Chiến trường K5 qua ký ức của vị tướng Biên phòng

Đầu năm 1972, trên chiến trường miền Nam, quân giải phóng giành được nhiều thắng lợi. Nhằm phân tán lực lượng, gây rối hậu phương ta, đế quốc Mỹ một mặt tăng cường tung thám báo, biệt kích ra miền Bắc phá hoại và thu thập tin tức, một mặt tài trợ cho lực lượng phỉ Vàng Pao tăng cường hoạt động đánh phá, gây rối vùng biên giới các tỉnh Khu 4, đặc biệt là trên tuyến biên giới phía Tây Nghệ An. Bộ Công an quyết định mở Mặt trận tiễu phỉ trên dọc tuyến biên giới phía Tây từ Lai Châu, Điện Biên vào đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, lấy mật danh Chiến dịch K56 (sau này gọi là Chiến dịch K5).

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng trao quà cho người dân và các cháu nhỏ trong chương trình Tết quân dân tại Lũng Cú, Hà Giang, năm 2013. Ảnh: T.H

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng trao quà cho người dân và các cháu nhỏ trong chương trình Tết quân dân tại Lũng Cú, Hà Giang, năm 2013. Ảnh: T.H

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang tháng 2-1972, được huấn luyện tại Phú Thọ. Sau đó, ông được điều vào Nghệ An, cùng 40 đồng chí. Rồi các ông được phân về Đại đội 6 cơ động, Công an nhân dân vũ trang Nghệ An. Tại đây, mọi người tham gia khóa huấn luyện 3 tháng để học thêm kỹ chiến thuật hoạt động vùng rừng núi, cách đánh với đối tượng phỉ và nhất là làm quen với địa hình khu vực Tây Nghệ An. Nguyễn Xuân Quảng được đơn vị chọn làm xạ thủ B40, hỏa lực mạnh của đơn vị ngày đó.

Kết thúc khóa huấn luyện, Nguyễn Xuân Quảng cùng tiểu đội nhận lệnh hành quân sang hoạt động vùng Mường Xằng, Mường Chuồn, Pà Cạt, Mường Hồng thuộc tỉnh Bolykhamxay, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Từ đây, ông bắt đầu cùng đồng đội dấn thân vào cuộc chiến đấu chống phỉ (Chiến dịch K5)... Cho đến bây giờ, ký ức về một thời tiễu phỉ vẫn còn hiện rõ trong ông.

Chớm mùa khô, phía Tây Trường Sơn, trên đất bạn vẫn thường xuyên xảy ra các trận mưa lớn. Hành quân từ Nghệ An vượt biên giới, tiểu đội cắt góc phương vị mà đi. Đói, ăn gạo rang; khát, uống nước suối. Đêm, tìm hang đá hay vun lá cây, kéo màn phủ lên trên chống muỗi hoặc mắc chiếc tăng lên cây cuộn tròn như con sâu kéo kén mà ngủ. Đến ngày thứ 6, tiểu đội vào địa phận Mường Hồng. Trong thời gian này, khu vực Bolykhamxay tổ chức phỉ Vàng Pao đã khống chế được người dân. Các toán phỉ đan xen, lẫn vào trong khu vực có dân nên việc phát hiện và truy quét, tiễu trừ gặp rất nhiều khó khăn.

Tiểu đội đến địa bàn Mường Hồng gặp đúng lúc trong dân có người chết. Người dân ở đây một trăm phần trăm là người Mông (bên Lào gọi là người Mẹo). Khi tiểu đội vào đến khu dân, thấy ngoài cổng có cắm lá xanh, cấm mọi người vào nhà. Cả tiểu đội hội ý chớp nhoáng. Nguyễn Xuân Quảng nêu ý kiến, muốn vào được dân, trước mắt, tiểu đội ra khu rừng bên cạnh, gần bản cắm trại, đào hào. Khi tiểu đội củng cố vị trí đóng quân, lúc đó, anh em sẽ vào bản, giúp dân.

