'Chiến trường' mới tại Malaysia

Cơn 'sóng thần bầu cử' đã chấm dứt hơn 6 thập kỷ cầm quyền của đảng Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất (UMNO). Giờ đây, chính phủ của Liên minh Hy vọng (PH) bắt đầu thực hiện những cam kết trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền.

Tuy nhiên, xem ra việc đảo ngược những đạo luật dưới thời Thủ tướng Najib không hề dễ dàng, khi mà lợi thế tại Thượng viện Malaysia đang thuộc về phe đối lập vừa mất quyền lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này.

Những cam kết trong 100 ngày đầu cầm quyền

Kết quả bầu cử với thắng lợi của PH được hoan nghênh cả ở trong và ngoài Malaysia được xem là việc chính hệ thống dân chủ cương quyết chống lại nạn tham nhũng, sự xói mòn về quy định của luật pháp và có thể tiên liệu về sự suy yếu của một chính trường dựa vào mâu thuẫn chủng tộc.

Ngày từ khi tranh cử, PH đã đưa ra hàng loạt cam kết về những việc sẽ thực hiện trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, bao gồm: xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), thống nhất mức lương tối thiểu trên phạm vi toàn quốc, thành lập ủy ban điều tra hoàng gia để điều tra triệt để các vụ bê bối, xem xét lại các dự án lớn, tạm hoãn việc trả nợ của những người vay từ Quỹ Giáo dục ĐH hiện có thu nhập dưới 4.000 ringgit, thành lập ủy ban đặc biệt xem xét việc thực hiện Hiệp ước Malaysia năm 1963…

Trong số những cam kết nêu trên, việc xóa bỏ GST được đại đa số người Malaysia chờ đợi. Theo quyết định của chính phủ mới, GST sẽ chính thức được điều chỉnh từ mức 6% được thực hiện hồi tháng 4-2015 xuống còn 0% từ ngày 1-6 tới. Tuy nhiên, việc bãi bỏ sắc thuế này cũng như những cam kết của PH vốn đã được luật hóa dưới thời BN cầm quyền có thể vấp phảỉ rào cản ngay chính trong cơ quan lập pháp Malaysia. Vì sao vậy?

 Thủ tướng Mahathir (trái) và người tiền nhiệm Najib. ẢNH TƯ LIỆU

Thủ tướng Mahathir (trái) và người tiền nhiệm Najib. ẢNH TƯ LIỆU

Thượng viện không chịu ảnh hưởng của Hạ viện

Sau cuộc bầu cử ngày 9-5 vừa qua, PH giành được đa số ghế tại Hạ viện, đứng ra thành lập chính phủ mới. Các cam kết của PH có thể nhanh chóng được Hạ viện thông qua, sau đó chuyển lên Thượng viện. Vấn đề là ở Malaysia, thành viên Hạ viện do dân bầu, nhưng thành viên Thượng viện lại được bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 3 năm, không chịu ảnh hưởng bởi bầu cử Hạ viện, trừ phi họ từ chức còn không sẽ làm tới khi kết thúc nhiệm kỳ. Điều đó có nghĩa là cho dù Hạ viện bị giải tán thì nhiệm kỳ của Thượng viện vẫn tiếp tục.

Theo quy định, Thượng viện Malaysia có 70 thành viên, trong đó 26 người được bầu gián tiếp từ các thành viên Hội đồng bang của 13 bang, mỗi bang 2 người; 44 Thượng nghị sỹ còn lại do Quốc vương bổ nhiệm trên cơ sở tiến cử của Thủ tướng, trong đó có 2 Thượng nghị sỹ đại diện cho lãnh thổ liên bang (giống TP trực thuộc trung ương) Kuala Lumpur, 1 Thượng nghị sỹ đại diện cho lãnh thổ liên bang Putrajaya và 1 Thượng nghị sỹ đại diện cho lãnh thổ liên bang Labuan.

