Chiến tranh vẫn là một 'siêu đề tài' trong văn học thời hậu chiến

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn là một 'siêu đề tài' trong văn học nước nhà thời hậu chiến. Đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Thanh Truyền - Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh - trong cuộc trò chuyện cùng Hànôịmới Cuối tuần xung quanh những biến chuyển bề sâu của văn xuôi đề tài chiến tranh trong sinh quyển văn hóa, văn học đương đại Việt Nam.

- Trong phông nền của văn hóa, văn học đương đại 20 năm đầu thế kỷ XXI, chắc hẳn văn xuôi về đề tài chiến tranh cũng hiện diện với một sắc diện, cảm quan không giống trước và được chạy tiếp sức bởi một lực lượng cầm bút trẻ, mới mẻ, thưa ông?

- Trong phông nền của văn hóa, văn học đương đại 20 năm đầu thế kỷ XXI, chắc hẳn văn xuôi về đề tài chiến tranh cũng hiện diện với một sắc diện, cảm quan không giống trước và được chạy tiếp sức bởi một lực lượng cầm bút trẻ, mới mẻ, thưa ông?

- Độ lùi thời gian cùng với những thay đổi trong bối cảnh văn hóa, xã hội giúp người viết hôm nay lật trở, chiêm nghiệm chiến tranh từ lăng kính nhân văn, nhân bản gắn với những giá trị phổ quát. Chiến tranh hiển thị trên trang viết hôm nay chủ yếu từ cảm quan của nỗi buồn, của những suy tư, trăn trở trước quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Nỗ lực hiện đại hóa văn xuôi của đội ngũ cầm bút sau năm 1986 nói chung, 20 năm đầu thế kỷ XXI nói riêng thể hiện rõ nhất ở chỗ họ tự do thể nghiệm, mạnh dạn đi vào những khía cạnh, vùng mảng trước đây bị cho là nhạy cảm của chiến tranh với cái nhìn trực diện. Họ sáng tạo và tỏ bày suy cảm về lịch sử, về nhân sinh, thế cuộc, từ đó mang đến tiếng nói văn chương giàu tính đối thoại, đa thanh.

Dư âm, dư chấn của cuộc chiến mãi đeo đẳng khiến những nhà văn trực tiếp trải nghiệm chiến tranh phải viết ra để nhớ lại, sống lại, ghi lại một thời gian khổ, bi tráng mà bản thân, đồng đội, dân tộc đã trải qua. Tuy nhiên, nói về sự khởi sắc của đề tài chiến tranh trong văn xuôi 20 năm đầu thế kỷ XXI thì còn phải kể đến sự dấn thân, nhập cuộc của thế hệ nhà văn 7x, 8x, 9x, những người không trực tiếp dự phần vào chiến tranh. Đó là Nguyễn Ngọc Thuần với Cơ bản là buồn, Đỗ Tiến Thụy với Con chim Joong bay từ A đến Z, Nguyễn Đình Tú với Hoang tâm và Xác phàm, Nguyễn Thế Hùng với Họ vẫn chưa về, Phan Thúy Hà với Đừng kể tên tôi và Gia đình, Nguyễn Thị Kim Hòa với Đỉnh khói, Trần Thị Tú Ngọc với Ngụ ngôn tháng tư... Ngoài ra là Nguyễn Ngọc Tư, Phùng Văn Khai, Trương Anh Quốc, Trịnh Sơn, Văn Thành Lê, Bảo Thương, Nguyệt Chu, Lê Vũ Trường Giang... với rất nhiều truyện ngắn đáng chú ý.

- Theo ông, đâu là những ấn tượng, sức thuyết phục trong lối viết của văn xuôi hôm nay về đề tài chiến tranh?

- Vượt qua lối mòn và cũng là rào cản của bút pháp sử thi, văn xuôi hôm nay về đề tài chiến tranh gia tăng chất “văn xuôi”, chất đời thường, gia tăng gương mặt phụ nữ, trẻ em nhằm nỗ lực bổ khuyết những mặt khuất lấp của chiến tranh, tô đậm thêm bi kịch của chiến tranh với sức hủy diệt và những di chứng kinh hoàng mà nó để lại, tăng sức nặng của tiếng nói tố cáo, của tinh thần nhân bản.

Nhìn chiến tranh từ lăng kính kỳ ảo, từ thế giới tâm linh cũng là nét mới dễ nhận thấy và đáng được ghi nhận của văn xuôi hôm nay.

