Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam buộc phải thay đổi nếu muốn tận dụng cơ hội

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước cơ hội lớn, hiếm hoi của xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam buộc phải cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nếu không muốn đánh mất cơ hội.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn

Tác động tích cực của chiến tranh thương mại

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được kích hoạt đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của nền kinh tế toàn cầu. Năm 2018 chứng kiến sự phục hồi cả thiếu đồng đều lẫn chắc chắn của kinh tế thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục điều chỉnh các dự báo của mình theo chiều hướng kém tích cực hơn.

Những ước tính mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 là vào khoảng 3,7%. Song, sự tăng trưởng này diễn ra không đều giữa các nhóm và thậm chí giữa các nước trong cùng nhóm.

Đáng lưu ý, những quan ngại về kinh tế Trung Quốc ngày một cao hơn khi tăng trưởng thương mại và đầu tư của nước này được dự kiến tiếp tục sụt giảm do căng thẳng thương mại với Mỹ. Chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mốc 50. Ngân hàng trung ương nước này đã bắt đầu phải thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong nước.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại đang tạo những tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2018 với kim ngạch 47,5 tỷ USD, tăng tới 14,2% so với cùng kỳ 2017.

Kinh tế thế giới sẽ ra sao trong năm 2019?

Trong đó, một phần nguyên nhân có thể tới từ việc Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi có thêm các đơn hàng từ phía Mỹ chuyển dịch sang.

Mặt khác, Hàn Quốc đã trở lại thay thế Trung Quốc thành đối tác tạo ra nhập siêu lớn nhất với Việt Nam với mức nhập siêu 29,6 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 23,9 tỷ USD. Nhập siêu cao với Hàn Quốc chủ yếu tới từ thực tế các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung nhập khẩu tư liệu sản xuất từ quốc gia này.

Trong tương lai gần, ông Thành cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung có thể mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Trước mắt, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể tìm được một chút ưu thế so với hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc có thể gặp khó khăn. Tổng hợp của hai yếu tố này có thể gây ra những tác động mang tính cấu trúc đến các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Thêm vào đó, việc đón nhận làn sóng đầu tư và chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc có thể giúp Việt Nam cải thiện cán cân thương mại nhiều hơn nữa trong tương lai.

Việt Nam buộc phải thay đổi nếu muốn tận dụng tốt cơ hội

Theo ông Nguyễn Đức Thành, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn, hiếm hoi của xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước để đón đầu cơ hội này.

Trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.

"Cuộc chiến thương mại đang dẫn đến sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất toàn cầu, trong đó, Việt Nam cũng là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng ta phải có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thay đổi theo hướng thị trường, nếu không cơ hội sẽ qua đi, Việt Nam sẽ mất rất nhiều cơ hội lớn", ông Thành nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, việc hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn trong tiêu thụ ở Mỹ, có thể sẽ khiến quốc gia này tìm kiếm thị trường mới và thị trường ngay gần Trung Quốc chính là Việt Nam. Vì thế, bên cạnh việc doanh nghiệp trong nước phải tăng cường sức cạnh tranh đề cạnh tranh, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần kiểm soát chặt chẽ thị trường, tránh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, những bất định và rủi ro của nền kinh tế thế giới đang gia tăng, xoay quanh các vấn đề chính là địa chính trị; giá cả; hàng hóa và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những cơ hội trong ngắn hạn từ việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, xét về mặt lâu dài, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực do sự suy giảm của kinh tế thế giới. Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động, bên cạnh việc mở ra cho Việt Nam những cơ hội phát triển mới cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Chính phủ cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Qua đó, giúp tăng sức mạnh nội tại của nền kinh tế để đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới, ông Thành nhận định.

An Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-viet-nam-buoc-phai-thay-doi-neu-muon-tan-dung-co-hoi-1547482750118.htm