Theo Thời báo châu Á ở Malaysia ngày 28-5, các thượng nghị sỹ tại nhiệm đa phần do chính phủ tiền nhiệm tiến cử. Số liệu hiện nay cho thấy Thượng viện Malaysia đang có 21 ghế trống đợi bổ sung và 49 ghế giữ nguyên. Trong 49 ghế hiện tại, không tính lực lượng thứ ba, phe cầm quyền chỉ có 4 ghế, gồm 2 ghế của DAP và 2 ghế của đảng Công lý Nhân dân (PKR), nhưng phe đối lập Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN - do UMNO đứng đầu), lại có tới 31 ghế, trong đó 22 ghế thuộc UMNO, bao gồm cả chức Phó Chủ tịch Thượng viện; 6 ghế thuộc Hiệp hội người Hoa tại Malaysia (MCA) và 3 ghế thuộc đảng Quốc đại, bao gồm cả chức Chủ tịch Thượng viện. Như vậy, rõ ràng lợi thế tại Thượng viện đang thuộc về BN.

Vì vậy, “chiến trường” tiếp theo của PH chính là Thượng viện. Tuy chính phủ dù đã thuộc về PH nhưng Thượng viện vẫn nằm trong quyền kiểm soát của BN. Theo quy định của Hiến pháp Malaysia, bất cứ dự luật nào cũng đều phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua, sau đó chuyển lên để Nhà Vua chuẩn thuận thì mới được đăng công báo ban bố. Thượng viện dù không có quyền phủ quyết dự luật đã được Hạ viện thông qua, nhưng lại có thể kéo dài, đẩy lùi thời gian thông qua dự luật tới 1 năm. Do vậy, những cam kết thực hiện trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của PH chắc chắn sẽ vấp phải những trở ngại nhất định từ Thượng viện.

Có thể thấy, cơn sóng thần bầu cử vừa qua tại Malaysia là kết quả của nhiều yếu tố, từ sức hút của bản thân ông Mahathir Mohammad; sự bất bình của mọi tầng lớp nhân dân, gồm người Malay, người gốc Hoa, gốc Ấn cho tới các cộng đồng khác, đối với vấn đề kinh tế; hay thậm chí là cả mong muốn một nền chính trị toàn diện hơn của những người Malay thành thị và cả sự tức giận của các cử tri trước sự tham lam và ngạo mạn của giới lãnh đạo UMNO. Những yếu tố này hoàn toàn có thể định hình tương lai của Malaysia. Nền chính trị Malaysia vẫn được định hình bởi chủng tộc và tôn giáo, với một ví dụ tiêu biểu là việc chính bản thân ông Mahathir đứng ra thành lập đảng Người dân bản địa Malaysia thống nhất (PPBM), tách khỏi UMNO, chính đảng mà ông từng lãnh đạo suốt 2 thập kỷ. Dù PPBM chỉ chiếm 12 trong số 113 ghế Hạ viện, song ảnh hưởng của ông hiện đang bao trùm khắp chính trường Malaysia.

Thất bại của UMNO là sự kiện chính trị lớn nhất trong lịch sử từ sau cuộc bạo động năm 1969 hay quyết định ly khai của Singapore năm 1965. Diễn biến này có thể dẫn tới những thay đổi cơ bản về mặt cơ cấu trên chính trường Malaysia, cải tổ các thể chế nhà nước hoặc tái cơ cấu các chính đảng. Vụ bê bối liên quan tới Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cử tri Malaysia không còn tin tưởng vào chính quyền của ông Najib.

Sau khi lên nắm quyền, tân Thủ tướng Mahathir tuyên bố người tiền nhiệm Najib có thể bị khởi tố trong tương lai gần. Có ý kiến cho rằng một khi các tội danh được đưa ra, ông Najib có thể bị kết án dưới 20 năm tù và chịu một khoản phạt không ít hơn 5 lần số tiền nhận hối lộ và giá trị tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Diễn biến này cho thấy tương lai của ông Najib cũng như UMNO hiện đang hết sức mờ mịt!

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chien-truong-moi-tai-malaysia-116217.html