Ở ngoài rừng được khoảng 10 ngày, khi tiểu đội đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì bị phỉ tấn công. Mấy ngày trước trời đổ mưa, các công trình hầm hào đều đầy nước. Mặc dù bị tập kích bất ngờ, song nhờ có lợi thế địa hình có vật che đỡ nên tiểu đội không bị thiệt hại. Cả tiểu đội tuy bị tập kích bất ngờ, nhưng chỉ có Nguyễn Xuân Quảng bị thương vào phần mềm chân trái và một người nữa bị thương bên sườn.

Nghe tiếng súng nổ ở một phía núi, giáp bản của dân, Nguyễn Xuân Quảng phán đoán, địch lợi dụng vào thế núi và nhà dân để tập kích. Như vậy, tiểu đội không bị nằm trong thế bao vây. Lăn một vòng, Nguyễn Xuân Quảng quơ khẩu B40 rồi lựa thế, nhằm về hướng có tiếng súng AR15, bắn uy hiếp. Sau tiếng nổ của B40, tiếng súng AR15 im bặt.

Tiểu đội hội ý chớp nhoáng. Nguyễn Xuân Quảng dự đoán: Phỉ thấy lực lượng hỏa lực của ta mạnh, sẽ rút chạy, ở lẫn trong dân, đợi chiều tối hoặc đêm, khống chế dân đưa chúng thoát ra rừng, tránh bị ta truy kích. Do vậy, ta cần bố trí lực lượng theo dõi, bám nắm mọi di biến động để khi địch ra, có thể tấn công mà không gây thiệt hại đến dân.

Chiều, tổ trinh sát báo về có một số dân đi vào phía rừng. Nhận được tin, tiểu đội bí mật bám theo, đợi địch tách ra khỏi dân thì tấn công. Vào sát chân núi, có một số đối tượng tách ra khỏi đoàn người đi nhanh về hướng bờ suối, lấy lương khô ra ăn. Thời cơ đã đến, tiểu đội vận động tạo thế bao vây, đánh úp. Bị tấn công bất ngờ, toán phỉ không kịp trở tay. Một số bị tiêu diệt ngay tại chỗ, một số bị thương, số còn lại vứt vũ khí bỏ chạy.

Từ những thông tin thu được của những tên phỉ bị bắt, tiểu đội khai thác và biết những cơ sở, cách thức hoạt động, âm mưu của chúng trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, tiểu đội đã xây dựng kế hoạch, báo cáo cấp trên để lập các phương án chiến đấu cho giai đoạn tới. Cũng từ đây, khu vực Huồi Hồng đã trở thành vùng giải phóng, thành cơ sở, bàn đạp cho việc triển khai tiễu trừ các hoạt động phỉ ở các khu vực lân cận.

Sau khi ổn định Huồi Hồng, tiểu đội được lệnh về Mường Xằng, có nhiệm vụ bám dân, điều tra, nghiên cứu địa hình và tìm dấu vết của địch, bảo vệ vùng giải phóng. Các trận đánh liên tục diễn ra. Từng toán phỉ rồi đến từng cụm phỉ bị tiêu diệt. Vùng giải phóng và hành lang chi viện cho chiến trường miền Nam không ngừng được mở rộng. Cả một vùng hành lang phía Tây Trường Sơn thành con đường chi viện cho miền Nam.

Hôm ấy, Nguyễn Xuân Quảng cùng chiến sĩ Phạm Văn Trà được đơn vị giao nhiệm vụ từ Mường Xằng về sở chỉ huy đóng ở Pà Cạt báo cáo tình hình. Sau khi đã đưa được báo cáo về sở chỉ huy chiến dịch, Phạm Văn Trà và Nguyễn Xuân Quảng nhận lệnh trở lại đơn vị. Đi gần về đến đơn vị, Phạm Văn Trà và Nguyễn Xuân Quảng chuẩn bị vượt suối thì bất ngờ trời đổ mưa. Nếu đợi cho mưa dứt mới vượt suối thì không biết đến bao giờ mới về đến đơn vị trong khi mật lệnh và phương án tác chiến cả hai đang giữ. Vậy là cả hai quyết định vượt suối trước khi lũ ập tới.

