Chiến tranh thương mại: Trung Quốc thực ra không cần Mỹ như lầm tưởng

Trung Quốc không hề dễ bị khuất phục không chỉ riêng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ mà còn với nhiều nước khác.

Ảnh: One Brief

Bất kỳ một ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến thương mại với Mỹ cần nhìn lại câu chuyện của công ty Biobase.

Sau khi hiểu câu chuyện đó, họ sẽ phải thừa nhận rằng Trung Quốc không hề dễ bị khuất phục không chỉ riêng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ mà còn với nhiều nước khác, theo khẳng định của Bloomberg trong bài báo mới đây.

Hãng sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm Biobase từng gặp khó khi kiếm đơn hàng ngay tại nội địa, ngành sản xuất các thiết bị kiểu này tại Trung Quốc bị thống trị bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Thế nhưng triển vọng kinh doanh của công ty đã trở nên sáng sủa hơn khi khả năng chiến tranh thương mại khiến cho các khách hàng tìm đến doanh nghiệp nội địa nhiều hơn.

Chủ tịch Biobase từng nhận xét: “Thị trường nội địa phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu. Tuy nhiên mọi chuyện nay đã khác, cơ hội đang ngày một nhiều”.

Câu chuyện được Trung hoa Nhật báo đăng tải đã truyền đi một thông điệp quan trọng: Chính phủ Trung Quốc rất vui khi người Trung Quốc mua hàng sản xuất tại nội địa thay cho hàng Mỹ.

Trong rất nhiều những sự hiểu lầm của phía Mỹ đằng sau chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, hiểu lầm sau đây hẳn sẽ là nghiêm trọng nhất: Trung Quốc không hề tuyệt vọng để giữ được mối quan hệ tương hỗ với phía Mỹ. Thay vào đó, phía Trung Quốc đặt mục tiêu để trở nên độc lập hơn về kinh tế.

Một Trung Quốc độc lập như vậy khác hoàn toàn với một Trung Quốc theo tưởng tượng của Tổng thống Trump. Đối với Nhà Trắng, Trung Quốc vẫn quá cần đến Mỹ để có được tăng trưởng kinh tế và việc làm. Và họ tin rằng sẽ đến lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải “nhún”, vấn đề chỉ còn là thời gian.

Trên thực tế, các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump sẽ khó mà gây ra được những ảnh hưởng đủ lớn lên Trung Quốc để khiến cho Chủ tịch Trung Quốc phải nhượng bộ. Trung Quốc có một thị trường tiêu dùng nội địa đủ lớn, thị trường này đang có vai trò ngày một quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Nếu nhìn rộng ra hơn nữa, chiến lược kinh tế của Trung Quốc chính là thay thế công nghệ và sản phẩm nước ngoài bằng những sản phẩm thay thế mà phía Trung Quốc có thể kiểm soát được. Chính phủ Trung Quốc muốn người dân mua điện thoại Xiaomi và ô tô Geely hơn là iPhone và Buicks.

Chương trình “Made in China 2025” đặt mục tiêu như vậy. Chương trình này muốn phát triển nhiều công nghệ mới nhằm thay thế công nghệ của nước ngoài đang được sử dụng tại Trung Quốc. Nhìn từ góc độ đó, Trung Quốc muốn hạn chế sự can thiệp của bên ngoài vào nền kinh tế.

Hơn thế nữa, Trung Quốc đang đặt mục tiêu phát triển thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác ngoài Mỹ. Cũng theo Trung hoa Nhật báo, chủ tịch của Biobase có riêng một bản đồ trong văn phòng của ông, trong đó những nước có tham gia vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh dấu rõ ràng.

Theo sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ra nhiều nền kinh tế phát triển để có thể nâng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Trung Quốc. Theo cách này, Trung Quốc đang cố gắng tạo ra riêng khối kinh tế của mình.

Trong tất cả những điều được đề cập ở trên, không có điều gì cho thấy Trung Quốc sẽ muốn thỏa thuận với Mỹ về thương mại. Phía Trung Quốc nhìn nhận kế hoạch phát triển của nước này giữ vai trò vô cùng quan trọng với an ninh quốc gia và vị thế của Trung Quốc trên thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực ra không quá hào hứng về một thỏa thuận thương mại như kỳ vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông hẳn sẽ chỉ chấp nhận những gì không tác động xấu đến mục tiêu kinh tế tổng thể của ông.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/chien-tranh-thuong-mai-trung-quoc-thuc-ra-khong-can-my-nhu-lam-tuong-3468533.html