Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ép tỷ giá USD tiếp tục tăng

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong thời gian tới, tỷ giá USD vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối

Chia sẻ về thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ hai trong quý 2/2018 là một trong những nhân tố quan trọng nhất đẩy đồng USD tăng giá và khiến nhiều đồng nội tệ mất giá. Điều này tác động đáng kể tới tỷ giá hối đoái VND/USD trong quý vừa qua.

Theo đó, cả tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ. Cụ thể, tỷ giá bán ra tại Vietcombank đạt 22.990 VND/USD vào ngày 29/6, tăng 0,74% so với cuối tháng ba và 1,08% so với đầu năm 2018. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.650 đồng/USD vào ngày 29/6, tăng nhẹ 0,85% so với đầu quý 2. Còn USD trên thị trường tự do cũng đã vượt ngưỡng chặn 23.000 đồng.

Bước sang những ngày đầu tháng 7, tỷ giá USD/VND cũng tiếp tục được điều chỉnh đi lên. Tính đến ngày 13/7, tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.648 VND/USD. Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại được niêm yết trên mức 23.000 đồng/USD.

Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Đức Thành, trong thời gian tới, tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Giống như quý 1, thặng dư thương mại cùng với lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân cao đã cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối trong quý 2.

Cụ thể, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ ngày 2/7, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Điều này dẫn tới dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 63,5 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng ngoại hối này cũng chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu, bằng với mức khuyến nghị của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu một quốc gia cần nắm giữ.

“Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập”, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách kiến nghị.

Giảm lãi suất có thể sẽ không tiếp tục diễn ra

Cũng liên quan đến diễn biến thị trường tiền tệ, theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, tính tới thời điểm 20/6/2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 6,35% so với tháng 12/2017, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (2017 là 7,54%).

Các Ngân hàng thương mại còn phải nỗ lực nhiều trong nửa sau của năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% do Ngân hàng Nhà nước đề ra. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn của các Ngân hàng thương mại lại cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (7,78% so với 5,89% của năm 2017).

Theo VEPR, hiện cán cân trên thị trường vốn nghiêng về phía cung giúp thanh khoản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Điều này được thể hiện rõ trong mặt bằng lãi suất.

Cụ thể, một số ngân hàng thương mại đã chủ động giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt. Bên cạnh nguyên nhân tới từ tăng trưởng huy động-tín dụng, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào nhờ việc Ngân hàng Nhà nước mua 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, trong khi chỉ hút vào hơn 62,5 nghìn tỷ VND qua kênh OMO và tín phiếu.

Tuy nhiên, theo VEPR, trong bối cảnh đồng nội tệ đang giảm giá so với USD, việc giảm lãi suất có thể sẽ không tiếp tục diễn ra.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201807/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-se-ep-ty-gia-usd-tiep-tuc-tang-608519/