Nhưng, thật không may, khi họ gần sang được phía bờ bên kia thì Phạm Văn Trà bị nước cuốn trôi. Nguyễn Xuân Quảng liền nổ súng làm ám hiệu cho đơn vị tới ứng cứu. Song, tất cả đã muộn. Sau khi lũ rút, đồng đội tìm thấy thi thể anh Trà và làm các thủ tục mai táng cho anh. Sau này, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến dịch K5 kết thúc, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng đã cùng đồng đội K5 tìm lại chiến trường xưa và đưa Phạm Văn Trà về nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào, ở Anh Sơn, Nghệ An.

Để câu chuyện không rơi vào bi lụy, tôi hỏi Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng về ký ức lần ông và cả tiểu đội bị đài BBC loan báo bị bắt. Ông vui vẻ cho biết: Ngày đó, nếu đóng lâu một chỗ địch dễ phát hiện, nên đơn vị phải thường di chuyển vị trí đóng quân. Vì phỉ mặc trang phục như người dân, chúng thường lợi dụng ở lẫn trong dân, nên việc phát hiện chúng là rất khó. Cứ mỗi lần di chuyển chỗ đóng quân như thế, anh em ta rất hay bị địch phục kích.

Lần đó, trên đường di chuyển, một bộ phận đã vượt qua suối, số còn lại vẫn ở bên này suối thì địch bất ngờ tấn công. Ta phản kích, địch bỏ chạy. Anh em để lại quân tư trang truy kích địch. Lợi dụng vào rừng rậm, đường vận động tấn công khó khăn, toán phỉ (là người địa phương, thông thạo địa hình) luồn trở lại, thu được quân tư trang của anh em. Ngày đó khi đi chiến trường, hầu hết anh em ai cũng có cuốn nhật ký. Ở trang đầu, anh em thường ghi tên tuổi, quê quán. Bên trong thường ghi những diễn biến sinh hoạt hằng ngày. Địch thu được, rồi cứ theo tên tuổi, địa chỉ ghi trên sổ đưa lên đài BBC loan tin bị bắt, để khuếch trương thanh thế. Ngày đó, cả đơn vị không có đài nên có ai biết thông tin đó đâu.

Khi trên đài BBC thông báo danh sách, có tên tuổi, quê quán thì ở nhà, anh chị em ông nghe tin, ai cũng khóc. Mọi người lo, không biết ông bị địch bắt, có bị chúng tra tấn dã man không? Ai cũng nghĩ, chúng bắt được, kẹp 10 đầu ngón tay vào khung tre rồi kéo, dùng đinh đóng 10 đầu ngón tay hoặc treo dốc ngược xuống, không cho ăn uống để ông chết khô. Sau đó, có lẽ đài BBC biết thông tin sai lệch, thông báo lại là các ông bị thương. Nghe được thông tin đó, chị dâu cả của ông, “dùng dùng, nén nén”, thu gom được ít tiền đưa cho em chồng là Nguyễn Xuân An, lặn lội vào tìm ông ở các bệnh viện trong Khu 4. Khi anh em ông gặp nhau là lúc ông đang nằm viện điều trị vết thương ở bả vai. Cũng ở đây, Nguyễn Xuân Quảng mới hay, chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam đang ở giai đoạn cuối.

Kể đến đây, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng tâm sự: Đất nước thống nhất, chiến tranh kết thúc, những hy sinh mất mát sẽ không còn xảy ra. Những người lính lại được trở về với gia đình, với thửa ruộng, vườn rau. Chỉ nghĩ, thời gian đã gần 50 năm, những đồng đội ngã xuống trong các cánh rừng nước bạn bao giờ mới trở lại đất quê... Trên khóe mắt ông rơm rớm nước mắt.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chien-truong-k5-qua-ky-uc-cua-vi-tuong-bien-phong/