không đề cập đến Lebanon và sự ổn định nội bộ của nước này. Có thể là bởi vì MbS vẫn đang cần khôi phục hình ảnh sau cáo buộc bắt giữ Thủ tướng Lebanon Saad Hariri hồi tháng 11.

Ngoài ra, MbS và chính quyền Trump cũng chia sẻ quan điểm rằng Lebanon đã hoàn toàn rơi vào tay Iran và họ khó có thể can thiệp được.

Tuy nhiên, vào thời điểm Saudi Arabia đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng trên khắp khu vực, Mỹ nên khuyến khích Riyadh chú ý vào tăng cường đầu tư và tham gia vào tình hình Lebanon, thay vì rút lui và thất bại.

Nguy cơ xung đột từ Lebanon

Lâu nay, MbS và chính quyền Trump vẫn tin rằng lựa chọn duy nhất của họ là sử dụng hành động chính trị và kinh tế cứng rắn để đánh bại Hezbollah tại Lebanon. Còn các quan chức quân sự Mỹ và nhiều chuyên gia trong khu vực lại cho rằng cách duy nhất để ngăn chặn ảnh hưởng của Hezbollah là đầu tư mạnh mẽ hơn vào các hệ thống quân sự, thiết chế quốc gia và hỗ trợ cho các đối thủ chính trị của Hezbollah.

Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Israel và Hezbollah ngày càng gia tăng và điều này sẽ phá hủy mọi triển vọng xây dựng một Lebanon vững mạnh. Hơn nữa, các chuyên gia cũng dự đoán rằng các cuộc bầu cử quốc hội của Lebanon, dự kiến vào tháng 5, sẽ gia tăng ảnh hưởng của Hezbollah trong chính phủ. Tương tự, nếu chính quyền Trump rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran vào tháng 5, điều này có thể mang lại sự ủng hộ cho Iran và làn sóng ủng hộ Hezbollah chống Mỹ.

Theo một mục tiêu lí tưởng, các chính sách của Mỹ và Saudi sẽ đánh bật được Hezbollah ra khỏi hệ thống chính trị Lebanon. Mục tiêu rõ ràng nhưng đầy tham vọng này đang là nền tảng cho chính sách của Mỹ và Saudi đối với Lebanon – điều cho tới nay đã thất bại. Thay vào đó, Mỹ và Saudi cần giảm thiểu những hệ lụy tiềm tàng của cuộc bầu cử tháng 5 và xây dựng một kế hoạch lâu dài để đưa Lebanon thoát khỏi sự cô lập chính trị.

Lebanon là một bệ đỡ cho một khu vực đang rơi vào hỗn loạn và chiến tranh.

Hezbollah đối phó mâu thuẫn nội bộ

Trong khi Hezbollah có thể đạt được những thắng lợi đáng kể sau tháng 5, chính trường nội bộ của Lebanon không hoàn toàn ủng hộ họ. Liên minh chính trị do Hezbollah dẫn đầu tại Lebanon hiện bao gồm Tổng thống Michel Aoun của đảng Phong trào yêu nước tự do và Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri của đảng Phong trào Amal. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây đã làm rúng động người dân và phơi bày những căng thẳng giữa các đồng minh chính trị. Ví dụ, vào tháng 1, một video rò rỉ cho thấy Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon (con rể của Tổng thống Aoun) Gebran Bassil mô tả loa Berri là một “tay côn đồ”. Ngay trước khi xảy ra vụ việc này, Hezbollah cũng đã hoàn tất thỏa thuận chia sẻ một số ghế nghị viện với Phong trào Amal (chuyển giao những vị trí trước đó thuộc về Phong trào yêu nước tự do).

Lâu nay Hezbollah đã xoa dịu căng thẳng giữa hai đảng phái này một cách hợp lý, nhưng rõ ràng, việc hỗ trợ Berri là một ưu tiên - có thể thông qua đó kết nối với các đồng minh chính trị Kitô giáo của Amal. Nhiều người theo Kitô giáo đã tìm đến Hezbollah để bảo vệ họ trước những người Sunni trong khu vực, tuy nhiên, họ ngày càng lo ngại rằng liệu Hezbollah có còn tiếp tục ủng hộ các lợi ích lâu dài của họ hay không.

Ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Saudi Arabia là khai thác những chia rẽ chính trị hiện tại và thuyết phục các đồng minh “lợi ích” của Hezbollah rằng hai nước này có thể hỗ trợ Lebanon nhiều hơn điều Hezbollah có thể hiện tại.

Kịch bản hành động của Mỹ và Saudi

Washington và Riyadh nên thầm lặng tiếp cận với những tín đồ Kitô và những bên khác đang lo ngại trước ảnh hưởng chính trị đang tăng lên của Hezbollah. Trong các cuộc bầu cử trước đây, cả Saudi và Hoa Kỳ đã hỗ trợ Phong trào Tương lai của Hariri và các đồng minh của họ. Ngay cả khi những tác động này chưa được nhiều, thì nó vẫn đáng để hai nước này tiếp tục sự ủng hộ và xây dựng quan hệ với các đảng phái chính trị khác chống lại Hezbollah.

Luật bầu cử đã được sửa đổi của Lebanon, và sự mệt mỏi hơn nữa đối với Hezbollah, có thể tạo cơ hội lớn hơn cho các đảng độc lập và ứng viên giành được vị trí trong quốc hội.

Về phần mình, Hoa Kỳ đã không phân bổ trợ cấp cho quan hệ với Lebanon vào năm 2018. Vào năm 2019 và thời gian tiếp theo, Mỹ và Saudi cần thay đổi điều này, tăng thêm kinh phí cho các khoản hỗ trợ xã hội dân sự, các chương trình trao đổi và các dự án cơ sở hạ tầng địa phương – điều giúp xây dựng mối quan hệ với cộng đồng Lebanon.

Tiếp theo, trên mặt trận an ninh, hai nước cần tiếp tục tài trợ cho Lực lượng Vũ trang Lebanon. Riyadh đã cắt khoản hỗ trợ này vào năm 2016 sau khi chính phủ Lebanon không lên án những vụ tấn công vào các phái bộ ngoại giao của Saudi tại Iran. Mặc dù Hoa Kỳ đã cắt giảm tài chính quân sự nước ngoài cho Lebanon vào năm 2018 nhưng Washington vẫn đang cung cấp tài chính và hỗ trợ đào tạo cho các lực lượng vũ trang của nước này thông qua các nguồn khác.

Tuy nhiên, về tổng thể, sự cô lập Lebanon tại khu vực này vẫn là một trở ngại nghiêm trọng đối với việc giúp Lebanon phát triển và giảm khả năng đối đầu với Hezbollah. Hoa Kỳ và Saudi cũng nên sử dụng các căn cứ đào tạo tại Jordan để xây dựng một cầu nối vững chắc hơn giữa quân đội Lebanon và Washington.

Saudi sẽ khó bị thuyết phục để thay đổi về vấn đề này, nhưng chính quyền của Trump nên sử dụng tất cả các công cụ cần thiết. Washington hiện đã thành công trong việc sử dụng mối quan hệ gần gũi với MbS để khiến Saudi quan tâm tới mặt trận Iraq. Mỹ cũng đã đề nghị Saudi cung cấp viện trợ ổn định xã hội trị giá 4 tỷ USD cho Syria - mặc dù MbS chưa công khai đồng ý hoặc từ chối yêu cầu này cho đến nay.

Hợp tác Mỹ - Saudi ở Iraq và Syria có thể tăng cường nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và chống Iran, nhưng cả hai nước cần tìm cách mở rộng sự hợp tác này tới Lebanon. Nước này vẫn là một điển hình hiếm hoi về đa nguyên và sự cởi mở chính trị, và là một bệ đỡ trong một khu vực đang chịu nhiều hỗn loạn và chiến tranh. Khi MbS tìm cách cải cách thế giới quan xã hội tại Saudi và chống lại các lực lượng cực đoan trong khu vực, thì Lebanon không nên bị bỏ qua.

Để theo đuổi nghiêm túc các lợi ích của Hoa Kỳ và Ả Rập trong khu vực, mọi phương pháp tiếp cận đều phải bao gồm cả Lebanon.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/chien-truong-trung-dong-my-saudi-khong-the-gat-bo-lebanon-285608.html