Chiến tranh và những ký ức thảm khốc chưa bao giờ khép lại

Những câu chuyện không hoa mỹ, nhưng sức ám ảnh lớn hơn mọi trang viết hư cấu, bởi nó là câu chuyện thật, được kể bởi những cựu binh bao lần đối mặt với cái chết thảm khốc.

Đầu năm 2018, một cuốn sách không hẳn là lịch sử, cũng không phải là văn chương ra đời, về chiến tranh.

Đừng kể tên tôi của tác giả Phan Thúy Hà gồm 22 câu chuyện của 22 nhân vật đã đi qua chiến tranh, trở về, và kể lại câu chuyện chiến trận.

Những câu chuyện hết sức cá nhân ấy dung chứa một phần lịch sử. Mỗi một bước hành quân, mỗi một viên đạn họ chịu găm trong người, mỗi một trận sốt rét, một bàn tay nhặt thi thể đồng đội… đều là những chi tiết nhỏ trong bức tranh lớn về sự hy sinh của những người lính cho độc lập, thống nhất.

Chuyện nhặt xương thịt đồng đội giữa chiến tranh tàn khốc

Trong câu chuyện của những cựu binh kể lại không thiếu chi tiết khó khăn, đầy rẫy hiểm nguy. Thậm chí thần chết treo lơ lửng trên đầu, nhưng những người lính, thanh niên xung phong (TNXP) không màng tính mạng, đánh đổi sự sống của mình cho độc lập, thống nhất dân tộc.

Những cựu binh già kể câu chuyện về hy sinh, mất mát của mình và đồng đội trong sách Đừng kể tên tôi.

Những cựu binh già kể câu chuyện về hy sinh, mất mát của mình và đồng đội trong sách Đừng kể tên tôi.

Câu chuyện của Nguyễn Tâm Cớn (Tổ trưởng tổ phá bom Nguyễn Bích Cớn, Đại đội 317, đội 65 - Tổng đội TNXP, hiện sống ở Yên Thành, Nghệ An) kể, đầu năm 1968, Mỹ thả một loại bom mới, gọi là bom từ trường. Những quả bom nằm gần đường hút kim loại phát nổ. “Tôi bàn với anh em học cách phá bom”, ông Cớn kể.

Dù không phải nhiệm vụ của mình, nhưng đội TNXP ấy, cứ “bom ném xuống là ta đi phá luôn, không chờ đợi công binh đến. Phá sớm thì chị em ra san lấp đường sớm, xe thông đường sớm”. Và họ ôm thuốc nổ, ôm nguồn động viên của anh chị em để trườn vào bãi bom.

Đối mặt với thần chết, nhưng họ vẫn làm công việc ấy. “Chúng tôi không sợ chết? đừng nghĩ vậy. Chúng tôi rất sợ chết. Sống trong bom đạn suốt ngày đêm nỗi sợ chết càng mạnh hơn. Ai đó nói không sợ chết tôi nghĩ là họ nói cho qua chuyện. Cái chết lúc nào cũng bay lượn trên đầu” - ông Cớn kể.

Không màng tính mạng của mình nhưng sống sót trở về như ông Cớn là một may mắn. Có những người, thậm chí cả tiểu đội đã bỏ lại thân thể nơi chiến trường. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Ngọc (Trung đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 9, sư đoàn 320, hiện sống ở Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh) kể về những cái chết của người lính mà không trang văn nào có thể hư cấu được độ khốc liệt đến thế.

Trong đêm hành quân, B52 rải cắt ngang đội hình. Ông Ngọc bị tung lên ngọn cây, lộn nhào xuống đất. "Tôi bò dậy, cảm thấy khó thở. Mặt ướt đẫm. Hai tay vuốt liên tục. Máu chảy ra từ mũi từ miệng mà tôi tưởng là mồ hôi".

Ông Ngọc còn sống, nhưng đồng đội thì không. Công việc đau đớn nhất của người lính có lẽ là khi đi nhặt xác anh em đồng đội: “Chúng tôi mò mẫm nhặt suốt đêm. Sáng sớm mai nhìn thấy bốn khối thịt xương. Tiếp tục nhặt. Phải nhặt hết. Không được để sót. Nhìn lên ngọn cây là ruột. Xuống dưới khe là chân. Bên kia sườn núi là đầu. Tôi nhặt đem về đổ vào số xương thịt anh em.

Tiểu đội hỏa lực của tôi đi giữa đội hình đại đội. Một người bị lìa đầu, một người văng mất chân. Các đơn vị đưa danh sách số người chết. 58 người chết, 60 người bị thương.

