Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung rất nguy hiểm

Nếu ông Trump áp dụng logic đánh thuế EU, Mexico với Trung Quốc, hai nước sẽ vướng vào một cuộc chiến toàn diện, dai dẳng và chưa dự báo hết được thiệt hại.

Sau khi Mỹ công bố lệnh áp thuế 10% lên danh sách hàng hóa Trung Quốc (TQ) trị giá 200 tỉ USD kể từ ngày 24-9 và có thể tăng lên 25% vào cuối năm nay, Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa Washington bằng lệnh áp thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ.

“Bình yên” chỉ trong ngắn hạn

Thông tin Mỹ-Trung tiếp tục leo thêm một nấc thang mới trong cuộc chiến thương mại dường như không khiến thị trường biến động mạnh như những lần đầu tiên hai bên tuyên bố “kẻ tấn công - người trả đũa”. Cụ thể, ngay sau TQ tuyên bố đánh trả Mỹ, Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 184,84 điểm. Trong ngày thứ Tư (19-9), thị trường thế giới nhìn chung đều tăng điểm.

Bài xã luận của tờ The New Yorker nhận định “thái độ thờ ơ của nhà đầu tư là hoàn toàn dễ hiểu. Xung đột thương mại Mỹ-TQ đã rầm rộ suốt gần năm qua và trên thực tế cuộc chiến không ảnh hưởng nhiều đến các nền kinh tế còn lại của thế giới. Tăng trưởng GDP và công ăn việc làm đều ở mức lạc quan. Lợi nhuận của nhiều tập đoàn thậm chí đã đạt đỉnh điểm.

Tuy nhiên, The New Yorker cảnh báo đừng xem nhẹ các mối đe dọa có thể xảy ra. Không những cả Mỹ và TQ đều không được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại mang tính toàn diện và kéo dài, có quá ít khả năng cuộc chiến này sẽ được giải quyết trong tương lai gần. Đồng thời, mặc dù nền kinh tế Mỹ trông có vẻ đang được phục hồi nhưng phần lớn thành tựu đó xuất phát từ các chính sách nội bộ của Mỹ liên quan đến thuế và chi tiêu chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới lâm vào một cuộc chiến kéo dài, sự “bình yên” của các thị trường sẽ thật sự được kiểm chứng.

Ông Trump (phải) đang cùng người đồng nhiệm Trung Quốc bước vào một cuộc chiến toàn diện và kéo dài. Ảnh: CNN

Ông Trump quá tự tin?

Điều nguy hiểm nhất chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như tin rằng có thể khuất phục TQ bằng đe dọa thuế quan. Tháng trước, Mexico đã đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ trong việc điều chỉnh lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các cuộc đàm phán với Canada vẫn đang tiếp diễn và đạt được những dấu hiệu tích cực. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng tiến hành đàm phán với Wahington bằng cam kết gia tăng nhập khẩu hàng từ Mỹ và tiến hành các cuộc thương thuyết để đạt được các thỏa thuận thương mại rộng mở hơn. Ở châu Á, Hàn Quốc cũng đã nhượng bộ Mỹ với việc giảm thuế cho hàng nhập từ Mỹ và chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu khi bán hàng sang Mỹ.

Ông Trump dường như thích chiến lược đe dọa: Dọa rút khỏi NAFTA, đánh thuế ô tô EU và các sản phẩm từ sữa của Canada - buộc các nước phải nhượng bộ. Trong bối cảnh hiện nay, có vẻ ông Trump tin tưởng rằng Mỹ có thể làm điều tương tự với TQ. Hôm Chủ nhật, ông Trum viết trên Twitter “Thuế quan đặt Mỹ vào thế mạnh khi đàm phán, với hàng tỉ USD và việc làm, đang chảy vào nước ta. Cho đến nay, cái giá (Mỹ) phải trả gần như không đáng kể. Nếu các nước không làm ăn công bằng với chúng ta, họ sẽ phải chịu đánh thuế”. Một ngày sau tuyên bố này, Nhà Trắng thông báo kế hoạch đánh thuế 200 tỉ USD hàng hóa TQ, nối dài gói thuế 50 tỉ USD trước đó. Ông Trump còn dọa sẽ áp thuế với 267 tỉ nữa nếu TQ trả đũa.

Xét về mặt toán học, ông Trump có lý khi tự tin với chiêu bài đánh thuế. Bởi lẽ tổng hàng hóa xuất khẩu của TQ sang Mỹ lớn khoảng bốn lần so với chiều ngược lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là TQ sẽ dừng lại.

TQ không giống EU hay Mexico

Mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ với EU, Mexico hay Canada là rất nhỏ so với Mỹ và TQ. Trong khi cả EU và Mexico chỉ cần nhượng bộ nhỏ là có thể ngăn một cuộc chiến lớn thì Bắc Kinh không chọn cách đó, The New Yorker nhấn mạnh. TQ đã lên tiếng “nhượng bộ” bằng lời hứa gia tăng mua hàng Mỹ, giảm thuế với ô tô nhập từ Mỹ, thể hiện thiện chí trong việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng Bắc Kinh dường như nhận ra rằng điều mà ông Trump và các nhà làm chính sách Washington thật sự mong muốn chính là áp đặt một mô hình kinh tế tự do kiểu phương Tây, điều có thể khiến TQ chịu những tổn hại về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn lẫn hình ảnh chính trị của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Thậm chí TQ chỉ trích Mỹ từng áp dụng mô hình phát triển như TQ đang làm vào giai đoạn thế kỷ 19 để vươn lên trở thành cường quốc như hiện nay.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra hôm thứ Ba (18-9), ông Fang Xinghai, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết chứng khoán TQ, nói rằng ngay cả khi Mỹ đánh thuế tất cả hàng hóa TQ thì nền kinh tế TQ vẫn đủ sức trụ vững. Theo vị này, ước tính GDP của TQ sẽ giảm khoảng 0,7% - con số có thể chấp nhận được khi tăng trưởng GDP bình quân các năm qua của TQ luôn cao hơn 6,5%. “Vì thế, chúng tôi đã sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất và chúng tôi tin nền kinh tế TQ vẫn sẽ ổn” - ông Xinghai nói.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính TQ Lâu Kế Vĩ cho rằng TQ có thể làm tổn thương các nhà sản xuất Mỹ bằng việc đặt hạn ngạch hoặc cắt giảm nguồn cung đầu vào quan trọng, ví dụ linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô. Ngoài ra, TQ hoàn toàn có thể dùng các biện pháp mang tính hành chính để làm khó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mỹ, lẫn các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại nước này.

TQ bán ròng trái phiếu kho bạc Mỹ

Trên thực tế, TQ - chủ nợ lớn nhất của Mỹ có thể tung bán lượng lớn trái phiếu của Mỹ để tấn công ông Trump. Tờ Bloomberg dẫn số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18-9 cho biết lượng nắm giữ trái phiếu, tín phiếu và hối phiếu Mỹ của TQ đã giảm còn 1,17 ngàn tỉ USD, thấp nhất trong sáu tháng vừa qua. Trong khi đó, Nhật Bản - chủ nợ lớn thứ nhì của Mỹ đã nâng mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ lên 1,04 ngàn tỉ USD trong tháng 7, tăng 5,1 tỉ USD so với tháng 6.

THÙY ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/chien-tranh-thuong-mai-mytrung-rat-nguy-hiem-793207.html