Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiên liệu sẽ leo thang

Các 'đòn' thuế quan mới của Mỹ sẽ nhằm vào khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ xấu đi sau khi những người ủng hộ chính sách hiếu chiến (nhóm “diều hâu”) của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã giành được thế thượng phong và sẵn sàng ra "đòn" tấn công vào mùa thu.

Các “đòn” thuế quan mới của Mỹ sẽ nhằm vào khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Cuối tuần trước, cuộc đàm phán thương mại cấp trung giữa Mỹ và Trung Quốc đã không đem lại kết quả khả quan. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu rõ rệt nào việc hai bên sẽ chấm dứt những hành động “phản pháo”.

Thay vào đó, những “đòn” thuế quan mới đã được hé lộ với việc Tổng thống Trump dọa sẽ áp thuế lên khoảng 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ có đòn trả đũa.

“Chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc chiến thương mại leo thang trong vài tháng tới”, ông David Dollar, chuyên gia Viện Brookings nhận định.

Ngay cả trước khi cuộc đàm phán tuần trước thất bại, không khó để dự đoán những diễn biến cuộc chiến thương mại sắp tới.

Thậm chí, trong khi hai bên đang đàm phán, Mỹ đã ra “đòn” áp thuế nhập khẩu bổ sung lên 16 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng trong tuần trước, Tổng thống Trump đã ấn định thêm các quy định hạn chế đầu tư từ Trung Quốc.

Tại cuộc họp với các nhà lập pháp tại Nhà Trắng vào tuần trước, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Sự tập trung vào Trung Quốc là chưa đủ, và điều này đã diễn ra trong thời gian dài.”

Cũng tại cuộc họp ở Washington vào thứ 6 tuần trước, các quan chức của chính quyền Donald Trump cùng người đồng cấp từ châu Âu và Nhật Bản đã thảo luận về cách thức đưa Trung Quốc vào “tiến trình thay đổi”.

Động thái này càng làm rõ quan điểm của các nhà phân tích rằng nhóm “diều hâu” của Tổng thống Trump đã giành thắng lợi trong cuộc thảo luận tìm kiếm giải pháp đương đầu với Trung Quốc - đối thủ số 1 của Mỹ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Chuyển đổi trên diện rộng

Ông Scott Kennedy, chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington) nhận định, diễn biến mấy tuần qua cho thấy nhóm “diều hâu” đã thắng lợi theo cách mà Mỹ muốn.

Khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dẫn đầu các đoàn thăm Trung Quốc hồi đầu năm nay, thì mục tiêu ưu tiên của các chuyến thăm này là thúc đẩy nhập khẩu đậu tương, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các mặt hàng khác của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương, vốn đã là nỗi ám ảnh của Tổng thống Trump.

Vài tháng sau đó, mục tiêu của chính quyền Trump đã được mở rộng. Chính quyền Trump đã yêu cầu thực hiện thay đổi cấu trúc lâu dài trong chính sách với Trung Quốc, chẳng hạn như chấm dứt trợ cấp công nghiệp và chống đánh cắp sở hữu trí tuệ. Đây là hai mục tiêu mà những “diều hâu” như ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ và ông Peter Navarro, cố vấn thương mại Nhà Trắng đã nỗ lực thực hiện.

Đó là “sự chuyển đổi trên diện rộng”, chuyên gia Kennedy nhận định.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mâu thuẫn thương mại nội bộ tại Nhà Trắng đã kết thúc. Theo ông Kennedy, các “diều hâu” đang nhắm đến một chương trình nghị sự tham vọng hơn. Tuy nhiên, với mục tiêu dịch chuyển chuỗi cung ứng từ châu Á về Mỹ thì bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài.

Ông Chad Bown, chuyên gia thương mại tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng, nước cờ cuối cùng của chính quyền Trump vẫn chưa hiện rõ.

Tại Mỹ, đã xuất hiện nhiều bất ổn trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuần trước, nhiều doanh vừa và nhỏ tại Mỹ đã tuần hành để kiến nghị về đợt thuế quan sắp tới. Khoảng 6.000 sản phẩm, từ hải sản đến xe đạp sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt thuế quan này.

“Sức khỏe” của kinh tế Mỹ có thể tạo không gian để Tổng thống Trump thực hiện các biện pháp leo thang. Doanh nghiệp tại Mỹ có thể khiếu nại về chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, nhưng họ cũng thu lợi từ việc cắt giảm thuế tại Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách dự trữ liên bang đã cảnh báo rằng chiến tranh thương mại là một nguy cơ lớn đối với nền kinh tế, nhưng thực tế cuộc chiến thương mại vẫn diễn ra.

Tuần trước, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo: “mức tăng trưởng sẽ mạnh lên” và kèm theo đó, lãi suất sẽ tăng dần. Tuy nhiên, Chủ tịch FED không hề đề cập đến vấn đề thương mại.

Trả lời trên truyền hình Bloomberg, bà Loretta Mester, Chủ tịch FED tại thành phố Ohio (Mỹ) khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần theo sát cách doanh nghiệp Mỹ phản ứng đối với các động thái thuế quan.

Bà Mester cho biết: "Các doanh nghiệp nơi đây vẫn chưa có phản ứng mạnh mẽ nào và họ cũng không cắt giảm các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch trước đó”./.

CTV Hồng Quang/VOV.VNTheo Bloomberg

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-tien-lieu-se-leo-thang-805362.vov