Chiến tranh Việt Nam và hai lần chết của một cựu binh Mỹ

Câu chuyện của một quân nhân Mỹ từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, được kể qua cáo phó do em trai ông viết, một lần nữa cho thấy nỗi ám ảnh của những người trở về từ cuộc chiến.

Cuộc đời của ông Bill Ebeltoft có thể được chia thành ba giai đoạn: trước Chiến tranh Việt Nam, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến.

Đó là cách ông Paul, em trai nhỏ hơn ba tuổi của ông Bill, đã chọn để viết cáo phó cho anh mình. Cáo phó được đăng trên Dickinson Press, tờ báo địa phương của hạt Dickinson, bang Bắc Dakota, nơi hai anh em lớn lên.

Ông Bill đã qua đời hôm 15/12 ở tuổi 73.

Song, như em trai ông mở đầu cáo phó, ông đã chết lần đầu tại Việt Nam.

Một con người "hoàn toàn khác".

"Trước Việt Nam, Bill là một anh chàng đẹp trai, mặc quần áo đẹp; một người có hàm răng trắng, đều lộ rõ qua nụ cười thường trực", ông Paul viết, hé lộ anh trai mình chơi rất giỏi nhiều môn thể thao như bắn mục tiêu bay, golf, bóng gỗ, thích săn bắn, siêu xe và thích chơi với người già, trẻ con...

Ông William "Bill" Ebeltoft ở tuổi 31. Ảnh: Paul Ebeltoft.

Ông William "Bill" Ebeltoft ở tuổi 31. Ảnh: Paul Ebeltoft.

Từ đây, ông Paul đưa người đọc vào một cuộc hành trình. Ông không viết nhiều về hoạt động thực tế của anh trai tại Việt Nam, mà tập trung vào việc ông Bill là ai và đã trở thành người như thế nào sau khi trở về.

"Sau khi giải ngũ như một người anh hùng với nhiều huân huy chương, Bill đã rất chật vật để tái hòa nhập cuộc sống đời thường. Không cần thiết phải kể lại câu chuyện của Bill về những gì đã quá đỗi quen thuộc với các cựu chiến binh, đặc biệt là những người từng đến Việt Nam", ông Paul viết trong cáo phó.

"Chỉ biết nói rằng sau thời gian mở công ty làm ăn, một cuộc hôn nhân và trong khi vật lộn hàng ngày với lũ quỷ của mình, anh tôi đã không còn năng lực trí tuệ nữa".

Ông Paul kể lại chuyện anh trai ông không thể nhận thức được thời gian trôi qua, viết "Bill phủ nhận việc những người anh yêu thương đều đã chết; không thể hiểu tại sao ai đó lại đổ xăng với giá 4 USD một gallon trong khi hãng Johnny's Standard bán với giá 27 xu"; và vẫn "lái" chiếc Dodge Charger 1968 của ông.

"Bất cứ ai biết Bill trước đây (trước chiến tranh) đều nhìn thấy, như gia đình anh chứng kiến trong đau đớn, thậm chí kinh hãi, việc một người đàn ông thông minh, hướng ngoại, thân thiện, tài năng trở thành một người, không phải kém cỏi hơn, mà là một người hoàn toàn khác", ông Paul nói với CNN.

Cáo phó được đăng trên Dickinson Press. Ảnh chụp màn hình.

Đến phần cuối cáo phó, ông Paul viết: "Bill luôn là một người đàn ông kiêu hãnh, nhớ về bản thân mình vào năm 1969, không phải con người mà anh trở thành.

Khi được hỏi về dòng này, ông Paul nhớ lại câu chuyện về một khoảnh khắc giữa anh trai và một y tá tại ngôi nhà cựu chiến binh ở Columbia Falls, bang Montana - nơi ông Bill sống từ năm 1994.

Cô y tá vừa chuyển từ Kentucky đến Montana, một sự thật mà cô đã đề cập với ông Bill. Một ngày nọ, khi đi làm, cô cảm thấy vô cùng cô đơn và buồn bã, vì một lý do mà ông Paul không đề cập đến.

Ông Bill nhận ra điều đó. Ông bắt đầu hát bài "My Old Kentucky Home" (Ngôi nhà cũ ở Kentucky của tôi). Người cựu binh hát không hay, nhưng khi ông hát đến đoạn "Ôi mặt trời chiếu sáng rực rỡ trên ngôi nhà cũ của tôi ở Kentucky / Giữ họ những lúc khó khăn cách xa cửa nhà tôi", cô y tá xúc động rơi nước mắt.

"Anh ấy muốn cổ vũ cô ấy", Paul nói, kết thúc câu chuyện. "Và nếu bạn nhìn anh ấy, bạn sẽ không tưởng tượng được bất cứ điều gì đằng sau đôi mắt đó. Nhưng thực ra là có".

Ám ảnh cả đời

Ông Paul tiếp tục: "Chúng ta là ai để nói ai đó tàn tạ. Chúng ta có thể như vậy về những người vô gia cư, chúng ta có thể nói rằng về nhiều người, nhiều người kém may mắn hơn tôi trong cuộc sống. Nhưng chúng ta là ai chứ?".

Kể từ khi cáo phó được đăng, ông Paul đã nhận được nhiều email từ những người mà ông không quen biết, ông nói. Họ nói với ông rằng bài viết của ông đã khiến họ xúc động, nói về người thân và bạn bè của họ với những rắc rối tương tự như anh trai ông.

Các cựu chiến binh Mỹ trở về từ Chiến tranh Việt Nam thường có nguy cơ trầm cảm cao. Ảnh: Shutterstock.

Những ảnh hưởng của Chiến tranh Việt Nam, và cách các cựu chiến binh Mỹ được đối xử khi họ trở về, đã kéo dài dai dẳng với rất nhiều người, ông Paul nói. Cuộc đời của anh trai ông đã tan nát sau cuộc chiến, và ông Bill không phải là người duy nhất.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với cựu chiến binh thời khác. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy nhiều cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), và thường là khởi phát muộn. Khoảng 30% cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam đã bị PTSD trong đời, theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ.

"Đó là một nỗi buồn", ông Paul nói, khi nói về những khó khăn mà các cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam phải đối mặt khi trở về nước. "Và tôi nghe thấy nỗi buồn đó trong những phản hồi mà tôi đã nhận được".

Đông Phong
Theo CNN

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chien-tranh-viet-nam-va-hai-lan-chet-cua-mot-cuu-binh-my-post1027351.html