Chiến trường lớn

Hội nghị cấp cao ba nước I-ran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở thủ đô Tê-hê-ran của I-ran đã tập trung thảo luận về những biến chuyển tình hình trong cuộc khủng hoảng Xy-ri. Tổng thống ba quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình A-xta-na về Xy-ri đã thảo luận quyết định quy mô và thời điểm tiến hành cuộc chiến lớn tại thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy Xy-ri ở tỉnh Ít-líp.

Bình luận quốc tế

Một trong những mục đích chính của cuộc gặp cấp cao ba nước lần này là quyết định tương lai của tỉnh Ít-líp, tây bắc Xy-ri, trong bối cảnh quân đội Xy-ri đang dốc sức cho trận đánh cuối cùng tại đây. Tỉnh Ít-líp hiện nằm trong tay nhóm thánh chiến Hay-át Ta-ria An Sam (HTS), do một nhánh của mạng lưới khủng bố An Kê-đa điều hành. Cả Nga và I-ran đều ủng hộ chính quyền Đa-mát thực hiện quyết tâm quét sạch các phần tử khủng bố và lập lại hòa bình tại Xy-ri, trong đó Ít-líp được coi là trận chiến lớn cuối cùng tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cuộc tổng tiến công có thể gây ra dòng người di cư từ Xy-ri đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, cuộc gặp là cơ hội để ba quốc gia vốn bắt tay nhau trong vấn đề Xy-ri tìm phương cách phù hợp nhất tránh gây ảnh hưởng tới lợi ích của các bên. Các nước này cũng tìm cách đối phó khả năng phương Tây đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tiến công Xy-ri nhằm cứu vãn tình thế cho phiến quân vốn được phương Tây ủng hộ đang suy yếu trên chiến trường Xy-ri.

Nga khẳng định tình hình Xy-ri không thể được cải thiện khi chưa giải quyết vấn đề tại Ít-líp. Hàng chục nghìn phần tử cực đoan, do nhóm khủng bố Mặt trận An Nu-xra cầm đầu, đang hoạt động tại khu vực này. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp cấp cao ba bên tại Tê-hê-ran, lãnh đạo ba nước Nga - I-ran - Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã thảo luận tình hình tại khu vực giảm leo thang căng thẳng Ít-líp và nhất trí giải quyết vấn đề phù hợp tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm A-xta-na. Các bên nhất trí rằng, cuộc xung đột tại Xy-ri chỉ có thể chấm dứt thông qua “tiến trình đàm phán chính trị” thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Xy-ri để bảo đảm quá trình hồi hương người tị nạn. Ba nước cũng khẳng định sẽ hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và Mặt trận An Nu-xra; đồng thời chống lại các chính sách ủng hộ ly khai tại Xy-ri, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này.

Cuộc chiến ở Ít-líp, nơi có khoảng ba triệu dân thường sinh sống, được cho là khá phức tạp khi nhiều quốc gia khác muốn can thiệp tình hình Xy-ri đã gọi cuộc chiến này là mối đe dọa “thảm họa nhân đạo lớn”. Mỹ và các đồng minh phương Tây muốn ngăn chặn việc Nga theo đề nghị được hỗ trợ của quân đội Xy-ri tiến hành cuộc chiến ở Ít-líp. Nga cho rằng, việc phương Tây gần đây đưa ra các cảnh báo quân đội Chính phủ Xy-ri chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Ít-líp là “cái cớ” để phương Tây can thiệp quân sự vào khu vực này. Tổng thống I-ran Ru-ha-ni cáo buộc “sự hiện diện và can thiệp bất hợp pháp” của Mỹ tại Xy-ri. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan lên tiếng cáo buộc Mỹ hỗ trợ một tổ chức khủng bố tại Xy-ri. Chính phủ Xy-ri cũng cáo buộc Mỹ và đồng minh đang cung cấp vũ khí cho IS và Mặt trận An Nu-xra thông qua các quốc gia thứ ba. Bộ trưởng Ngoại giao Nga X. La-vrốp mới đây lên tiếng cảnh báo, chiến dịch chống khủng bố ở Xy-ri đã phơi bày nhiều trường hợp các công ty “ma”, thông qua nước thứ ba, cung cấp khí tài quân sự cho lực lượng khủng bố. Sức kháng cự của lực lượng khủng bố tại Xy-ri chưa hoàn toàn bị bẻ gãy. Đáng chú ý, tàn quân khủng bố không thiếu vũ khí và đạn dược. Chúng còn sử dụng vũ khí hiện đại, như thiết bị bay không người lái. Theo nhà ngoại giao Nga, điều này không thể xảy ra nếu thiếu các nhà bảo trợ nước ngoài.

Những diễn biến mới cho thấy việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Xy-ri cũng như cuộc chiến chống khủng bố mà Nga đang tiến hành ở quốc gia Trung Đông sẽ còn gặp không ít thách thức. Mát-xcơ-va khẳng định quyết tâm tiêu diệt khủng bố và lập lại trật tự, hòa bình ở Xy-ri. Tuy nhiên, chiến trường lớn cuối cùng ở Ít-líp được dự báo sẽ khốc liệt và phức tạp bởi có những bàn tay can thiệp của nhiều bên khác nhau vào cuộc khủng hoảng kéo dài ở Trung Đông này.

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37564902-chien-truong-lon.html