58 phần xương thịt chia ra tương đối đồng đều. Không cần khớp. Không cần đầy đủ. Không cần. Không thể. Trải tăng, Trải ni long. Bốc thịt bốc xương vào. 58 ngôi mộ. Ban chỉ huy đại đội 11 bị xóa sổ”.

Khi ấy, ông Ngọc mới 17 tuổi. Đó là trận đánh số 10 của ông. Và phía trước, không biết còn bao nhiêu trận đánh như vậy nữa.

Có những người lính, TNXP được điều chuyển làm công việc an toàn hơn, nhưng vẫn xung phong ra nơi đầu tên mũi đạn. Bà Trần Thị Thông (Tiểu đội trưởng đội 2, Đại đội 317, đội 65- Tổng đội TNXP, hiện sống ở thành phố Vinh) trong bài Người về từ Truông Bồn là một người như vậy: Bảy thanh niên đi đợt này, chỉ mình tôi là nữ. Sau gần hai tháng nấu ăn được chuyển lên tổ làm đường. Nghe tin được chuyển trong lòng phấn khởi. Đi thanh niên xung phong mà nấu ăn thì rất chán”.

Cho tới khi cả tiểu đội hy sinh, còn lại một mình, bà được đưa về đội thu dung, lý do sức khỏe yếu. Nhưng người TNXP ấy vấn kiên quyết: “Về đội thu dung là nhận mình có tư tưởng buông xuôi. Tôi không buông xuôi”, và xin chuyển sang công tác khác.

Những đau đáu của thời hậu chiến

Chiến tranh khốc liệt, những liệt sĩ hy sinh như trong câu chuyện của ông Ngọc đã đành, những người lính may mắn sống sót trở về, cũng đau đáu nhiều nỗi niềm hậu chiến.

Sách khiến độc giả, nhất là độc giả thế hế sau, cảm nhận rõ về sự tàn khốc của chiến tranh, và sự hy sinh của những người lính.

Ông Trí (Hương Khê, Hà Tĩnh), trong bài Mười ngày sau là ngừng ném bom miền Bắc, chịu một nỗi đau lớn. Buổi trưa ngày mùng hai tháng Chạp năm 1972, ngôi nhà ông Trí trúng bom, 7 người chết. 7 cái xác nằm cạnh nhau, “vụn bom dăm đầy mặt”. Giờ đây, ở tuổi gần 90, ông vẫn sống một mình ở ngồi nhà dựng trên nền bị đánh bom năm xưa, để lưu giữ hơi ấm của các con.

Những thương binh từ chiến trường trở về mang theo vết thương, khiến không chỉ bản thân họ, mà cả gia đình đều phải chịu đựng. Ông Bùi Thanh Lương (Tiểu ban trinh sát trung đoàn 38, sư đoàn 2) tham gia trận đánh đêm mồng hai tết Mậu Thân 1968. Một viên đạn cắm sâu vào thái dương khiến ông bị ảnh hưởng thần kinh nặng nề đến sau này.

Trở về từ cuộc chiến, ông Lương không thể kiểm soát được mình, nhiều phen đặt tính mạng gia đình vào tay thần chết. Nhiều lần ông đuổi đánh vợ con, đốt nhà; hoặc tự đổ xăng vào chăn, trùm chiếc chăn đó lên người mình mà đốt. Mỗi lần ông Lương “lên cơn” như vậy, chiếc hầm tránh bom Mỹ xưa kia nay trở thành nơi vợ ông trốn chạy.

Cống hiến, hy sinh một phần máu thịt của mình, nhưng một số người rơi vào hoàn cảnh éo le trong hậu chiến. Ông Nguyễn Trọng Hiếu (Vận chuyển lương thực. Đoàn 559. Hiện sống tại xã Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh) sống một mình, vợ đã mất.

Khi tác giả sách Phan Thúy Hà tới thăm, trong căn nhà tồi tàn, ông lật lớp chiếu lấy ra một túi bóng kính đã ngả màu. “Những huy hiệu Đảng. Ông giơ lên từng chiếc, đếm trong túi này có bao nhiêu chiếc huy hiệu sao vàng". Đó là tài sản giá trị nhất của ông Hiếu.

