Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Cuộc chiến thương mại có nguy cơ trở thành chiến tranh tiền tệ?

Các chuyên gia đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên mức cao. Trong đó, nguyên nhân sâu xa và cốt lõi theo nhiều chuyên gia có thể xuất phát từ việc Chính quyền Mỹ muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về mặt kinh tế lẫn địa chính trị. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không che giấu tham vọng thực hiện 'Giấc mộng Trung Hoa' mang tên 'Made in China 2025', đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới. Và Mỹ đương nhiên sẽ không bao giờ chấp nhận việc quốc gia khác vượt lên mình.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đại Phượng – chuyên gia bình luận quốc tế cho biết:

Hiện Mỹ và Trung Quốc đều đang là những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc còn Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Nếu vấn đề này chỉ là vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chịu nhượng bộ. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc lo ngại là Mỹ muốn kinh tế Trung Quốc suy yếu đi. Trong thời gian qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như vũ bão. Lãnh đạo Trung Quốc từng nói rằng, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ không sản xuất hàng rẻ nữa mà sẽ tập trung sản xuất hàng giá trị cao như tên lửa, robot... để trở thành nền kinh tế mạnh toàn cầu. Thời gian qua, Trung Quốc mua nhà máy sản xuất robot ở Đức, nhà máy hạt nhân ở Anh. Như vậy, không bao lâu sau khi nắm quyền điều hành, Trung Quốc sẽ làm chủ công nghệ cao và sẽ xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc đã là những đối tác quan trọng bậc nhất của nhau, nhưng diễn biến căng thẳng càng lúc càng cho thấy bị đẩy lên cao hơn nữa. Theo ông nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do đâu?

- Điều khiến Mỹ “tức giận” là việc Trung Quốc khôn khéo lựa chọn các mặt hàng đánh vào hệ thống chính trị và tác động trực tiếp đến uy tín của ông Donal Trump. Cụ thể, Trung Quốc chọn các sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, đậu nành, cám thức ăn gia súc, nông nghiệp... tại vùng mà ông Donal Trump có ảnh hưởng tới cử tri nhằm gây sức ép tác động từ cử tri đối với Tổng thống Mỹ. Điều này thực sự đã khiến Tổng thống Mỹ nổi giận và quyết định áp thuế 200 tỉ USD.

Khi so sánh giá trị xuất khẩu, có thể dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đạt giá trị gấp gần 4 lần so với Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục áp mức thuế 267 tỉ USD tiếp theo như lời ông Trump cảnh báo, khi ấy gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc đều bị Mỹ đánh thuế cao. Theo ông khi đó Trung Quốc còn vũ khí nào để cân bằng cuộc chiến này?

- Hiện Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo các chuyên gia kinh tế nghiên cứu mức đánh thuế lên 505 tỉ USD, tương đương với tất cả hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu thuế 10 - 15%. Đến khi đó Trung Quốc không còn gì để “đánh lại” bởi mức xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ quá lớn.

Trung Quốc sẽ buộc phải dùng tới nhiều “vũ khí” khác, họ không đánh vào thương mại mà sẽ gây khó khăn cho các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới hệ lụy các công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc sẽ tháo chạy để chuyển sang các nước lân cận là Asean. Ở kịch bản xấu, không chỉ có các công ty Mỹ bỏ đi mà ngay cả các công ty phương Tây khác. Điều này sẽ tác động xấu tới Trung Quốc bởi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài này sẽ giúp chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm và nộp thuế cho Trung Quốc.

“Vũ khí” thứ 2 mà Trung Quốc có thể sử dụng là việc Trung Quốc hiện đang sở hữu khoảng gần 1.200 tỉ USD trong trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu Trung Quốc bán tháo, phá giá 1.200 tỉ USD thì giá trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ bị giảm giá. Điều này kéo theo hệ lụy các quốc gia dự trữ USD sẽ bán tháo. Ví dụ, Nga hiện sở hữu 1.000 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, nếu Nga cũng rút tiền thì ngân khố của Mỹ sẽ mất hơn 2.000 tỉ USD. Điều này có thể sẽ tạo sự rối loạn tiền tệ. Như vậy, từ chiến tranh thương mại trở thành chiến tranh tiền tệ. Tuy nhiên đây là “con dao hai lưỡi”, một khi Trung Quốc bán phá giá trái phiếu Mỹ thì giá trị đồng USD giảm. Số tiềnTrung Quốc thu về từ trái phiếu Mỹ cũng giảm đi.

Ông đánh giá điều gì sẽ xảy ra nếu các giả thiết trên thành sự thực?

- Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ bị rối loạn. Trong thời gian qua, đồng Nhân Dân tệ (CNY) đã mất giá 8%. Nếu CNY mất giá 10%, thị trường chứng khoán Trung Quốc trở nên rối loạn, khi các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mất các nguồn thu đầu tư gián tiếp, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút chạy, công ăn việc làm không còn, thất nghiệp tăng, nhà máy đóng cửa vì không xuất khẩu được hàng hóa. Đồng tiền CNY mà Trung Quốc từng tự hào đưa được vào rổ tiền tệ của IMF sẽ không ai mua để dữ trự ngoại tệ nữa. Như vậy, mọi nỗ lực của Trung Quốc trong vài chục năm qua tiêu tan như mây khói. Trong cuộc chiến này, nếu tiếp tục dấn tới thì người thua thiệt sẽ là Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông!

lan hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-leo-thang-cuoc-chien-thuong-mai-co-nguy-co-tro-thanh-chien-tranh-tien-te-633151.ldo