Văn xuôi về chiến tranh hôm nay thường nói nhiều hơn đến nỗi đau, đến mất mát của từng cá nhân cụ thể, giọng văn vì thế mà lắng xuống, câu chữ như òa trước sự thúc ép của nỗi xót xa, thương cảm. Tuy nhiên, bao trùm lên nhiều sáng tác vẫn là sự nhân hậu, minh triết của người viết (Đợi bạn - Ngô Tự Lập, Bến trần gian - Lưu Sơn Minh...). Giọng quan hoài da diết cũng gắn liền với mô típ con người cô đơn sau chiến tranh. Điều đó khiến cho nhiều tiểu thuyết không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi, day dứt trong giọng điệu trần thuật, bám riết tâm trí người đọc bởi những cung bậc của ký ức chiến tranh với âm hưởng trầm buồn, da diết và sâu lắng (Miền hoang - Sương Nguyệt Minh, Mình và họ - Nguyễn Bình Phương...).

Nỗ lực khu biệt, nâng tầm văn xuôi chiến tranh đương đại còn hiện diện ở nhiều triết lý, đối thoại gây hấn, truy vấn. Đâu chỉ mắc nợ con người, những kẻ châm ngòi chiến tranh còn gây sự, làm tổn hại nghiêm trọng đến tự nhiên, môi trường sống (Không biết gì về chiến tranh - Lê Minh Khôi, Viết từ hành tinh ký ức - Võ Diệu Thanh...).

Văn xuôi hôm nay viết về chiến tranh giàu tính liên văn bản trên tinh thần đối thoại lại những khung thước cũ. Ngoài ra, sự dung hợp nhiều thể loại trong mỗi tiểu thuyết cũng dẫn đến tình trạng phì đại diễn ngôn, hiện thực. Trong Hoang tâm, Nguyễn Đình Tú đưa thơ, nhạc, truyền thuyết và cả bài văn của học sinh vào văn bản tác phẩm. Ở Miền hoang, Sương Nguyệt Minh dụng công sưu tầm những bản tin trên báo, những bài thơ của đồng đội viết về chiến trường K; mỗi chương của cuốn sách, nhà văn đều dẫn một mẩu tin đã được báo chí đăng tải, có trích nguồn cụ thể, như một cách làm sống lại lịch sử một thời, giúp người đọc nhập cuộc, sống cùng không khí chiến trận.

Sự chuyển biến của văn xuôi chiến tranh cũng hiện diện rõ trong chất liệu - ngôn từ, nhất là dạng thức tục ngôn - đối cực với ngôn ngữ chính thống, hướng đến một chân dung người lính, một màu sắc rất khác của chiến tranh (Sắc màu chiến trận - Thu Trân).

Tựu trung, khi lựa chọn đề tài chiến tranh, ngay từ đầu, nhà văn hôm nay không thể đặt mình xuôi theo quán tính cũ. Bằng sự dụng công, độc sáng trong phương thức trần thuật, sáng tác của họ đã có những đóng góp đáng trân trọng cho nỗ lực làm mới một đề tài vốn thân thuộc của văn học dân tộc.

- Theo ông, đâu là đường bay khả dĩ nhất của đề tài chiến tranh trong giao diện văn học những năm hiện tại và tiếp theo?

- Chiến tranh đã lùi xa nhưng nó vẫn là một “siêu đề tài” trong văn học hậu chiến. Một sáng tác được xem là xuất sắc về chiến tranh trong thời đại này phải cho thấy có sự hòa kết đầy tính thẩm mỹ giữa diễn ngôn nghệ thuật và diễn ngôn lịch sử, diễn ngôn chiến tranh và diễn ngôn văn hóa. Bằng việc phục dựng chân thực chiến tranh - như - nó - vốn - là, văn học góp phần để cho độc giả, nhất là những người trẻ tuổi, có những kiến văn, xúc cảm tích cực. Những mặt được - mất của chiến tranh phải không ngừng được mổ xẻ, phân tích, tra vấn. Nhà văn tự đứng về phía nỗi đau, mất mát của cá nhân, dân tộc để có thêm nội lực khám phá chiến tranh ở mọi chiều kích mới mẻ của nó, góp phần “nối sự linh thiêng vào cuộc đời này”. Phải làm sao viết về cuộc chiến, về quá khứ bi hùng mà câu chữ ngồn ngộn chất sống của hiện tại, có sức nặng dự báo tương lai, khiến cuộc sống đáng sống hơn, người gần người hơn, để tác phẩm ra đời trong sự chân thật, đầy xúc động... là những thách đố không hề nhỏ đối với người cầm bút hôm nay.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phong Nhã

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/965548/chien-tranh-van-la-mot-sieu-de-tai-trong-van-hoc-thoi-hau-chien