Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang tạo ra những hậu quả khó lường

Trung Quốc từng phát đi tín hiệu sẽ giảm mua trái phiếu chính phủ Mỹ - nếu điều này xảy ra sẽ khiến lãi suất tại Mỹ trong dài hạn tăng lên và gây gián đoạn thị trường tài chính khắp thế giới.

Ảnh: Foreign Policy

Cuộc chiến thương mại giữa những nền kinh tế lớn có nhiều mối ràng buộc với nhau như Mỹ và Trung Quốc đã gây tác động đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu và tạo ra nhiều yếu tố bất ổn trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, tài chính và điện tử.

Trong ngày thứ Sáu tuần vừa rồi, chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức áp thuế nhập khẩu 25% với khoảng 34 tỷ USD hàng Trung Quốc để đáp trả lại việc Trung Quốc vi phạm bản quyền trí tuệ.

Tổng thống Trump đồng thời khẳng định rằng nếu Bắc Kinh “phản công”, Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế lên cao hơn nữa, thậm chí quy mô giá trị hàng hóa áp thuế có thể lên đến 500 tỷ USD, gần tương đương với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ trong năm ngoái.

Lập tức phía Bắc Kinh đã phản ứng, Bắc Kinh tăng thuế đối với quy mô tương đương hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế ngày một phụ thuộc nhiều vào nhau đã tạo ra nhiều hậu quả không thể lường trước.

Trong danh sách hàng hóa bị Mỹ tăng thuế, không hề có điện thoại di động, đặc biệt điện thoại thông minh dù giá trị nhập khẩu của nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc vào Mỹ lên đến 70,4 tỷ USD. Giới chức Mỹ thừa hiểu rằng các công ty Mỹ có được nhiều ích lợi từ sản phẩm như iPhone của Apple.

Apple thiết kế điện thoại tại Mỹ, mua linh kiện từ công ty Nhật và Nhật Quốc, cuối cùng sản xuất ở Trung Quốc. Thế nhưng phần lớn giá trị gia tăng cho chiếc điện thoại lại đến từ Mỹ, ở những công đoạn cao hơn như thiết kế, bán hàng và dịch vụ.

Với mỗi chiếc iPhone có giá 650USD, Trung Quốc chỉ thu về được 8,50USD, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của Tổng thống Trump về việc giảm hẳn thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn không khỏi tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng.

Công ty Pegatron của Đài Loan, một công ty lắp ráp iPhone lớn, trong tháng 5/2018 đã thông báo về kế hoạch xây nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ trong năm nay, theo lý giải của chủ tịch Tung Tzu-hsien, quyết định đó bắt nguồn từ yếu tố bất ổn trong thương mại toàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tăng cường hoạt động trồng đậu tương, trước đó, chính phủ Trung Quốc đã giảm mua đậu tương để trả đũa lại Mỹ. Đậu tương là loại nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong loại dầu được dùng phổ biến ở Trung Quốc, đậu tương được dùng làm thức ăn cho lợn, chính vì vậy mua đậu tương giá rẻ từ Mỹ đã giúp cho giá hàng hóa ổn định.

Phía Bắc Kinh đã chấp nhận giảm nhập khẩu một mặt hàng cực kỳ quan trọng nhưng có thể gây ra nhiều tác động nhất đến phía Mỹ, đặc biệt cộng đồng nông nghiệp Mỹ vốn ủng hộ nhiệt tình cho Tổng thống Trump trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2018. Tại Trung Quốc, hoạt động trồng đậu tương đang được mở rộng nhanh chóng.

Khi mà cuộc chiến thuế quan ngày một căng thẳng hơn, vào tháng 4/2018, Trung Quốc khẳng định sẽ trợ cấp nhiều hơn cho nông dân trồng đậu tương, tuy nhiên, một số nông dân đã không đón nhận được thông điệp này kịp lúc.

Một nông dân địa phương cho biết: “Khi nhận được tin về chính sách trợ cấp, tôi đã trồng ngô và đang phun thuốc sâu, chẳng có cách nào thay đổi được cả”.

Tất nhiên, việc lập tức tăng được sản lượng đậu tương trong nước vô cùng khó khăn, Trung Quốc dường như đang quyết tâm cho một cuộc chiến dài hạn.

Chính sách của Mỹ trong việc hạn chế phát triển công nghệ Trung Quốc chỉ khiến cho công nghệ Trung Quốc phát triển mạnh hơn. Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những lệnh trừng phạt tập trung vào lĩnh vực công nghệ khiến cho sự tự chủ công nghệ tại nội địa lên cao. Trung Quốc đang có những bước tiến dài trong ngành bán dẫn.

Khi căng thẳng lên cao hơn, sự kiềm chế của hai bên giảm bớt, Trung Quốc thậm chí từng phát đi tín hiệu sẽ giảm mua trái phiếu chính phủ Mỹ - nếu điều này xảy ra sẽ khiến lãi suất tại Mỹ trong dài hạn tăng lên và gây gián đoạn thị trường tài chính khắp thế giới. Động thái này khác hẳn với trước đây khi mà Trung Quốc sẽ rất ngại nói đến một chính sách kiểu như vậy.

Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc hiện nắm khoảng 1,18 nghìn tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính, giá trị này tương đương khoảng 20% tổng giá trị nắm giữ của nhà đầu tư bên ngoài Mỹ với loại tài sản này. Thị trường tài chính thế giới đã tính đến khả năng này trong trường hợp mọi chuyện xấu đi.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/chien-tranh-thuong-mai-trung-my-dang-tao-ra-nhung-hau-qua-kho-luong-3458639.html