Ông đi bộ đội mười năm. Hai chân bị nhiễm độc sùi lên gớm ghiếc. Ông không có lương, vì bị mất hết giấy tờ. “Một đợt tôi định ra Hà Nội tìm ông Đồng Sỹ Nguyên nhờ làm chứng. Ông ấy từng gặp tôi trong chiến trường. Rồi ở đây người ta nói có tiền triệu để đi Hà Nội thì để đó mà ăn, được gì không biết nhưng già cả rồi lỡ đi đường sá xa xôi lỡ làm sao thêm khổ. Tôi lại phân vân. Tiền triệu tôi làm gì có. Muốn ra Hà Nội phải tính đi vay”, ông Hiếu kể.

Sau chiến tranh, những người lính vẫn luôn đau đáu đi tìm nhau. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Ngọc kể về việc đi tìm lại bạn chiến trường hết sức bình dị mà xúc động.

“Lần đầu tiên sau hơn bốn mươi năm anh em mới được ngồi với nhau chuyện không sao dứt được. Tới ba giờ sáng rủ nhau ra khe tắm… Chúng tôi hét, chúng tôi cười, chúng tôi bảo mình là những thằng điên. Hai bờ khe là bãi đá hệt như bãi đá ngày xưa tôi ngồi kỳ cọ bộ quần áo của đồng đội đã hy sinh. Cười cười mà vẫn không ngăn được hai hàng nước mắt”.

Giờ đây, trở về giữa đời thường, sau bao năm, những người lính, TNXP đã trở thành những ông già, bà lão. Gặp nhau, tiếng cười hòa với giọt nước mắt tự nhiên rơi cho những đồng đội đã nằm lại chiến trường, cho sự may mắn của họ khi trở về, và vẫn còn phút giây gặp lại nhau.

Khi sự thật xúc động hơn mọi trí tưởng tượng

22 câu chuyện sinh tử của người lính trong Đừng kể tên tôi được tác giả Phan Thúy Hà viết lại theo một cách đặc biệt. Trong một mùa hè có thời gian, Phan Thúy Hà đã đưa hai con của mình rong ruổi khắp miền Trung quê chị. Gặp những người lính, chị nghe câu chuyện của họ, và kể lại cho độc giả nghe trong cuốn sách nhỏ.

Tác giả Phan Thúy Hà và một nhân vật trong sách.

22 câu chuyện không cầu kỳ hoa mỹ, không dựng hình tượng anh hùng, bất tử. Tất cả đều được viết với một giọng kể. Ở đó, nhân vật nào cũng xưng “tôi”. Họ kể câu chuyện đời mình với một yêu cầu: “Đừng kể tên tôi”, bởi họ nghĩ rằng câu chuyện của những “tôi” ấy, trong chiến tranh nơi nào chẳng thế, người lính nào chẳng gặp những gian nan, khốc liệt vậy, và hy sinh mất mát như vậy.

Nhưng chính những câu chuyện cá nhân mang sức mạnh lớn lao của trải nghiệm, của sự thật. Nó nói với độc giả, nhất là thế hệ sau không kinh qua chiến tranh, về sự khốc liệt, sự hy sinh. Sự thật mang tới sự xúc động mà không một trí tưởng tượng, một trang văn hư cấu nào có thể đạt tới.

Sử dụng những câu đơn, ngắn gọn; cách ngắt đoạn nhanh, gấp, như cái cách mà báo chí thông tấn vẫn làm, văn phong của Đừng kể tên tôi vì thế càng tăng thêm độ chân thật.

Dường như Phan Thúy Hà đã gặp những người lính, ghi âm lại, và rồi đưa câu chuyện từ dạng kể thành chữ viết cho nhiều người đọc. Nó mang tới cảm giác tác giả chẳng thêm bớt gì vào đó. Cách làm của Phan Thúy Hà trong Đừng kể tên tôi gợi nhớ tới Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ - cuốn sách của tác giả đạt giải Nobel Svetlana Alexievich.

Tuy nhiên, cũng vì đưa ra lời kể tràn từ đầu tới cuối sách, nên Đừng kể tên tôi thiếu đi một thông điệp cốt lõi. Nếu những chuyện ấy được sắp xếp trên một cái khung vững chắc (ví dụ, như câu chuyện của những TNXP ở Hà Tĩnh) sắp xếp lại các chi tiết, câu chuyện, đưa vào chút bút cảnh, thậm chí chú trọng chọn nhân vật theo chủ đích, thì ý nghĩa của sách sẽ còn lâu bền hơn.

Thu Hiền

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chien-tranh-va-nhung-ky-uc-tham-khoc-chua-bao-gio-khep-lai-post863627.html